TÓM TẮT:
Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Chi nhánh huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), tác giả dựa vào mô hình nghiên cứu của các nghiên cứu trước có liên quan, từ đó xây dựng mô hình nghiên cứu và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh huyện Củ Chi, TP.HCM. Với kích thước mẫu nghiên cứu là 200, và sử dụng phần mềm thống kê SPSS 20.0. Mô hình nghiên cứu cuối cùng gồm 5 nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của Ngân hàng, gồm: (1) Tính hợp lý của nguồn vốn vay; (2) Chính sách tín dụng; (3) Năng lực của Ngân hàng; (4) Quy trình tín dụng; (5) Công nghệ ngân hàng.
Từ khóa: Cho vay tín dụng, nhân tố ảnh hưởng cho vay, tín dụng Agribank Củ chi.
1. Giới thiệu
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là đối tác tin cậy của hơn 10 triệu hộ sản xuất, hàng chục ngàn doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Đối với lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn đóng vai trò chủ lực đối với phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ngân hàng đã thực hiện trên 70%/tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này. Nhận thức vị trí quan trọng, tiềm năng to lớn của TP. Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, Agribank đã tập trung nguồn lực đầu tư và có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh nói chung, và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp, Agribank hiện là ngân hàng duy nhất có khả năng tiếp cận đến tất cả các huyện, xã trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn như Củ Chi, Cần Giờ. Tại nhiều địa phương, Agribank gần như là ngân hàng duy nhất cung cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho bà con nông dân và dân cư trên địa bàn.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Các khái niệm
Khái niệm hoạt động cho vay tín dụng:
- Theo Khoản 1, Điều 2, “Thông tư Quy định về Hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”, thì “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi” (Thông tư số 39/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
- Hoạt động cho vay là tập hợp các quan điểm, phản ánh thuộc tính chung nhất, thể hiện bản chất của quan hệ này. Với ý niệm đó, các giáo trình (của Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh) đã đề cập đến khái niệm về hợp đồng vay, đó là: “sự thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng với khách hàng là tổ chức, cá nhân, theo đó tổ chức tín dụng thỏa thuận ứng trước một số tiền cho khách hàng sử dụng trong một thời gian nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi, dựa trên sự tín nhiệm”; “… thỏa thuận bằng văn bản giữa một bên là tổ chức tín dụng (bên cho vay) với một bên là các tổ chức và cá nhân (bên vay) nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định của các bên trong quá trình vay tiền, sử dụng và thanh toán tiền vay”(Lương Khải Ân, 1999, tr.27).
- Quan hệ cho vay tồn tại dưới hình thức pháp lý là hoạt động cho vay. Theo đó, pháp luật thực định Việt Nam định nghĩa hoạt động cho vay về hình thức, nội dung để bảo đảm giao dịch vay được vận hành hợp pháp. Khoản 1, Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN định nghĩa tương đối đầy đủ về hoạt động cho vay như sau: “thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:… b) Số tiền cho vay;… c) Mục đích sử dụng vốn vay; d) Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ; đ) Phương thức cho vay;…” (Lương Khải Ân, 1999, tr.27-28).
Như vậy, bằng việc cam kết giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích, theo thời gian nhất định, bên vay phải tuân thủ nguyên tắc hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay khi đến hạn. Theo đó, quy trình cho vay bắt đầu từ khâu lập hồ sơ, xét duyệt cho vay cho đến khi thu hồi hết nợ, với mục đích đem lại hiệu quả khoản vay.
2.2. Các nghiên cứu liên quan
- Frangos, Fragkos & Sotiropoulos (2012), trong nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định vay vốn ngân hàng của khách hàng ở Hy Lạp, đã tìm ra các nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến quyết định vay vốn ngân hàng của khách hàng. Các tác giả đã thực hiện nghiên cứu của mình ở Hy Lạp và phát hiện ra rằng tình trạng hôn nhân, dịch vụ khách hàng, thiết kế cửa hàng và lãi suất là những nhân tố dự báo quan trọng nhất về việc vay vốn. Frangos và cộng sự (2012) cũng đã đề xuất một số hàm ý quản trị là các nhà quản lý ngân hàng nên tập trung vào việc cho vay đối với các cá nhân đơn lẻ cũng như thay đổi chính sách lãi suất của họ bằng cách giảm lãi suất cho tất cả các loại cho vay, đặc biệt là cho vay mua nhà ở.
- Siddique (2012) trong nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngân hàng của khách hàng, đã xác định được các nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc khách hàng lựa chọn ngân hàng thương mại, gồm các nhân tố: dịch vụ khách hàng hiệu quả; tốc độ và chất lượng dịch vụ; hình ảnh của ngân hàng; ngân hàng trực tuyến và quản lý tốt. Mặt khác, các nhân tố quan trọng nhất để lựa chọn một ngân hàng thương mại cổ phần hóa là lãi suất thấp; vị trí chi nhánh thuận tiện; đầu tư an toàn (trách nhiệm giải trình của chính phủ); nhiều dịch vụ được cung cấp và phí dịch vụ thấp.
- Alina (2010), với nghiên cứu về các đặc điểm của cá nhân và ảnh hưởng của ngân hàng đến nhu cầu dịch vụ của cá nhân, đã khám phá các nhân tố tác động đến sự lựa chọn ngân hàng của khách hàng có thể khác nhau giữa các dịch vụ. Alina (2010) nhận định, có thể có các nhân tố quan trọng đối với việc lựa chọn một ngân hàng cụ thể nhưng những nhân tố đó có thể không quan trọng đối với việc lựa chọn một dịch vụ cụ thể của cùng một ngân hàng và ngược lại. Do đó, các ngân hàng muốn thúc đẩy một số dịch vụ nhất định nên theo đuổi việc nhắm mục tiêu chính xác hơn vào các nhóm cụ thể.
2.3. Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Agribank, chi nhánh huyện Củ Chi
Dựa trên các phát hiện của nghiên cứu thực nghiệm và xem xét kỹ lưỡng các mô hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng được phát triển bởi các nhà nghiên cứu trước đó, đồng thời dựa vào điều kiện, đặc điểm của Ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Củ Chi, TP.HCM, tác giả đã vận dụng mô hình của các tác giả trước đó như Navdeep Barwa (2019), Alina (2010), Siddique (2012),… đồng thời qua việc chọn lọc, điều chỉnh các tiêu chí phù hợp từ các mô hình này để xác định và đo lường 5 nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng (Hình 1).
Mô hình gồm 5 nhân tố như sau: (1) Tính hợp lý của nguồn vốn vay (Các gói tín dụng cho vay phù hợp nhu cầu khách hàng; Nguồn vốn vay ổn định; Khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng; Ngân hàng luôn có sẵn nguồn vốn cho vay; Ngân hàng kết hợp cho vay vốn với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, và dạy nghề cho người nghèo.); (2) Chính sách tín dụng (Xác định đúng đối tượng vay; Điều kiện vay đơn giản; Nhu cầu cấp thiết của hộ vay; Thủ tục vay vốn; Thời gian cho vay); (3) Năng lực của Ngân hàng (Sự tác động của nhân viên ngân hàng; Quan hệ giữa khách hàng với nhân viên ngân hàng; Động lực từ các cán bộ ngân hàng; Lời giới thiệu của bạn bè/người thân; Ngân hàng quản lý/ kiểm soát nội bộ chặt chẽ); (4) Quy trình tín dụng (Ban hành quy chế tín dụng rõ ràng; Xây dựng quy chế tín dụng chi tiết; Cán bộ tín dụng tuân thủ các quy định; Thời gian giải ngân nhanh chóng); (5) Công nghệ ngân hàng (Hệ thống công nghệ được đánh giá cao (tốc độ xử lý giao dịch như chuyển tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm...); Hệ thống báo cáo, sao kê của ngân hàng hoạt động chính xác; Hệ thống truy cập thông tin dễ sử dụng; Hệ thống công nghệ tích hợp nhiều tiện ích cho người dùng (QR Pay, Đặt vé máy bay,...); (6) Cho vay tín dụng (gồm: Cung cấp số tiền cho vay cao nhất; Yêu cầu tiền ký quỹ thấp; Lãi suất thấp; Giải ngân nhanh số tiền vay). Trong đó, 5 nhóm nhân tố đầu là các nhóm nhân tố độc lập, nhân tố thứ 6 là nhân tố phụ thuộc. (Hình 1)
Hình 1: Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Agribank, chi nhánh huyện Củ Chi
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Kết quả hệ số Cronbach Alpha
Kết quả Cronbach alpha của thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Agribank, chi nhánh huyện Củ Chi cho thấy, các biến đều có hệ số tương quan biển - tổng đều lớn hơn 0,3 và đạt tiêu chuẩn chọn. Các thang đo đều hệ số Cronbach alpha > 0,6, như vậy, tất cả các biến đo lường đều được sử dụng trong phân tích EFA kế tiếp.
Bảng 1. Tóm tắt kết quả kiểm định Cronbach alpha mô hình nghiên cứu
Nguồn: Số liệu tính toán từ kết quả điều tra của tác giả, năm 2020
3.2. Kết quả phân tích nhân tố EFA
3.2.1. Phân tích nhân tố các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Agribank, chi nhánh huyện Củ Chi
Hệ số KMO của mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến các nhân tố ảnh hưởng đến cho vay tín dụng tại Agribank, chi nhánh huyện Củ Chi bằng 0,793 lớn hơn 0,5 nên phân tích nhân tố là phù hợp, giá trị sig.= 0,000 trong kiểm định Bartlett nhỏ hơn 0,05 nên các biến quan sát có tương quan với nhau xét trên phạm vi tổng thể. Phương pháp rút trích các thành phần chính - Principal components đã trích được 5 nhân tố từ 26 biến quan sát, với phương sai trích là 67,060%, thỏa mãn yêu cầu phương sai trích phải lớn hơn 50%, tức là đã giải thích được 67,060%% sự biến thiên của tập dữ liệu này.
Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA
Nguồn: Số liệu tính toán từ kết quả điều tra của tác giả, năm 2020
3.2.2. Phân tích nhân tố cho vay tín dụng
Kết quả phân tích nhân tố cho vay tín dụng, với KMO = 0,826, Sig. = 0,000 trong kiểm định Barlett < 0,05, một nhân tố được rút ra với tổng phương sai trích 69,785%, giải thích được 69,785% sự biến thiên của tập dữ liệu, cho thấy tập dữ liệu này cũng thỏa điều kiện phân tích.
Bảng 3. EFA các biến phụ thuộc
Nguồn: Số liệu tính toán từ kết quả điều tra của tác giả, năm 2020
3.3. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội
Đánh giá độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính bội
Kết quả tính toán cho thấy, mô hình có R2 là 0,543 và R2 điều chỉnh (R2a) là 0,517, có nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu là 51,7%, tức là mô hình đã giải thích được 51,7% phương sai của các nhân tố tác động đến cho vay tín dụng. Giá trị Sig. = 0,00 <0,05, cho thấy kết quả hồi quy có thể chấp nhận - có ý nghĩa thống kê (đối với tổng thể).
Kiểm định độ phù hợp của mô hình
Trị số thống kê F đạt giá trị 54,277 được tính từ R2 của mô hình đầy đủ, với giá trị Sig. = 0,000 nhỏ hơn 0,05), cho thấy ta sẽ an toàn khi bác bỏ giả thuyết Ho, cho rằng tất cả các số hồi quy bằng 0. Điều này chứng minh mô hình hồi quy bội cho vay tín dụng phù hợp với tập dữ liệu.
Bảng 4. Bảng Tóm tắt mô hình
Nguồn: Số liệu tính toán từ kết quả điều tra của tác giả, năm 2020
Hệ số phóng đại phương sai VIF của các nhân tố trong mô hình đều rất thấp, từ 1,076 - 1,655 nhỏ hơn 2, tức là không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Giá trị Durbin-Watson = 1,616, nhỏ hơn 2, có nghĩa là các phần dư gần nhau có tương quan thuận. Như vậy, các phần dư không có tương quan chuỗi bậc nhất với nhau. (Bảng 5)
Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy
Nguồn: Số liệu tính toán từ kết quả điều tra của tác giả, năm 2020
Phương trình hồi quy tuyến tính cho vay tín dụng tại Ngân hàng Agribank, Chi nhánh huyện Củ Chi, TP.HCM gồm 5 biến có dạng như sau:
CHOVAY = 0,375*CHINHSACH +0,285*QUYTRINH + 0,243*NANGLUC + 0,174*CONGNGHE
4. Kết luận
Từ kết quả của mô hình nghiên cứu cho vay tín dụng tại Ngân hàng Agribank, Chi nhánh huyện Củ Chi, TP. HCM được xác định theo hệ số Beta chuẩn hóa, gồm: (1) Tính hợp lý của nguồn vốn vay; (2) Chính sách tín dụng; (3) Năng lực của Ngân hàng; (4) Quy trình tín dụng; (5) Công nghệ ngân hàng, các nhà quản trị Ngân hàng Agribank cần chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:
(1) Tính hợp lý của nguồn vốn vay
- Xem xét và điều chỉnh các gói tín dụng cho vay phải phù hợp nhu cầu khách hàng;
- Ngân hàng phải huy động nguồn vốn cho vay ổn định đảm bảo nguồn vốn vay luôn luôn có sẵn;
- Khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng; Ngân hàng luôn có sẵn nguồn vốn cho vay;
- Ngân hàng kết hợp cho vay vốn với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, và dạy nghề cho người nghèo theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.
(2) Chính sách tín dụng
- Chỉnh sửa điều kiện cho vay, thủ tục vay vốn... đặc biệt là cho vay đối với khách hàng là các hộ sản xuất cá thể để họ dễ dàng tiếp cận được vốn vay;
- Ưu tiên phê duyệt cho vay vốn đối với khách hàng đang gặp nhiều khó khăn về vốn trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời, xem xét kéo dài thời gian cho vay.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
(3) Năng lực của Ngân hàng
- Cần xây dựng các tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá năng lực chuyên môn của cán bộ tín dụng như: số lượng khách hàng quản lý, dư nợ, số món vay, thời gian hoàn tất một khoản tín dụng... Bởi vì khách hàng đến vay tiền của Ngân hàng thông qua sự tác động của nhân viên ngân hàng, mối quan hệ thân thiết giữa giữa khách hàng với nhân viên ngân hàng;
- Ngân hàng cần thường xuyên yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh kèm theo số tiền trả nợ định kỳ nhằm kiểm tra khách hàng có thể trả nợ đúng hạn hay không từ đó đưa ra các biện pháp kịp thời;
- Ngân hàng cần thực hiện kiểm tra việc lập hồ sơ tín dụng đảm bảo tính pháp lý, kiểm tra thời hạn cho vay, thời hạn gia hạn nợ,... để chắc chắn rằng hoạt động tín dụng đã được bảo đảm về mặt nội bộ.
(4) Quy trình tín dụng
- Ngân hàng cần bám sát toàn quy trình tín dụng cho vay đã được đề ra, không được vận dụng hay bỏ sót một quy trình nào. Chính sách, quy trình tín dụng phải luôn thay đổi, cập nhật thông tin mới, đưa ra chính sách mới theo kịp với xu hướng phát triển kinh tế địa phương, kinh tế đất nước;
- Lãnh đạo ngân hàng nên quan tâm sâu sát với tình hình thực tế địa bàn mình quản lý để kịp thời đưa ra chính sách, kiến nghị với cấp trên cho phù hợp, giúp cho việc điều hành bộ máy của ngân hàng hoạt động tốt hơn;
- Cần ban hành quy chế tín dụng rõ ràng, xây dựng quy chế tín dụng chi tiết, cụ thể. Nhắc nhỡ các cán bộ, CNV tín dụng tuân thủ các quy định, thủ tục cho vay.
(5) Công nghệ ngân hàng
- Hoàn thiện qui trình giao dịch xã bằng phần mềm corebanking, hoàn thiện hạ tầng thông tin để tiến tới giao dịch trực tuyến (online) tại Điểm giao dịch xã nhằm hạn chế các thao tác thủ công và các công việc trung gian, nâng cao tỉ lệ giao dịch và năng suất lao động;
- Áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại, có khả năng hỗ trợ các nghiệp vụ hiện có, mở ra khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới trong tương lai. Tiếp thực hiện bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật hệ cho các đơn vị trong toàn hệ thống;
- Ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với phương thức hoạt động tại địa bàn xã, phường của các Tổ giao dịch lưu động;
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin mới: Ứng dụng giải pháp đào tạo trực tuyến vào công tác đào tạo tại Ngân hàng và xây dựng chương trình hỗ trợ đánh giá chất lượng hoạt động của chi nhánh qua các tiêu chí phân loại nợ; đánh giá chất lượng hoạt động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Alina, A. (2010). Individual and Bank Characteristics that Impact an Inividual‟s Demand for Services, Master‟s Thesis. Ukraine: Kyiv School of Economics.
- Frangos, , Fragkos, K.C., Sotiropoulos, I., Manolopoulos, G. & Valvi, A. C. (2012). Factors Affecting Customers Decisionfor Taking out Bank Loans: A Case of Greek Customers, Journal of Marketing Research & Case Studies, 2012, 1-16.
- Lương Khải Ân (2019), Pháp luật Việt Nam về hoạt động cho vay trong lĩnh vực ngân hàng. Luận án tiến sĩ Luật kinh tế, Trường Đại học Luật, TP.HCM.
- Navdeep Barwal. (2019). Factors affecting choice of Banks for Agricultural lending in Rural areas. Asian Journal of Multidimensional Research (AJMR), 8(2, February 2019), 337-344.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), TT39/2016/TT-NHNN, Thông tư Quy định về Hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
- Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Lao động xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Siddique, Md. (2012). Bank Selection Influencing Factors: A Study on Customer Preferences with Reference to Rajshahi City, Asian Business Review, 1(1), 80-87.
FACTORS AFFECTING THE CREDIT LENDING ACTIVITIES
OF VIETNAM BANK FOR AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
(AGRIBANK) – CU CHI DISTRICT BRANCH IN HO CHI MINH CITY
NGUYEN THI AI THO
Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank)
ABSTRACT:
This study is to determine the factors affecting the credit lending of Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank) – Cu Chi District Branch in Ho Chi Minh City. This study is based on relevant previous studies to develop its research model. This study’s sample size is 200 and the study uses the statistical software SPSS 20.0. The research model contains 5 factors affecting the credit lending activities of the bank, namely (1) the reasonableness of loan sources, (2) the credit policies, (3) the bank’s capacity, (4) the credit lending process, and (5) the banking technology.
Keywords: Credit loans, factors affecting lending activities, Agribank Cu Chi District Branch.