Nói đến trí thức là nói tới tính thức thời của họ. Trong lịch sử đất nước, trí thức Việt Nam ở thời kỳ nào, triều đại nào cũng là người thức thời. Khi đỗ đạt thì ra làm quan thi thố với đời. Không đỗ đạt thì lui về làm thầy nho, y, lý, số. Khi không được Vua dùng, thì ẩn dật điền viên trước tác thơ văn. Cũng không thiếu người đã dấy binh tụ nghĩa chống ngoại xâm như Phan Đình Phùng, Trương Định, Thủ Khoa Huân. Có người chống ngoại xâm bằng ngòi bút như cụ Đồ Chiểu. Đầu thế kỷ XX, hình thành một lớp trí thức “tân học” với những tư tưởng tiến bộ, yêu nước, của phong trào Đông du, phong trào Đông kinh nghĩa thục v.v
Nhìn lại thế hệ trí thức những năm Cách mạng tháng Tám 1945, tiêu biểu như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Giám, Hồ Đắc Di, Trần Đăng Khoa, Nghiêm Xuân Yên, Đỗ Xuân Hợp, Tạ Quang Bửu.v.v… thì sự thức thời còn được thể hiện ở sự tiếp nhận tư tưởng mới, tiến bộ, hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Tính thức thời còn thể hiện ở sự lựa chọn của người trí thức, đặt mình vào đâu? Vị trí như thế nào trong lòng dân tộc? Thế nhưng, để đi đến một sự lựa chọn mang tính thức thời, thì phải trải qua một quá trình nhận thức chân lý khách quan và quy luật tất yếu phát triển của lịch sử. Trước lúc có được sự lựa chọn đúng đắn, thì nhìn chung người trí thức cũ mang tâm trạng bế tắc, mà chính họ cũng không lý giải nổi, không tìm ra lối thoát. Sự bế tắc ấy đẩy người trí thức tiểu tư sản: “Xa lánh nhân dân lao động và có thái độ khinh miệt lao động chân tay, họ quay lưng với thực tế, họ khép cửa thư phòng để từ trên tháp ngà nhìn xuống nhân quần với một thái độ bàng quan” (Nguyễn Mạnh Tường). Sự bế tắc ấy làm cho người trí thức cũ không phân biệt được hay dở, chính tà “Người trí thức vất vưởng trên con đường tuyệt lộ, không có lối thoát” (Nguyễn Mạnh Tường). Vẫn là ý kiến của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường trên bài báo “Vị trí của người trí thức Việt Nam trong cách mạng” đã phân tích rằng, xã hội cũ, vấn đề phát triển khả năng của từng cá nhân không được đặt ra. Sự phát triển cá nhân là hoàn toàn tuỳ thuộc, về khả năng tài chính, cũng như điều kiện văn hoá, giáo dục của từng gia đình một. Nói cách khác là xã hội cũ không quan tâm về vấn đề phát triển tài năng cá nhân. Ai muốn học ngành gì ? học ở đâu ? làm quan hay làm nghề tự do… Xã hội cũ không can thiệp.
Nhưng dưới chế độ “dân chủ - cộng hoà”, người trí thức cũ đã được giải phóng, được cải tạo tư tưởng cũ, trở thành người trí thức của nhân dân, làm thay đổi căn bản nhân sinh quan và thế giới quan tiểu tư sản. Bản thân họ đã nhận thức rằng “Bây giờ trong chế độ XHCN đã có tác dụng đào tạo một con người mới, không thuộc một giai cấp nào nữa, đó là người lao động bằng trí óc, nhiều khi lao động trí óc lẫn chân tay, coi lao động là vinh quang và mang toàn tâm toàn ý ra phục vụ nhân dân” (Nguyễn Mạnh Tường). Nghĩa là, người trí thức đã nhận biết ra “mình là ai” trong xã hội mới. Thế thì “mình phải làm gì?” là một câu hỏi mà bản thân người trí thức phải tự trả lời. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã trả lời một cách rất khái quát trong bài viết của mình rằng: “Người trí thức nhất định đứng dậy hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, của nhân dân và cùng với quảng đại quần chúng tích cực đóng góp vai trò của mình, lãnh trách nhiệm trước lịch sử, củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ”.
Cũng trên một bài viết luận về sự lựa chọn của người trí thức, giáo sư Hoàng Như Mai cho rằng, nhờ có sự lựa chọn duy nhất đúng, mà người trí thức đã hành sự theo một chân lý bất di bất dịch là “vì dân, do dân, bởi dân”. Thời điểm 1956 nhìn lại 11 năm chính thể “dân chủ cộng hoà” (1945-1956), nhà trí thức Hoàng Như Mai nhìn lại mình và nhìn lại những người trí thức Việt Nam đã thấy hoàn toàn đổi khác so với con người bản thân trước cách mạng. Sự lựa chọn đó là đúng đắn, là ý nghĩa, là thức thời. Cho nên, người trí thức cũ đã được chế độ “dân chủ - cộng hoà” cảm hoá và sử dụng. Ngược lại, người trí thức đưa hết tài năng để xây dựng chế độ. Quá trình tuần hoàn đó đã làm cho người trí thức gắn chặt với chế độ bằng một sự tự nguyện lựa chọn: “Gắn chặt với chế độ bằng cả một tình cảm chân thành và một tinh thần tha thiết”.
Có hai điều băn khoăn mà người trí thức khi lựa chọn đến với cách mạng, nhất là thời điểm sau 1954. Một là, lo không có chỗ đứng trong hàng ngũ nhân dân. Hai là, lo không được phát triển tài năng. Hai câu hỏi băn khoăn ấy đã được thực tế giải đáp chứng minh, bằng chính sách đối với trí thức của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất đúng đắn. Cho dù ở các cấp cơ sở, ở vài trường hợp, ở một số cá nhân cán bộ lãnh đạo còn có tư tưởng hẹp hòi với trí thức. Đó là điều khó tránh khỏi trong một quá trình vận động phát triển.
Để đi tới một sự lựa chọn đi với cách mạng, cái gì đã cảm hoá mãnh liệt người trí thức? Ngoài tư tưởng tiến bộ qua sách báo, thì các tấm gương cao quý của những nhà cách mạng như Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai v.v… mà trước tiên họ là trí thức, đã tác động trực tiếp với họ, gây cho họ niềm tin mãnh liệt. Niềm tin ấy lại được nhân gấp bội qua tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Người đã chinh phục trí thức, khiến cho trí thức đi với Người, ở những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng.
Nhìn lại thời điểm 1946, khi Người qua Paris để dự hội nghị Fontainebleau. Hội nghị bị phá vỡ, đẩy chúng ta vào một tình thế vô cùng khó khăn là không còn con đường nào khác phải cầm vũ khí kháng lại thực dân Pháp. Từ nước Pháp , Người trở về Tổ quốc để cùng toàn dân kháng chiến. Trên chuyến tàu về nước năm ấy, Hồ Chủ tịch đã cảm hoá và đưa về nước được những trí thức lớn của đất nước như: Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Chấn Liêu, Lâm Ngọc Huấn” (Hồi ký của giáo sư Hoàng Minh Giám).
Những trí thức Việt kiều về nước và những trí thức trong nước đã được cách mạng trọng dụng, được giao những trọng trách trong các cơ quan Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội. Nhiều người đã có đóng góp rất to lớn và ý nghĩa.
Năm 1956, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, đồng nghiệp của bác sĩ Trần Hữu Tước, đã giới thiệu trí thức Việt Nam với bạn bè quốc tế về sự lựa chọn của trí thức Việt Nam như sau: “ Năm 1956, bác sĩ X (gọi tắt tên bác sĩ Trần Hữu Tước- BXV) sang Paris trong một phái đoàn đại học để lập lại quan hệ giữa đại học Hà Nội và đai học Paris. Có người đã hỏi bác sĩ X : “Lựa chọn tự do bỏ Việt Nam ở lại Pháp?” Bác sĩ X đã trả lời gọn một câu: “Tự do- tôi đã lựa chọn 10 năm về trước rồi.” (Nguyễn Khắc Viện). Mười năm về trước (1946) bác sĩ Trần Hữu Tước đang làm thầy thuốc ở Paris, Ông đã lựa chọn về nước với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mười năm sau (1956) sự lựa chọn ấy vẫn không hề thay lòng đổi dạ. Sự lựa chọn này mang tính nhất quán đối với cả những lớp trí thức sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954). Trong một bài báo của giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính luận về sự lựa chọn của người trí thức như sau: Một nữ trí thức trẻ, đậu văn bằng thạc sĩ toán, bà hoàn toàn tự do lựa chọn ở lại nước Pháp có điều kiện vật chất đầy đủ, phương tiện nghiên cứu khoa học thuận lợi, sự nghiệp khoa học có nhiều cơ hội tốt hơn so với về nước. Nhưng bà lựa chọn về nước để phục vụ sự nghiệp cách mạng, chấp nhận mọi khó khăn thiếu thốn. Trí thức Việt kiều đã lần lượt lên đường trở về phục vụ Tổ quốc như: BS Nguyễn Hải Long; TS Nguyễn Tấn Lập; KS Nguyễn Huy Thịnh; KS Lê Viết Hường; LS Trần Văn Khương v.v... Đó là chưa nói tới những trí thức tên tuổi như: Lương Định Của, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xuân Nguyên, Nguyễn Cao Luyện, Đặng Văn Chung...
Còn trí thức trong nước, sự lựa chọn của họ đã quá rõ ràng: Mẫu số chung của sự lựa chọn này, dù trí thức Việt Kiều hay trí thức trong nước, là coi trọng danh dự, uy tín, tài năng, muốn được phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Còn yếu tố tiền tài vật chất là cần thiết, nhưng không phải là tất cả. Thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng của lớp trí thức này rất vô tư. Họ đã chối từ cuộc sống giàu sang, đầy đủ vật chất, danh vọng của chế độ tư bản, để chấp nhận gian khổ hy sinh, cùng với đồng bào đồng chí suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, kể cả những năm đầu hoà bình lập lại ở miền Bắc thiếu thốn mà “ở các chợ người ta bán từng nửa viên thuốc Asperin, từng nửa mét vài diềm bâu”.
Trải qua gần 60 năm, từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt trong công cuộc xây dựng CNXH hôm nay, tầng lớp trí thức luôn sát cánh cùng với các tầng lớp nhân dân khác phấn đấu hết mình để xây dựng một Tổ quốc Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.