Năm 2020, Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tiếp tục triển khai Chương trình thường niên “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam" trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Chương trình góp phần thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế: “Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đồng thời, Chương trình cũng là một trong những hoạt động chính nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2020 của Bộ Công Thương, góp phần khôi phục và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong Chương trình "Tự hào hàng Việt Nam" năm 2020, Ban tổ chức tiếp tục tuyển đội ngũ tình nguyện viên tham gia Chương trình.
Các tình nguyện viên sẽ là những mảnh ghép tuyệt vời cho Chương trình, đóng góp nhiệt huyết và sức trẻ để tuyên truyền, vận động và lan tỏa sâu rộng thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến mọi tầng lớp người dân trên cả nước.
Tham gia Chương trình, các tình nguyện viên sẽ được hòa mình vào chuỗi sự kiện truyền thông đặc biệt của Chương trình như: sáng tạo nội dung truyền thông, lan tỏa các thông điệp và thông tin về Chương trình đến hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước...
Sau hơn tuần phát động, Ban tổ chức Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 đã nhận được hơn 2.000 đơn đăng ký trở thành tình nguyện viên của Chương trình. Các tình nguyện viên đến từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Mỗi bạn đều mang trong mình sự nhiệt huyết, những hy vọng được góp một phần công sức nhỏ bé, lan toả tinh thần đoàn kết "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ, tâm sự của các bạn trẻ - các tình nguyện - những mảnh ghép tuyệt vời cho Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020:
Tình nguyện viên Đỗ Thị Lan Phương (Đại học Ngoại Thương)
Em rất thích trở thành tình nguyện viên của các Chương trình, các hoạt động xã hội. Trước đó, em từng tham gia làm tình nguyện viên cho: sự kiện Giờ Trái đất 2019, sự kiện Nhặt rác ở phố đi bộ Hồ Gươm, trở thành tình nguyện viên nấu và phát cháo cho các bệnh nhân ở viện bỏng Lê Hữu Trác...
Mỗi Chương trình, sự kiện đều mang lại cho tình nguyện viên chúng em một cơ hội tuyệt vời để học hỏi những kinh nghiệm cuộc sống, trong học tập cũng như công việc. Em rất vui, hạnh phúc khi đã góp một phần sức lực của mình cho cộng đồng, cho người dân.
Bên cạnh đó, những hoạt động ý nghĩa này còn giúp em cải thiện những kĩ năng mềm, giúp em có lối sống tích cực hơn, trở thành một người có ích hơn đối với xã hội.
Em biết đến Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 thông qua mạng xã hội Facebook. Em ấn tượng với hai thông điệp xuyên suốt của Chương trình "Dùng hàng Việt là yêu nước" và "Toàn dân đoàn kết tạo ra sức sống mãnh liệt cho hàng Việt", do vậy, em làm đăng đăng ký tham dự để được trở thành tình nguyện viên của Chương trình.
Hiện nay, nhiều bạn bè, người thân của em vẫn có tâm lý "sính ngoại" mà chưa thực sự quan tâm, lựa chọn hàng Việt Nam để sử dụng, vì vậy, tham gia Chương trình, em muốn truyền tải thông điệp "dùng hàng Việt Nam là yêu nước", "hàng Việt Nam, chất lượng quốc tế"; giúp bạn bè, người thân xung quanh em có cách nhìn khác về hàng Việt Nam, từ đó ưu tiên, lựa chọn hàng Việt Nam để sử dụng.
Tình nguyện viên Lục Tuấn Việt (Đại học Luật Hà Nội)
“Made in Vietnam” là 1 cụm từ vô cùng thiêng liêng. Những sản phẩm “Made in Vietnam” với tôi đó là sự tự hào, sự gần gũi.
Tham gia Chương trình "Tự hào hàng Việt Nam" năm 2020, tôi muốn lan toả những thông điệp tốt đẹp nhất về hàng Việt Nam để mọi người sẽ cùng tìm đến sử dụng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất.
Tình nguyện viên Nguyễn Hồng Hạnh (Đại học Kinh tế Quốc dân)
Dịch Covid-19 đã tạo ra cú sốc về cả kinh tế xã hội đối với toàn cầu trong đó có Việt Nam. Giai đoạn hậu Covid-19, Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam" năm 2020 của Bộ Công Thương có ý nghĩa rất to lớn trong việc hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Tham gia Chương trình, em mong muốn góp một phần nhỏ bé để đem Chương trình đến gần hơn với người dân, lan tỏa ra cộng đồng tinh thần "Dùng hàng Việt là yêu nước".
Trở thành tình nguyện viên của Chương trình là cơ hội để bản thân em cũng như các bạn trẻ trải nghiệm, trưởng thành hơn từ những sự kiện truyền thông của Chương trình.