Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương nỗ lực đổi mới vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội

Năm học 2021-2022, các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương cùng toàn ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Các Trường tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tiếp tục thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025”. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Ngay từ đầu năm học 3 định hướng, nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra  để các Trường chủ động xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể theo đặc thù của mỗi Trường, gồm:

Một là, tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau Đại dịch.

Hai là, các cơ sở GDĐH: tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị ĐH, hướng tới quản trị ĐH 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, các cơ sở GDNN: tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.

Bám sát vào định hướng, chỉ đạo của Bộ các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng. Năm học 2021-2022, các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận sau:

Thứ nhất, các trường tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và  giải trình xã hội

Hệ thống các văn bản nội bộ để thực hiện tự chủ đã được các Trường củng cố, hoàn thiện như: Quy chế Tổ chức và hoạt động; Quy chế về chế độ làm việc; Quy chế về hoạt động khoa học công nghệ; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy định về tiêu chuẩn và quy trình về công tác cán bộ; Quy chế hoạt động đảm bảo chất lượng; Quy định xây dựng, thẩm định, ban hành, rà soát, đánh giá, cập nhật chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo các trình độ của GDNN, GDĐH; Quy định đánh giá, xếp loại thi đua hàng tháng đối với viên chức, người lao động và nhiều văn bản có liên quan khác. Các văn bản bám sát quy định của Luật, Nghị định, Thông tư và phù hợp với chiến lược phát triển của từng Trường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai các hoạt động của nhà trường.

Trên cơ sở hệ thống các văn bản nội bộ để thực hiện tự chủ các trường đã  chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo quy định, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông và website của Nhà trường; Chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo để mở ngành, nghề đáp ứng yêu cầu xã hội; Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định về tự chủ đối với các quy trình thủ tục về mở ngành đào tạo mới, điều chỉnh chương trình đào tạo, xây dựng các mô hình đào tạo; Tiếp tục rà soát, xây dựng lại cơ cấu bộ máy tổ chức, chủ động trong việc thực hiện quy trình công tác cán bộ (tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu; thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm; thôi việc, nghỉ hưu); thực hiện chế độ chính sách lương, thưởng, đãi ngộ theo điều kiện thực tế từng Trường được xây dựng tại Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH)gắn với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu; Tích cực hợp tác quốc tế, chủ động tìm kiếm, kết nối các đối tác uy tín trong khu vực và trên thế giới để tổ chức các hoạt động trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên, trao đổi học thuật, đón tiếp đoàn ra - đoàn vào, chuyển tiếp đào tạo và liên kết đào tạo; mở một số chương trình liên kết đào tạo cử nhân với nước ngoài; Công tác đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa được quản lý chặt chẽ, kiểm soát tài sản đúng quy trình; Làm tốt việc quy hoạch, phân định rõ chức năng cho từng địa điểm, hình thành các trung tâm giảng dạy lý thuyết; thí nghiệm, thực hành thực tập và NCKH theo hướng chuyên môn hóa.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Các cơ sở giáo dục thuộc Bộ đã chú trọng công tác tuyển chọn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ nhận thức của người học, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của xã hội, của quá trình hội nhập, mở cửa, phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay; Chú trọng đến việc thực hành các thao tác, các bước của hoạt động lắp ráp, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ; sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật, nhất là máy móc hiện đại, điều khiển từ xa, tự động hoá.

Từ thực tiễn nguồn lực chất lượng cao ở nước ta không có nhiều, chủ yếu là nguồn lực trung bình, tức là lao động ở bậc phổ thông, đơn giản, lao động có trình độ chuyên môn cao rất ít. Do đó, hầu hết việc sản xuất, sử dụng công nghệ máy móc, thiết bị đều nhập khẩu từ nước ngoài, xin ý kiến chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ. Theo đó, tiến hành rà soát lại chương trình đào tạo ở các trường; tăng cường thời gian học thực hành, giảm thời gian học lý thuyết; gắn quá trình đào tạo với hoạt động thực tập, tham quan, bắt tay vào công việc ở từng chuyên ngành đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các trường, các chuyên ngành đào tạo với nhau, nhất là với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, đầu tư, công ty; tuyển dụng học sinh vào đào tạo phải bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng; Các cơ sở giáo dục thuộc Bộ đã quan tâm hơn đến các ngành nghề chất lượng cao: như lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học... để đào tạo những nhân sự có thể làm chủ khi cuộc cách mạng số hóa bùng nổ như hiện nay.

Trong năm 2021-2022 các Trường đại học thuộc Bộ cơ bản đã hoàn thành kế hoạch cập nhật chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo chuẩn chương trình đào tạo được quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục thuộc Bộ tổng số chương trình được xây dựng mới, chỉnh sửa là 1072 chương trình tăng 277% so với năm học 2020-2021. Đáng chú ý, tổng số chương trình dạy online, kết hợp cả dạy online và trực tiếp chiếm 50% tổng số chương trình. Việc tăng tỷ lệ chương trình, giáo trình online, kết hợp cả online và trực tiếp thể hiện việc các Trường thuộc Bộ đã linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi hình thức giảng dạy, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, các trường đã đầu tư mua mới 414 giáo trình của nước ngoài. 

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý

Nguồn nhân lực là tiền đề cho việc nâng cao chất lượng các hoạt động của Nhà trường. Cơ chế, chính sách về thu hút và phát triển nguồn nhân lực đã được các trường chú trọng, đây là hành lang pháp lý thuận lợi, đồng thời cũng tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý được cải thiện với 11,4% có trình độ tiến sỹ với 11,4% có trình độ tiến sỹ. Số giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên và họ bước đầu áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiên tiến trên thế giới, theo đó, đề cao vai trò của người học, khuyến khích người học có thể tự học, tự nghiên cứu.

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, năng lực sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng cho hội nhập quốc tế, kiến thức kinh doanh và khởi nghiệp, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ trực tuyến trong giảng dạy. Chú trọng cải thiện kinh nghiệm thực tế của giảng viên dạy nghề, dạy thực hành trong các nhà trường.

Các trường đã quan tâm tạo lập môi trường nghiên cứu trong nhà trường để mỗi giảng viên có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu của mình và dìu dắt sinh viên nghiên cứu; phát huy tính chủ động trong hợp tác nghiên cứu với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thứ tư, tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Sinh viên được đào tạo sát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng. 100% các Trường trực thuộc Bộ Công Thương có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong những năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới trên 5 nghìn đơn vị trong và ngoài nước. Các hoạt động hợp tác chủ yếu gồm:

- Doanh nghiệp với Trường: hỗ trợ sinh viên thăm quan, thực tập, thực hành, hướng nghiệp, tuyển dụng, cung cấp thông tin về nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ, giờ học tại doanh nghiệp, tài trợ máy móc thiết bị, học bổng, tài trợ các cuộc thi, tham gia giảng dạy một phần, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, giáo trình, đặt hàng đào tạo (đào tạo chuyên ban, nâng bậc thợ, chuyển đổi tay nghề), nghiên cứu khoa học theo đòi hỏi thực tiễn sản xuất kinh doanh,...

- Trường với doanh nghiệp: cung cấp nguồn nhân lực, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tư vấn, phối hợp tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên, nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp...

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế năm học 2021- 2022 có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tư duy và định hướng mới trong hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các trường vẫn tích cực tìm kiếm và trao đổi cơ hội hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và giới thiệu việc làm; ký các thoả thuận ghi nhớ và hợp đồng hợp tác, tham gia giảng dạy, học tập và nghiên cứu, kiểm định CTĐT, tham gia hội thảo, khảo sát và đánh giá dự án, tham gia các buổi lễ ký kết, tài trợ, khảo sát, kết quả cụ thể: Hợp tác đầu tư cơ sở vật chất cho các trường: Dự án “Tăng cường lĩnh vực GDNN “ sử dụng vốn vay Chính phủ Nhật Bản của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Hợp tác về chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên và trao đổi sinh viên, hỗ trợ học bổng,...: KISMEC hỗ trợ đào tạo giảng viên kỹ thuật cho 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Thành phố HCM. Bộ Công Thương tiếp tục với Hiệp hội KOSEN triển khai thí điểm mô hình đào tạo kỹ sưu thực hành tại 3 trường CĐ (Kỹ thuật Cao Thắng, Công nghiệp Huế, Công nghiệp và Thương mại). KOSEN hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chương trình giảng dạy, kết nối doanh nghiệp Nhật Bản.

Các Trường thuộc Bộ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế;  xây dựng, ban hành các quy chế, quy định về hợp tác quốc tế trong đào tạo; kiện toàn bộ máy thực hiện công tác hội nhập quốc tế; liên kết đào tạo với những cơ sở GDĐH nước ngoài có uy tín như: Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản...; ký kết biên bản hợp tác, công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề với các trường nước ngoài (Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Quảng Ninh, Trường ĐH Điện lực, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng,...); trao đổi giảng viên, sinh viên,... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác và tài trợ thiết bị thí nghiệm thực hành cho các trường, nhận sinh viên thực tập và làm việc trong, ngoài nước (ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Sao đỏ, CĐ Kỹ thuật Công nghiệp). 6 trường CĐ nhận chuyển giao chương trình đào tạo cho 3 nghề của Đức để đào tạo 624 sinh viên một năm…

Bằng việc thay đổi từ trong nhận thức, tư duy đến hành động của mỗi cán bộ, giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công Thương đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành địa chỉ đỏ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và cho xã hội.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương