Các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai của ngành Công Thương

Các đơn vị trong ngành Công Thương cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình, giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường trong mọi tình huống thiên tai xảy ra trong năm 2024.

Công tác ứng phó thiên tai được thực hiện tốt

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống thiên tai và an toàn đập, hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức vào sáng nay 27/9 tại thành phố Đà Nẵng, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 28/03/2024 về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trong ngành Công Thương, yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTT&TKCN, tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong công tác PCTT&TKCN.

Ông Trịnh Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương)
Ông Trịnh Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) báo cáo tại Hội nghị.

Khi có dự báo bão và áp thấp nhiệt đới, Bộ Công Thương đều ban hành các công điện để chỉ đạo các đơn vị ứng phó thiên tai. Đặc biệt, đối với cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta vừa qua, là một cơn bão rất mạnh, trong hàng chục năm mới xảy ra, có phạm vi ảnh hưởng rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc,...

Bộ Công Thương đã ban hành 11 Công điện chỉ đạo các đơn vị tích cực, khẩn trương, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hồ, đập, vùng hạ du, an toàn hệ thống đê, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân vùng hạ du do lũ gây ra, khẩn trương khắc phục sự cố mất điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; tăng cường công tác giám sát, kiểm soát, quản lý thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của bão số 3 và hoàn lưu mưa lũ sau bão.

Ông Trịnh Văn Thuận - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, cơ bản các công trình thủy điện đều đã được phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập và phương án phòng chống thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Một số đơn vị đã trình Sở Công Thương các tỉnh phương án ứng phó tình huống khẩn cấp năm 2024 nhưng chưa được phê duyệt (nguyên nhân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa bàn giao Bản đồ ngập lụt phía hạ du cho các đơn vị nên chứa đủ cơ sở để phê duyệt). Các chủ đập đã thực hiện trách nhiệm kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa bão và gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương báo cáo hiện trạng an toàn đập thủy điện.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Có gần 300 công trình thủy điện đang thực hiện trách nhiệm khai báo thông tin trên cơ sở dữ liệu về vận hành thủy điện của Bộ Công Thương trên hệ thống điện tử với tên miền www.thuydienvietnam.vn. Việc này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho Bộ Công Thương trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý các công trình thủy điện.

Công tác ứng phó với động đất đã được các đơn vị quan tâm hơn trong thời gian qua, nhất là tại khu vực Kon Tum.

Công tác trực ban và chuẩn bị ứng phó với thiên tai đã được các đơn vị thực hiện tốt, nhất là tại cơn bão số 3 vừa qua, các đơn vị thủy điện khu vực miền Bắc đã triển khai tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn đập và cắt, giảm, làm chậm lũ cho hạ du.

Tuy nhiên, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương nhìn nhận, một số đơn vị chưa thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương trong việc rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP (đối với các quy trình đến thời hạn 5 năm kể từ ngày QTVH được phê duyệt). Một số đơn vị chưa chủ động trong việc đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp bản đồ ngập lụt vùng hạ du để hoàn thành trách nhiệm xây dựng, trình phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập tại một số đơn vị chưa thực sự được chú trọng (chưa đáp ứng yêu cầu theo phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt).

Các nhiệm vụ trọng tâm trong ngành Công Thương

Tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Thuận đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm phòng chống thiên tai của các đơn vị trong ngành Công Thương.

Theo đó, các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 04/CT-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác PCTT&TKCN ngành Công Thương năm 2024, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình, giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường trong mọi tình huống thiên tai xảy ra trong năm 2024. Đây là chỉ đạo quan trọng để các đơn vị trong ngành Công Thương triển khai tốt các nhiệm vụ PCTT trong năm 2024.

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTT&TKCN đối với tất cả các đơn vị có liên quan; tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong công tác PCTT&TKCN tại đơn vị. Không chủ quan, lơ là trong công tác PCTT&TKCN, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Các nhiệm vụ trọng tâm trong ngành Công Thương về phòng chống thiên tai
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong ngành Công Thương về phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án PCTT&TKCN, ứng phó linh hoạt, kịp thời các hình thái thiên tai phù hợp với đặc thù thực tế của đơn vị. Thực hiện tốt công tác đầu tư trang thiết bị PCTT&TKCN, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, kỹ thuật số trong công tác PCTT&TKCN; không chỉ là khẩu hiệu mà phải cụ thể, thực chất trong việc thực hiện công việc được giao. Kiện toàn tổ chức, lực lượng PCTT&TKCN; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất.

Ông Trịnh Văn Thuận cũng lưu ý, cần tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản cũng như các tình huống thiên tai dị thường, khó đoán trước để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố. Tiếp tục rà soát, lồng ghép nội dung PCTT&TKCN vào chương trình, kế hoạch phát triển ngành; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế, xây dựng các công trình để bảo đảm an toàn cho công trình, cho cộng đồng đối với các hình thái thiên tai.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các công trình, các điểm xung yếu dễ bị tác động bởi thiên tai trước mùa mưa bão để có biện pháp gia cố, ứng phó thiên tai phù hợp, đặc biệt tại các đơn vị có nguy cơ cao như các công ty sản xuất thuộc các ngành than, điện, các giàn khoan dầu khí.. tránh rơi vào thế thụ động, bị động trong công tác PCTT&TKCN.

Tập trung theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão để chủ động, kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có các tình huống thiên tai xảy ra. Quan tâm, thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với thiên tai, bão, lũ, nhất là các hình thái thời tiết nguy hiểm, dự báo các tình huống thiên tai từ sớm, từ xa, các khả năng xảy ra tình huống khẩn cấp về thiên tai, để có phương án hành động kịp thời ứng phó với thiên tai, bão, lũ. Duy trì nghiêm chế độ trực ban và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt. Nâng cao chất lượng công tác truyền thông; chú trọng hơn nữa đối với công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống, ứng phó thiên tai.

Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Trịnh Văn Thuận cũng nêu các nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện đối với các chủ đập và đơn vị quản lý, vận hành thủy điện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.

Hạ Vĩ