Theo giải thích tại Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS): Biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV là giải pháp nhằm giảm tác động có hại của hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đối với cá nhân và cộng đồng.
Theo Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm:
- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su;
- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch;
- Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV;
- Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
- Các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác.
Trong đó, biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV được hướng dẫn bởi Nghị định 63/2021/NĐ-CP, bao gồm các nội dung sau:
*Đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (Theo Điều 9 Nghị định 63/2021/NĐ-CP):
(1) Người có quan hệ tình dục đồng giới.
(2) Người chuyển đổi giới tính.
(3) Người sử dụng ma túy.
(4) Người bán dâm.
(5) Vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng (1), (2), (3), (4) nêu trên.
- Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.
*Về công tác tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV được quy định tại Điều 10 Nghị định 63/2021/NĐ-CP, cụ thể:
- Cơ sở tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV bao gồm:
+ Cơ sở khám, chữa bệnh;
+ Cơ sở y tế khác.
- Điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở khám, chữa bệnh:
+ Phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP;
+ Bác sĩ hoặc y sĩ thực hiện việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
- Điều kiện tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV đối với cơ sở khác như sau:
+ Có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để phục vụ cho việc điều trị đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP;
+ Có bác sỹ hoặc y sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ hoặc chứng nhận đã qua tập huấn, đào tạo về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh và HIV/AIDS.
Thẩm quyền quyết định triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm:
Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được thực hiện thông qua các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thẩm quyền phê duyệt các chương trình, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn khác được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm phê duyệt các chương trình, dự án có quy mô hoạt động từ hai tỉnh trở lên;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có chức năng liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS chịu trách nhiệm phê duyệt các chương trình, dự án có quy mô hoạt động trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý của mình;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt các chương trình, dự án có quy mô hoạt động trong phạm vi địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Thẩm quyền phê duyệt các chương trình, dự án từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Nghị định 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 5, khoản 7 và khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 71/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 về:
1. Quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác (sau đây viết tắt là cơ sở quản lý).
2. Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.
3. Nguồn ngân sách nhà nước và phương thức chi trả đối với chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai không có thẻ bảo hiểm y tế và phần chi phí xét nghiệm HIV Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả đối với phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế.