Ngày 12/9/2019, tại Thành phố Huế, Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2019-2020 của các trường trực thuộc Bộ Công Thương đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng biểu dương, trong năm học 2018-2019, hệ thống các cơ sở đào tạo ngành Công Thương có nhiều cố gắng và chủ động hơn trong việc áp dụng nhiều giải pháp đổi mới. Các trường đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, chất lượng đào tạo được các trường quan tâm, công tác đổi mới quản lí giáo dục được thực hiện theo hướng tự chủ, đổi mới quản trị đại học, kiểm định chất lượng đào tạo...
Đánh giá về kết quả dạy và học của các trường trực thuộc bộ trong năm 2018-2019, Thứ trưởng cho rằng, các trường đã chủ động hơn trong việc tinh gọn bộ máy, tuyển dụng nhân sự và công tác chuyên môn, từng bước đổi mới cơ chế hoạt động. Các trường cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội, chú trọng những cam kết hợp tác với doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước.
Báo cáo tổng kết những kết quả trong năm học 2018-2019, và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020, ông Nguyễn Văn Thảo - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cho biết, năm học 2018-2019 các trường thuộc Bộ Công Thương có sự thay đổi do Bộ chuyển giao một số các Tập đoàn, Tổng công ty về Ủy Ban quản lý vốn nhà nước.
Hiện nay, còn lại 35 trường trực thuộc Bộ Công Thương bao gồm: 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, 9 trường đại học, 25 trường cao đẳng. Kết quả năm học 2018-2019 của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã đạt được những thành tích đáng kể.
Năm học 2018-2019, các khối trường trực thuộc Bộ Công Thương đã làm tốt công tác tuyển sinh và quy mô đào tạo có xu hướng tăng so với năm học 2017-2018, tập trung ở bậc đại học và trung cấp.
Trong đó, có 9 trường tuyển sinh tốt như: Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp thực phẩm tp Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp, Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng thương mại.
Ngoài kết quả tuyển sinh từ bậc trung cấp trở lên, các trường còn tập trung tuyển sinh và đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo tạo thường xuyên cho các tổ chức và cá nhân, hằng năm lên tới hàng chục nghìn lượt người.
Đáng chú ý, năm học 2018-2019 Bộ Công Thương đã đầu tư trên 700 trăm tỷ đồng cho các trường, từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn vay ODA của các tổ chức quốc tế, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục đào tạo, chương trình mục tiêu và các Đề án và nguồn thu của nhà trường...
Năm học 2019 - 2020, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Tham luận về công tác tuyển sinh trong năm học 2019-2020, PGS.TS. Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, trước kia, theo thông tư 20, mỗi trường đại học chỉ được được đào tạo với quy mô dưới 20.000 sinh viên, nhưng thực tế, hiện nay, để có một trường đại học hội nhập quốc tế dứt khoát phải có quy mô ít nhất 20.000 thì mới đáp ứng được nguồn lực, đủ sức mạnh cạnh tranh. Đây là vấn đề mới, rất thuận lợi, để các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào điều kiện của trường mình để xây dựng chiến lược phát triển trong thời gian dài.
Nói về khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, PGS.TS. Trần Đức Quý cho rằng, hệ thống các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam hiện nay đã bão hòa. Theo quy luật cung cầu hiện nay, có thể nói, tỷ lệ sinh viên hiện nay chỉ khoảng 800.000 và chỉ tiêu vào các trường chỉ khoảng trên 400.000. Mùa tuyển sinh 2019 hướng chất lượng đầu vào đối với các trường chọn là lấy kết quả từ kỳ THPT quốc gia, kết thúc tuyển sinh đợt 1, mới chỉ có 40% thí sinh nhập học, vậy số còn lại đi đâu?.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không lựa chọn phân khúc giống như Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân mà chúng tôi phải lựa chọn phân khúc đại chúng hơn, cần số đông hơn. Do đó, các trường cao đẳng cũng phải lựa chọn cho mình những phân khúc phù hợp. Cùng với đó, các trường cũng phải kiên định xây dựng cho mình một lộ trình phát triển phù hợp, không nóng vội, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.
Do vậy để công tác tuyển sinh tốt, theo kinh nghiệm của Đại học Công nghiệp Hà Nội, trước hết, các trường phải căn cứ vào đặc thù riêng của mình để xây dựng chương trình tuyển sinh. Hiện nay, nếu chúng ta làm truyền thông nhiều quá cũng không tốt, chúng ta phải xác định được thị trường, thị phần, phân khúc lao động mình lựa chọn để đầu tư.
Cùng chia sẻ về công tác tuyển sinh, TS. Nguyễn Chí Hiếu - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TPHCM đồng tình với những ý kiến của PGS.TS. Trần Đức Quý và cho rằng, hiện nay, muốn vươn ra thế giới, các trường cần có năng lực đào tạo lớn, tự chủ về kinh tế. Hiện nay, nhà trường có quy mô đào tạo trên 30.000 ngàn sinh viên. Năm 2019, nhà trường tuyển được trên 8.000 sinh viên đại học và 2.500 sinh viên cao đẳng trong đợt 1. Có thể trong nhiều năm tới, nhà trường không tuyển sinh hệ cao đẳng mà tập trung vào hệ đại học và sau đại học.
Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, những con số từ các báo cáo đã thể hiện rõ hơn sự phát triển cả chiều rộng, chiều sâu trong công tác dạy nghề của các trường đại học, cao đẳng. Cơ cấu dạy nghề đã được điều chỉnh theo nhu cầu của xã hội, công tác dạy nghề cũng được đảm bảo, hàng năm, các trường đã đào tạo ra hàng trăm ngàn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, một số trường còn nhiều khó khăn về công tác tuyển sinh, quy mô đào tạo thấp, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống cán bộ, giảng viên. Do vậy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu, các cơ quan quản lí của Bộ Công Thương cũng như lãnh đạo các trường cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh đối với từng trường trong năm học mới.
Cùng với đó, để thực hiện thành công định hướng, nhiệm vụ của năm học 2019-2020, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề nghị, các trường cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Chủ động đổi mới bộ máy và sắp xếp tinh gọn đầu mối.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đào tạo gắn với việc làm sau khi ra trường, chú trọng thực hành, thực tập. Chủ động kiểm định chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc gia, hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ của cả giảng viên và học sinh, sinh viên; hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Cũng nhân dịp này, thay mặt Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho 6 trường thuộc Bộ Công Thương bao gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm; Trường Cao đẳng Thương mại; Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại, Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương.