“Nảy nở” từ 3 phương thức
Chiến tranh thương mại (Trade war) là cuộc chiến mà trong đó hai hay nhiều nước “trừng phạt” đối tác bằng 3 phương thức: (i) Tăng thuế suất một hoặc nhiều mặt hàng cụ thể; (ii). Tạo ra loại thuế mới; và (iii) Dựng lên các hàng rào kỹ thuật và thương mại.
Chỉ với 3 phương thức này, trước nay các nước đã mở hàng chục “mặt trận” mỗi khi đương đầu với chiến tranh thương mại. Có thể kể:
- Hạn ngạch nhập khẩu (giới hạn số lượng hoặc giá trị hàng hóa được hưởng mức thuế quan bình thường, ngoài giới hạn bị đánh thuế cao hơn nhiều lần)
- Giấy phép nhập khẩu (chỉ những thương nhân đáp ứng được những điều kiện nhất định mới được nhập khẩu)
- Giám sát nhập khẩu (theo dõi quy trình sản xuất xem có vi phạm quy định do chính mình đặt ra hay không, như sản xuất từ gỗ rừng bất hợp pháp, đánh cá bất hợp pháp…)
- Quy định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật
- Quy định an toàn vệ sinh thực phẩm
- Quy định trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp (không sử dụng lao động trẻ em, làm quá giờ quy định…)
- Yêu cầu báo cáo dữ liệu, lưu hồ sơ với mặt hàng nhập khẩu
- Yêu cầu đóng tiền ký quỹ với mặt hàng nhập khẩu
- Yêu cầu chứng minh sản phẩm nhập khẩu không được nhà nước bảo hộ
- Lệnh cấm vận (thường là tạm thời, hoặc cho đến khi nước xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu)
- Các biện pháp hạn chế thương mại
v.v và v.v…
Cuộc chiến còn tiếp diễn
Thông thường các cuộc chiến thương mại đều gây thiệt hại cho cả hai bên. Lịch sử đã chứng minh hết sức rõ ràng, không có ngoại lệ. Vậy tại sao cho đến nay một số nước vẫn sẵn sàng châm ngòi thương chiến? Lý do có rất nhiều, và không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế. Thử đi vào những trường hợp cụ thể.
- Năm 2003, Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá basa Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, nhưng nền kinh tế Mỹ cũng thiệt hại không kém: Số lượng và giá trị đậu tương là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Mỹ vào Việt Nam để chế biến thức ăn nuôi cá basa bị sụt giảm. Hơn nữa, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm cá nhập khẩu từ Việt Nam ở các bang quan trọng của Mỹ như California, Massachuset, Florida cũng không đủ nguyên liệu hoạt động hết công suất. Nhưng Mỹ vẫn quyết định áp thuế cao vì 94% cá da trơn Mỹ được nuôi ở bang Alabama, Arkansas, Louisiana và Mississippi, là những bang mà lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn tranh thủ lá phiếu của người nông dân.
- Tháng 6/2018, Mỹ áp thuế nhôm, thép lên EU, Canada và Mexico. Các nước này đã đáp trả tương tự. Việc áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nhôm, thép được giải thích là một phần trong hàng loạt chính sách thuế của Tổng thống Trump, nhằm bảo vệ nền công nghiệp và việc làm cho người dân Mỹ. Nhưng sự thực không phải như vậy. Lý do chính nằm ở chỗ Tổng thống Mỹ Trump muốn dùng “chiêu bài” thuế nhôm, thép nhằm đạt được những điều khoản có lợi cho Mỹ trong các thoả thuận thương mại với Mexico và Canada trong quá trình đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn đang ở giai đoạn sắp hết hạn nhưng vẫn bế tắc. Quả thực, đòn gió của Trump đã có kết quả. Cuối tháng 9 năm 2018 các nhà đàm phán Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được Thỏa thuận Mỹ - Mexico – Canada (USMCA) để thay thế NAFTA trị giá hơn 1,2 nghìn tỉ USD kim thương mại giữa 3 nước.
- Thương chiến Mỹ -Trung: Châm ngòi từ tháng 7/2018 với việc 2 bên áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Đây là cuộc chiến của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Nói cách khác, mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến này là nhằm ngăn chặn sự “trỗi dậy” của Trung Quốc chứ không phải hướng tới cân bằng thương mại song phương
- Căng thẳng Nhật - Hàn: Đầu tháng 7/2019, Nhật Bản áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu lên các hóa chất quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh của Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đã phản ứng một cách giận dữ. Những chiếc xe do Nhật sản xuất đã bị cố tình làm cho trầy xước; các chủ cửa hàng đã tiến hành tẩy chay hàng hóa Nhật Bản; ngày 22/8, Hàn Quốc ngừng chia sẻ tin tức tình báo với Nhật Bản… Căng thẳng xuất phát từ việc Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in bác bỏ một thỏa thuận giữa người tiền nhiệm, bà Park Geun-hye, và thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, nhằm giải quyết một lần và mãi mãi vấn đề “phụ nữ giải khuây” thời chiến.Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ đưa ra lời xin lỗi và bồi thường 1 tỷ yên (9,3 triệu đô la) cho các nạn nhân, còn Hàn Quốc đồng ý ngừng sử dụng vấn đề này như một đòn bẩy ngoại giao và loại bỏ bức tượng một phụ nữ giải khuây đặt bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.
Những cuộc thương chiến gây ra hệ lụy cho hai bên và trong nhiều trường hợp, suy giảm nghiêm trọng đến tăng trưởng thương mại và GDP toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 22/7/2019 cho thấy, thương mại thế giới bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng kỷ lục các biện pháp hạn chế thương mại của các thành viên WTO trong giai đoạn giữa tháng 10/2018 đến giữa tháng 5/2019 lên tới mức kỷ lục 339,5 tỷ USD. Hệ lụy là vậy, nhưng trong tương lai vẫn xuất hiện những cuộc chiến thương mại dưới nhiều hình thức, và chắc chắn có nhiều trường hợp xuất phát chẳng liên quan gì đến kinh tế, thương mại.