Nhu cầu xuất phát từ thực tế
Quản lý thị trường là lực lượng tiên phong trên mặt trận phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bất chấp những khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như việc các đối tượng luôn tìm ra nhiều thủ đoạn vi phạm mới, tinh vi hơn, kể cả việc sử dụng công nghệ cao né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Lực lượng Quản lý thị trường xác định, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả tốt hơn nữa thì công tác đào tạo nguồn nhân lực phải luôn được đặt lên hàng đầu bởi “chỉ có nguồn nhân lực tốt mới giúp lực lượng Quản lý thị trường tiến tới mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại cũng như sẵn sàng ứng phó với những tình huống phức tạp và những vụ việc vi phạm pháp luật với mức độ nghiêm trọng và quy mô rộng khắp trên cả nước”, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh từng chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế đó, từ đầu năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường cùng Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức lễ ký kết Thoả thuận hợp tác đào tạo cử nhân ngành Quản lý thị trường với mục tiêu đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp, khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.
Thỏa thuận hợp tác trên được coi là dấu mốc mang tính lịch sử, đặt nền móng cho đào tạo nguồn nhân lực chính quy của của lực lượng QLTT phục vụ chiến lược phát triển lực lượng Quản lý thị trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.
Liên quan đến chiến lược này, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh từng đặt ra yêu cầu: “Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường hiện đại, đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu; Trang thiết bị kỹ thuật hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp”.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng bày tỏ mong muốn tuyển dụng được cán bộ được đào tạo một cách chính quy, bài bản, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Cụ thể, cán bộ Quản lý thị trường cần phải đảm bảo 8 kỹ năng cứng cùng một loạt kỹ năng mềm về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, công nghệ cao…
Bước khởi đầu đáng khích lệ
Gần một năm sau lễ ký Thoả thuận hợp tác, tháng 3/2022, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức buổi gặp gỡ và trao 24 suất học bổng cho sinh viên khóa đầu tiên lớp Quản lý thị trường Chương trình POHE, khóa 63. Đây được coi là những “mầm non” đầy hứa hẹn có khả năng quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ QLTT trong tương lai.
Chính vì thế, những sinh viên khóa đầu tiên này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Tổng cục QLTT, đặc biệt là Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh. Không chỉ trực tiếp giải đáp thắc mắc cũng như tâm tư nguyện vọng của các bạn sinh viên về chuyên ngành Quản lý thị trường, về những công việc có thể làm sau khi ra trường, Tổng Cục trưởngư còn khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn sinh viên trong việc tiếp cận môi trường làm việc, phương pháp làm việc mà lực lượng QLTT đang triển khai.
Được biết, cử nhân chính quy chuyên ngành QLTT sẽ được đào tạo theo kiến thức đa ngành, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng với 4 khối kiến thức chủ yếu: Khối kiến thức đại cương chung; Khối kiến thức kinh tế, quản trị kinh doanh; Khối kiến thức pháp luật có liên quan về QLTT và Khối kiến thức nghiệp vụ QLTT. Thời gian đào tạo là 4 năm, bao gồm cả học tăng cường tiếng Anh (đảm bảo sàn đầu ra tiếng Anh tương đương IELTS 6.0) và thời gian thực tập cuối khóa.
Cử nhân ngành QLTT có thể làm việc tại các cơ quan có chức năng liên quan đến QLTT; Các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách thương mại; Chính sách thị trường; Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về QLTT... Hơn thế nữa, nhu cầu tuyển dụng công chức vào lực lượng QLTT rất lớn, từ 200-300 cán bộ nên các bạn sinh viên khóa đầu tiên này hoàn toàn có thể yên tâm về công việc nếu đạt được kết quả tốt nghiệp tốt.
Có thể nói, mục tiêu chuyên nghiệp hóa lực lượng QLTT là đòi hỏi cấp thiết đặt ra trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng kéo theo những thách thức trong quá trình đấu tranh, phòng, chống các hành vi gây bất ổn thị trường trong nước diễn ra ngày càng tinh vi, khó lường hơn.
Việc Tổng cục QLTT quyết tâm nâng cao chất lượng cho cán bô QLTT trong tương lai thông qua kế hoạch đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở trình độ đại học cho thấy, đây chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và có ý nghĩa đặc biệt then chốt đối với sự phát triển lâu dài và ngày càng vững mạnh của Tổng cục QLTT nói riêng và lực lượng QLTT cả nước nói chung.