Các doanh nghiệp ngành Cơ khí cần nâng cao năng lực chế tạo thiết bị phụ trợ

Ngày 14/12/2009, tại Khách sạn Mêlia (Hà Nội), Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Alstom (Thụy Điển) đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng chế tạo thiết bị phụ trợ của Việt Nam cho công nghiệp Năng lượng”.

Những kết quả bước đầu

Chế tạo thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp Năng lượng cũng như rất nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam đang trở thành một đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp ngành Cơ khí. Mặc dù những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có sự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị cho các nhà máy điện, nhiệt điện, song lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ và cần có sự đầu tư, nâng cao năng lực hơn nữa. Đó là nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo “Tiềm năng chế tạo thiết bị phụ trợ của Việt Nam cho công nghiệp Năng lượng”.

Ông Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết: Hiện nay, một số đơn vị ngành Cơ khí đã từng bước khẳng định năng lực thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện. Cụ thể như Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã hoàn toàn làm chủ việc tính toán thiết kế thiết bị cơ khí cho các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện có công suất từ 300 MW đến 600 MW. Viện đã cùng các liên doanh nhà thầu Việt Nam gồm TCT Máy và Thiết bị Công nghiệp, TCT Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, TCT Xây dựng Cơ điện và Thuỷ lợi… thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công cho dự án thuỷ điện Sơn La, A Vương, Pleikrrong, Buôn Kuốp, Bản Vẽ, SêSan…

 Các công ty Hameco, Cơ khí trung tâm Cẩm Phả (TKV), Cơ khí Điện lực, Lilama, Cơ khí chính xác Vinashin… cũng chứng minh năng lực chế tạo các thiết bị động cơ hộp số, hộp giảm tốc, bơm quạt cho các nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến 300 MW, chế tạo turbine công suất 50 MW, máy phát công suất 50 MW, chế tạo các thiết bị phụ trợ như hệ thống nước kỹ thuật, tích hợp hệ thống điều khiển, hệ thống bảo vệ quá tải và chế tạo hầu hết các thiết bị cơ khí thuỷ công bao gồm các thiết bị nâng hạ các loại. Một số thiết bị vận chuyển như gầu nâng, vít tải, băng tải, thiết bị lọc bụi như lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy… cũng đã được các doanh nghiệp chế tạo khoảng 50 - 70% khối lượng.

 

Cần nâng cao năng lực để hội nhập mạnh mẽ

Những con số trên đây chỉ là một số kết quả bước đầu, chưa chứng tỏ hết năng lực của Ngành. Để khẳng định năng lực trong lĩnh vực chế tạo thiết bị phụ trợ, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, các doanh nghiệp ngành Cơ khí Việt Nam cần quan tâm đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ hơn nữa. Bên cạnh đó, cần bổ sung và đào tạo đội ngũ kỹ sư nghiên cứu đủ năng lực, kinh nghiệm, cũng như các tổng công trình sư hoặc kỹ sư trưởng giỏi cho các dự án chế tạo thiết bị toàn bộ và lực lượng công nhân có tay nghề cao để tham gia chế tạo thiết bị cho nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện.

Tại buổi Hội thảo, Tập đoàn Alstom - một doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện của Thụy Sỹ hứa sẽ tạo điều kiện tối đa về thị trường, cũng như hỗ trợ về khâu thiết kế, chế tạo và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện do Alstom cung cấp thiết bị, đặc biệt là ở một số khâu mà Việt Nam chưa tự làm được.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam còn yếu kém trong nghiên cứu chế tạo, thiết kế và triển khai, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp chưa nhiều và không có sự liên kết chặt chẽ, do đó, ngành Cơ khí chưa phát huy được hết năng lực và cơ hội để phát triển, dẫn tới các ngành công nghiệp phụ trợ khác chưa thể phát triển. Theo Phó Thủ tướng, Hội thảo này chính là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau đánh giá năng lực, chứng minh tiềm năng trở thành nhà cung cấp thiết bị cho các đối tác quốc tế với khả năng cạnh tranh cao về giá thành, lao động, cũng như năng lực tổ chức sản xuất để giao hàng đúng hẹn. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, Hiệp hội để sớm giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh, nhằm đưa ngành Cơ khí Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ.