Thực hiện đường lối và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra, ngành Công nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đóng góp một phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước trong 20 năm đổi mới. Trong giai đoạn 2001 - 2005, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đạt mức tăng bình quân là 16%/năm, vượt chỉ tiêu của Đại hội IX đề ra.
Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực cả về ngành và về thành phần kinh tế. Từ năm 2000 đến 2005, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng liên tục từ 36,7% lên 41%; Tỷ trọng khu vực DNNN giảm từ 41,8%, còn 34,3%; khu vực ngoài quốc doanh tăng từ 22,3% lên 28,5%; khu vực có vốn ĐTNN từ 35,9% tăng dần lên 37,2%. Trong nội bộ ngành Công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng từ 79,7% lên 84,9%; công nghiệp khai thác giảm từ 13,8% xuống còn 9,1%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước giảm từ 6,5% xuống 6%.
Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu đều có mức tăng khá trong nhiều năm; đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước như than mỏ, thép xây dựng, phân lân, phân NPK, săm lốp xe đạp, săm lốp xe máy, pin, ắc quy, chất tẩy rửa, quần áo may sẵn, giày dép, sữa, dầu thực vật.... Nhiều mặt hàng chế biến xuất khẩu tăng dần như dệt may, da giầy, một số sản phẩm cơ khí, điện tử, điện gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, sứ dân dụng, đồ gỗ, quạt điện... Nhiều sản phẩm đã thực hiện vượt chỉ tiêu Đại hội IX như than mỏ (từ 2003), điện, xi măng, giấy, phân bón hoá học (từ 2004) thép xây dựng, sữa (năm 2005).
Bước vào giai đoạn kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, giai đoạn có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001 - 2010, hướng tới sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, ngành Công nghiệp đã đề ra định hướng và mục tiêu phát triển như sau.
Về định hướng phát triển
Thứ nhất, phát triển công nghiệp theo một cơ cấu mới, năng động hơn, lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho phát triển và thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn; hình thành một mạng lưới công nghiệp trong cả nước trên cơ sở đa dạng hoá về quy mô và chế độ sở hữu; tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp có hàm lượng tri thức lớn, làm cho nền công nghiệp có sức cạnh tranh, đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Thứ hai, trong giai đoạn 2006 - 2010, lấy xuất khẩu làm mục tiêu phát triển công nghiệp và là thước đo khả năng hội nhập chủ động vào khu vực và quốc tế, trên cơ sở tập trung nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông - lâm - thuỷ hải sản, thực phẩm, may mặc, giày dép, cơ khí đóng tàu, chế tạo thiết bị, lắp ráp cơ điện tử, xe máy và phụ tùng, đồng thời coi trọng việc phát triển thị trường trong nước. Ưu tiên thoả đáng cho việc phát triển các ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất để góp phần bảo đảm khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Phát triển công nghiệp năng lượng, đặc biệt năng lượng mới và tái tạo, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tiết kiệm nguyên vật liệu, công nghiệp cơ khí chế tạo và cơ - điện tử. Chú trọng phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ xuất khẩu, công nghiệp phục vụ phát triển giao thông, xây dựng và dịch vụ. Xây dựng chương trình phát triển công nghiệp phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; có cơ chế, chính sách phát triển và gắn kết các vùng nguyên liệu tập trung với công nghiệp chế biến.
Thứ ba, tăng cường hợp tác và tham gia phân công sản xuất công nghiệp với khu vực và quốc tế, từng bước đưa công nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích của hệ thống công nghiệp khu vực và quốc tế. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường, môi sinh.
Về mục tiêu: ngành Công nghiệp xác định 4 mục tiêu phát triển sau.
Mục tiêu thứ nhất: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân toàn ngành 15,2 - 15,5%/ năm. Tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng bình quân 9,5 - 10,2%/năm. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 43 - 44% trong GDP cả nước. Cơ cấu công nghiệp quốc doanh giảm từ 34,9% năm 2005 xuống khoảng 31% năm 2010, công nghiệp khu vực ngoài quốc doanh tăng từ 28,9% năm 2005 lên khoảng 33% và khu vực đầu tư nước ngoài tăng chậm hơn, từ 35,4% lên 36%. Đến năm 2010, công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng 7,8% giá trị sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến chiếm 88,3%, công nghiệp điện nước ga chiếm 3,9%.
Mục tiêu thứ hai: Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành để giữ vững và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; chuẩn bị thật tốt để chủ động tham gia có hiệu quả khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.
Mục tiêu thứ ba: Đảm bảo cân đối cung - cầu của nền kinh tế về những sản phẩm công nghiệp trọng yếu; đáp ứng cơ bản những mặt hàng tiêu dùng với chất lượng ngày một nâng cao, có giá cả phù hợp sức mua của thị trường trong và ngoài nước.
Mục tiêu thứ tư: Phấn đấu tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu (đạt bình quân 16%/năm); đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, có hàm lượng công nghệ cao, đưa tỷ trọng hàng công nghiệp chiếm 77 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (Nghị quyết Đại hội IX là 70 – 75%). Tạo mọi điều kiện để đưa tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu đã qua chế biến lên 65 - 70% vào năm 2010.
Để thực hiện được những định hướng và mục tiêu nêu trên, một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định để phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 là phải tăng cường các biện pháp thu hút vốn ở trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển, nhất là đối với các công trình quan trọng của Ngành.
Về nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010:
Trong giai đoạn 2006 - 2010, tổng nhu cầu vốn của riêng ngành Công nghiệp ước tính khoảng 900 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng nhu cầu xã hội, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sau:
Ngành Điện khoảng 350 nghìn tỷ đồng, Dầu khí 200 nghìn tỷ đồng, Than - Khoáng sản 78 nghìn tỷ đồng, Thép 44 nghìn tỷ đồng, Cơ khí 96 nghìn tỷ đồng, Hóa chất 32 nghìn tỷ đồng, Dệt may 50 nghìn tỷ đồng, ngành Nhựa 51 nghìn tỷ đồng...
Đây là khối lượng vốn hết sức lớn và chủ yếu lại phải do các doanh nghiệp tự huy động, số vốn từ ngân sách nhà nước là không đáng kể (7%), cho nên nếu không có sự năng động của các ngành Công nghiệp thì sẽ không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển.
Với yêu cầu về vốn đầu tư như trên, các giải pháp thu hút vốn đầu tư là:
Cần tích cực đẩy mạnh chương trình đổi mới DNNN, đặc biệt đẩy nhanh việc cổ phần hoá để thu hút nguồn vốn đầu tư mới từ xã hội thông qua thị trường chứng khoán.
Đối với các dự án ngành Điện với tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 350 nghìn tỷ đồng sẽ được huy động từ các nguồn đầu tư điện độc lập (IPP) và BOT khoảng trên 30%, huy động vốn khấu hao cơ bản (KHCB) để lại khoảng 36%, vay ODA khoảng 21%, bán cổ phiếu khoảng 7%... Ngoài ra, có thể phát hành trái phiếu công trình, nhất là đối với các công trình nguồn điện. Ngành Điện sẽ ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA và FDI trước, từng bước CPH các nhà máy điện thu hút vốn để đầu tư mới. Đối với các dự án thủy điện nhỏ kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh theo hình thức IPP là chính.
Đối với ngành Dầu khí, hầu hết là những dự án có nhu cầu vốn lớn, công nghệ tiến tiến, nên ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một số dự án hạ nguồn có thể cho phép 100% vốn nước ngoài. Đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cơ cấu vốn đã được xác định rõ và dự án đã khởi công thực hiện. Qua đó cho thấy, để thực hiện đầu tư nhà máy lọc dầu số 2 nhanh hơn, nên định hướng thu hút vốn FDI ngay. Với nhu cầu vốn trong giai đoạn 2006 - 2010 khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng, sẽ huy động nguồn vốn của doanh nghiệp, bao gồm lợi nhuận thu từ các liên doanh, vốn KHCB, vốn từ CPH khoảng 28%, còn lại huy động từ nguồn vay các ngân hàng trong và ngoài nước.
Đối với ngành Khai khoáng và Luyện kim: Các dự án của Ngành thường có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và yêu cầu ở trình độ cao như Liên hợp khai thác mỏ và luyện kim Hà Tĩnh công suất 4,5 triệu tấn thép/năm, cần lượng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, Nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ 1.900 tỷ đồng; Nhà máy Thép Phú Mỹ 2.350 tỷ đồng... Có thể cho phép nước ngoài tham gia cổ phần đầu tư cả khâu khai thác mỏ và luyện kim, trong đó khâu khai thác mỏ, ta giữ cổ phần chi phối, còn khâu luyện kim có thể 100% vốn nước ngoài; dự án khai thác bôxit sản xuất alumin nói chung cũng có thể kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức trên. Phần vốn cho công tác điều tra thăm dò địa chất khoáng sản thì Nhà nước cần tăng cường đầu tư để có số liệu trữ lượng địa chất cho công tác qui hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án.
Đối với ngành Cơ khí, do đặc thù cần vốn lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, nên được ưu tiên sử dụng nguồn vốn trong nước, chủ yếu là tín dụng nhà nước. Muốn vậy phải tiếp tục đổi mới cơ chế vay trả, có chính sách tỷ giá ổn định, điều chỉnh linh hoạt, ít rủi ro cho nhà đầu tư mà lại kiểm soát được để vừa tiếp tục huy động nguồn vốn trong dân cư qua các ngân hàng, vừa thực hiện được việc cho vay để đầu tư
Đối với các dự án sản xuất phân bón cũng cần ưu tiên sử dụng vốn trong nước kết hợp kêu gọi vốn ODA của nước ngoài như sản xuất DAP (vốn đầu tư 156 triệu USD) và cho phép nước ngoài đầu tư 100% như sản xuất phân đạm từ than; một số dự án hóa chất quy mô lớn như xút- Clo- EDC/VCM công suất 200 ngàn tấn xút/năm (vốn dầu tư khoảng 220 triệu USD), so đa 200 ngàn T/năm (vốn khoảng 89 triệu USD); săm lốp ô tô radian 2 - 3 triệu bộ/năm (vốn khoảng 180 triệu USD)... hướng ưu tiên kêu gọi vốn FDI.
Đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, bia rượu nước giải khát, sữa, nhựa... chủ yếu huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; DNNN tập trung đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu (dệt nhuộm, vải sợi) bằng vốn tín dụng nhà nước, vốn của doanh nghiệp và kêu gọi vốn nước ngoài.
Để huy động được các nguồn vốn trong nước cũng như ngoài nước, chúng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây:
Đối với nguồn vốn trong nước:
- Trên cơ sở các quy hoạch phát triển ngành, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách định hướng cho nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp một cách hấp dẫn hơn, yên tâm hơn khi bỏ vốn ra đầu tư, hạn chế tối đa được những rủi ro, không tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tạo nên một sân chơi bình đẳng giữa các loại hình DN. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động ở những địa bàn kinh tế khó khăn cần có cơ chế chính sách thật ổn định với mức độ khuyến khích cao, nhất là trong việc tiếp cận với đất đai, mặt bằng sản xuất, với các nguồn vốn.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu nhằm thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm được hiệu quả của dự án, đặc biệt rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát của chủ đầu tư, của các cơ quan quản lý nhà nước để chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tạo niềm tin cho nhân dân khi tham gia vốn vào đầu tư.
- Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp phát triển, tập trung vào xây dựng cơ chế một cửa thực sự; tiến hành rà soát, giảm thiểu các loại giấy phép, thời gian cũng như chi phí gia nhập thị trường cho tất cả các nhà đầu tư; không hạn chế về quy mô đầu tư; cần đổi mới cơ chế sử dụng vốn, thủ tục cho vay của các ngân hàng thương mại để huy động và cho vay tốt hơn.
- Tiếp tục hoàn thiện và phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường vốn và thị trường bất động sản. Nên có các quy định để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế từng bước phải niêm yết cổ phiếu và huy động qua thị trường chứng khoán. Tăng cường hoàn thiện thị trường tiền tệ, lành mạnh hóa các dịch vụ giao dịch, tăng cường mối liên kết giữa các tổ chức tài chính với người sản xuất bằng các hoạt động đầu tư vốn. Các ngân hàng tăng cường nguồn và hình thức cho vay trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án có quy mô và nhu cầu vốn lớn. Đối với thị trường bất động sản, cần sớm hình thành cơ chế giá bất động sản theo thị trường; có chính sách để dễ dàng chuyển quyền sử dụng đất thành hàng hóa thì đất đai mới có thể trở thành nguồn vốn quan trọng cho phát triển.
- Cần thay đổi tư duy coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý thành doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Trước khi ban hành chính sách mới, cần thăm dò dư luận rộng rãi xem tác động đến doanh nghiệp như thế nào; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận, đầu tư vào các lĩnh vực (liên quan đến cơ sở hạ tầng) mà các DNNN đang độc quyền và đầu tư không hiệu quả. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, gắn XTTM, du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài với phát triển thị trường, thu hút các nguồn lực trong nước.
Đối với nguồn vốn nước ngoài:
- Từng ngành cần xây dựng và công bố Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài . Đối với một số ngành nghề nhạy cảm như đối với ngân hàng, bảo hiểm, hàng không... cần có quy định rõ tỷ lệ khống chế vốn của nhà đầu tư nước ngoài một cách phù hợp. Đối với các ngành nghề còn lại, cần mở rộng hơn tỷ lệ 30% như quy định hiện nay. Nghiên cứu để sớm rút ngắn diện các dự án phải cấp phép đầu tư, chuyển sang hình thức chủ đầu tư đăng ký dự án, nghĩa là chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm.
- Đối với ngành Công nghiệp, bên cạnh những dự án quy mô lớn, cần kêu gọi các nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, năng lực tài chính mạnh, không hạn chế các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển giao công nghệ tiên tiến, phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là các nhà đầu tư trong khu vực Đông á, một khu vực đang được coi là năng động nhất trong giai đoạn vừa qua và tiếp tục trong giai đoạn tới.
- Xây dựng các phương thức và chính sách phù hợp để có thể kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Việt Nam. Một trong những yêu cầu rất quan trọng là chúng ta phải chủ động kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các dự án công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử - tin học, phần mềm, vật liệu mới... Đối với các nhà đầu tư này, chúng ta càng chuẩn bị tốt các điều kiện cho họ bao nhiêu, thì tác động lôi cuốn tới các nhà đầu tư khác sẽ càng tăng bấy nhiêu.
- Tập trung nguồn lực trong nước và ODA để giải quyết những bất cập về cơ sở hạ tầng như cầu, đường, điện, nước, viễn thông, bến bãi, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án BOT, BT… Chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ để làm sức hấp dẫn các nhà đầu tư, ví dụ như đền bù và giải phóng mặt bằng nhanh nhất, có giá cước điện thoại rẻ nhất...
- Cần bảo đảm thực hiện các nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm sao tạo nên một phản ứng dây chuyền tốt cho các nhà đầu tư trước lôi kéo các nhà đầu tư sau. Việt Nam đang được đánh giá có những lợi thế cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài như thể chế chính trị, xã hội ổn định; vị trí địa lý thuận lợi; lực lượng lao động có tinh thần cần cù, chịu học hỏi, có trình độ... nên rất cần hoàn thiện các yêu cầu khác để hấp dẫn các nhà đầu tư.
- Các địa phương, các chủ đầu tư cần tăng cường xúc tiến đầu tư trực tiếp với các đối tác, cùng với việc xây dựng và truyền thông cơ sở dữ liệu tập trung qua mạng điện tử quốc gia để cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin hữu ích về địa phương mình, doanh nghiệp mình, về mục tiêu và yêu cầu đầu tư dự án, về các cơ chế chính sách ưu đãi, về thủ tục đầu tư... nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng đang cân nhắc trong việc lựa chọn địa điểm và hướng đầu tư.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Chính phủ để đảm bảo các Luật mới về đầu tư, đấu thầu thực thi một cách nghiêm túc. Khắc phục tình trạng thực thi kém hiệu quả ở các cấp, các ngành, nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.