Là một trong những thành viên sáng lập của WTO, Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia vào quá trình đàm phán các Hiệp định WTO liên quan đến phòng vệ thương mại. Các quy tắc của WTO được phản ánh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của EU về các nội dung trên. Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp của EU được ban hành lần đầu tiên vào năm 1968, đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi.
Số liệu thống kê của WTO cho thấy EU là một trong ba thành viên WTO đứng đầu về số vụ điều tra chống bán phá giá (sau Ấn Độ và Hoa Kỳ), đứng thứ hai về số vụ điều tra chống trợ cấp (sau Hoa Kỳ và trước Canada), tuy nhiên lại là thành viên ít khởi xướng các cuộc điều tra tự vệ (từ năm 1995 đến nay chỉ có 6 cuộc điều tra tự vệ trong khi nước khởi xướng nhiều nhất là Ấn độ với 46 vụ). Xét riêng trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, EU đã tiến hành 81 cuộc điều tra mới liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ 22 quốc gia. Các mặt hàng bị điều tra nhiều nhất là: sắt và thép: 37 cuộc điều tra; Hóa chất và sản phẩm liên quan: 20 cuộc điều tra.
Riêng đối với Việt Nam, tính đến tháng 11 năm nay, các nguyên đơn EU đã kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu nước ta 14 vụ việc, chiếm 6,9% tổng số vụ kiện của 22 nước và vùng lãnh thổ (nếu coi EU là một “nước”) nhằm vào hàng xuất khẩu Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xem cách thức EU sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo quy định, Uỷ ban châu Âu EC chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc bán phá giá đối với các nhà sản xuất hàng xuất khẩu tại các nước ngoài EU. Cơ quan này thường mở một cuộc điều tra sau khi nhận được đơn khiếu nại từ các nhà sản xuất EU có liên quan, hoặc cũng có thẩm quyền tự khởi động các cuộc điều tra.
Bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân, hoặc bất kỳ hiệp hội nào không có tư cách pháp nhân, đại diện cho ngành công nghiệp Liên minh đều có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu hoặc Tổng cục Thương mại bắt đầu một cuộc điều tra về phòng vệ thương mại (Quy định (EU) 2015/478). Một cuộc điều tra thường phải được hoàn thành trong 9 tháng, nhưng trong một số trường hợp nhất định, có thể được kéo dài đến 11 tháng. Quyết định về các biện pháp tạm thời được Ủy ban đưa ra sau khi tham khảo ý kiến với các quốc gia thành viên EU.
Các biện pháp phòng vệ thương mại được EU sử dụng:
- Chống bán phá giá (Anti-dumping): Bán phá giá xảy ra khi các nhà sản xuất từ một quốc gia ngoài EU bán hàng hóa tại EU dưới mức giá bán tại thị trường nội địa của họ hoặc thấp hơn chi phí sản xuất. Ủy ban châu Âu thực hiện cuộc điều tra đối với trường hợp nghi vấn, nếu kết luận có hiện tượng bán phá giá đang diễn ra, EC có thể khắc phục mọi thiệt hại cho các công ty EU bằng cách áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.
Thông thường EU sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu của sản phẩm cụ thể từ quốc gia bị điều tra. Thuế này có thể cố định, thay đổi hoặc theo tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị. Thuế chống bán phá giá có thể kéo dài trong 6 tháng (biện pháp tạm thời) hoặc dài hạn tới 5 năm.
- Chống trợ cấp (Anti-subsidy): Trợ cấp là khi một chính phủ hoặc một tổ chức công ngoài EU hỗ trợ tài chính cho các công ty để họ sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa, làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nhập khẩu vào EU. Ủy ban châu Âu sẽ mở cuộc điều tra đối với các khoản trợ cấp này để làm rõ có tạo ra sự bất công và làm tổn thương các doanh nghiệp EU hay không. EC được phép chống lại mọi tác động bóp méo thương mại của các khoản trợ cấp này đối với thị trường EU.
EU có thể áp một số loại thuế để hạn chế các lợi ích từ việc được trợ cấp đối với các hàng hoá nhập khẩu khi khoản trợ cấp này ảnh hưởng đến một ngành hoặc một nhóm ngành công nghiệp cụ thể. Các biện pháp trả đũa dưới hình thức áp thuế đối với hàng nhập khẩu của các sản phẩm được trợ cấp (cố định, thay đổi hoặc theo tỷ lệ). Các biện pháp này có thể kéo dài trong 4 tháng (biện pháp tạm thời) hoặc dài hạn tới 5 năm.
- Biện pháp tự vệ (safeguard): Biện pháp tự vệ được sử dụng trong trường hợp một ngành công nghiệp của EU bị ảnh hưởng bởi sự tăng mạnh, không dự đoán trước và đột ngột của hàng nhập khẩu. Mục đích của biện pháp này là để cho phép ngành công nghiệp EU một khoảng thời gian tạm thời để thực hiện những điều chỉnh cần thiết.
Đây là biện pháp ngắn hạn để điều tiết nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp của EU có thời gian thích ứng với sự tăng đột biến, không lường trước của hàng nhập khẩu và luôn đi kèm với yêu cầu bắt buộc tái cấu trúc ngành công nghiệp liên quan.
Các biện pháp tự vệ tạm thời có thể kéo dài tới 200 ngày và các biện pháp dứt khoát lên tới 4 năm. Nếu áp dụng vượt quá 3 năm, các biện pháp áp dụng phải được xem xét giữa kỳ và có thể được gia hạn cho đến tổng cộng 8 năm.