Năm 1911, khi ra đi tìm đường cứu nước, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã khát khao được thấy một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Anh tâm sự với người bạn: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Hơn 30 năm sau, năm 1945 trên cương vị Chủ tịch nước, công việc cấp bách của Người lại là cứu đói: “Nhân dân đang đói. Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói. Chính phủ ta phải làm thế nào cho họ sống”. Nhưng khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm khảm Người.
Trong lúc đất nước còn thù trong giặc ngoài, Người đã nhìn thấy vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước. Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5-9-1945, Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Chưa đầy 2 tháng sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 1/11/1945 Hồ Chí Minh đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp.
Tháng 2 năm 1946, trong thư gửi Tổng thống Mỹ H. Truman, bên cạnh việc tố cáo Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương, khát vọng ấy luôn đau đáu trong Người: “Người Việt Nam chúng tôi chỉ mới bắt đầu công việc xây dựng. Đầu tiên là để đạt được sự thịnh vượng, sau đó đóng góp nhỏ bé của mình để xây dựng lại thế giới”.
Ngay cả khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra tháng 12 năm 1946, Người vẫn nghĩ đến công cuộc kiến thiết đất nước. Đây là thư của Người gửi LHQ cuối năm 1946: “Việt Nam sẵn sàng mở cửa và dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, kỹ thuật nước ngoài vào tất cả các ngành kỹ thuật của Việt Nam”.
Từ năm 1954 đến trước khi qua đời, Người nhiều lần chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhất đối với nước ta là biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế có nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hiện đại.
Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ trên thế giới tới thăm và làm việc với các cơ sở kinh tế nhiều nhất. Chỉ tính trong vòng 15 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, Người đã thực hiện hơn 1.100 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội,…từ miền núi đến hải đảo.
Tính trung bình mỗi năm, có khoảng 70 lượt, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người đi xuống cơ sở.
Trên các công trình xây dựng trọng điểm của đất nước như Công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải; Khu Gang thép Thái Nguyên; Khu công nghiệp Việt Trì; Mỏ Than Quảng Ninh; Khu liên hợp Dệt Nam Định; Khu Công nghiệp Thượng Đình… đều in dấu chân của Bác.
Năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Người khẳng định: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Và hơn tất cả là bản Di chúc cách đây hơn 50 năm của Người. Di chúc là “bản tổng kết” cả một cuộc đời, là những lời dặn dò tâm huyết của trước lúc đi xa, Người vẫn canh cánh trong lòng khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng: “Còn non còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.