Cải cách hành chính phải gắn với thực tiễn và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC), tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Xoay quanh việc tìm ra các giải pháp để thúc đẩy tiến tr

PV: Xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về tiến trình CCHC của chúng ta trong những năm gần đây cũng như những khó khăn trong việc thực hiện. Và theo Thứ trưởng, đâu là những nguyên nhân cơ bản?
Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Công tác CCHC đã được Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành từ 10 năm nay mà căn cứ chính là từ Nghị quyết của Chính phủ số 38-CP ngày 4-5-1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Bắt đầu từ năm 2001, Chính phủ ban hành Chương trình 10 năm CCHC và được chia làm 2 giai đoạn: 2001- 2005 và 2006- 2010. Mục tiêu chính của chương trình là xây dựng nền hành chính dân chủ trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá. Chúng ta hiện đang đi gần hết nửa chặng đường đầu tiên.
Vừa rồi, Chính phủ đã sơ kết 3 năm công tác này và nhận định: So với mục đích đặt ra của trương trình, chúng ta đã triển khai khá hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực cải cách thể chế như đã tạo lập thể chế kinh tế thị trường, thể chế vận hành hành chính mới và tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đảng và Nhà nước coi CCHC là một trong 3 giải pháp cơ bản để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế. Do đó, trong những năm gần đây, Chính phủ đã xây dựng hàng loạt các thể chế mới như: Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Đất đai, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Tổ chức chính phủ, Luật HĐND...
Về mặt tổ chức, mục tiêu của công tác CCHC là tập trung thu gọn đầu mối. Trước đây, chúng ta có 24 cơ quan trực thuộc Chính phủ, bây giờ chỉ còn 12. Tại các Bộ, các sở, ngành, tỉnh, địa phương, cơ cấu tổ chức cũng được đơn giản, gọn nhẹ hơn, tách bạch được phần quản lý nhà nước của các bộ với phần quản lý sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các phòng ban cấp huyện đã giảm từ 20 xuống còn 15. Chức năng quản lý của các cơ quan hành chính đã được làm rõ hơn, tách bạch hơn. Tiến hành phân cấp về biên chế hành chính sự nghiệp, trao quyền cho các bộ, ngành được độc lập về biên chế. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có nhiều chuyển biến, đã quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công chức, trách nhiệm của công chức đã dần được xác định. Năm 2003 đã đào tạo được hơn 700.000 công chức. ở lĩnh vực cải cách tài chính công cũng đã có những thay đổi trong khâu lập và sử dụng ngân sách nhằm đạt hiệu quả hơn trên cơ sở thực hiện Nghị định số 10/NĐ-CP của Chính phủ đối với các đơn vị sự nghiệp có thu
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, song, công tác CCHC của chúng ta vẫn còn chậm so với tiến độ, hiệu quả chưa cao, còn những việc đã làm nhiều năm nhưng chưa dứt điểm, đặc biệt trong khâu cải cách thủ tục hành chính, do đó chưa tạo được sự thông thoáng thực sự cho nhân dân và doanh nghiệp. Theo tôi, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng những nguyên nhân chủ yếu là:
- Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của CCHC còn chưa đồng đều, thấu đáo, vẫn còn rất sơ sài.
- Công tác chỉ đạo chưa đạt yêu cầu đặt ra. ở một số bộ, ngành chưa thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát tiến độ CCHC.
- Một số cán bộ còn chưa được đào tạo, đào tạo lại nên còn rất lúng túng trong việc nắm bắt những kiến thức mới. Thậm chí, có những người, những bộ phận còn không muốn cải cách do ngại va chạm, ngại phá vỡ thói quen, ngại đổi mới từ cơ chế  xin – cho sang cơ chế phục vụ.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh một lý do khách quan có ảnh hưởng khá lớn đến tiến trình CCHC của chúng ta, đó việc chuyển từ mô hình quản lý nhà nước vi mô trực tiếp sang quản lý vĩ mô gián tiếp, tức là thay vì chịu sự quản lý trực tiếp từ Nhà nước sẽ là chịu sự quản lý của các luật lệ, các văn bản mà Nhà nước đặt ra.

PV: Năm 2004 là năm được Nhà nước lấy làm năm cải cách hành chính. Để đạt được mục đích đã đặt ra trong năm, chúng ta cần phải làm những gì?
Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Thực ra, không phải chỉ năm 2004 mới được coi là năm CCHC. Như tôi đã nói, CCHC là một quá trình lâu dài, phức tạp và khó khăn, do đó Chính phủ đã phải ban hành một chương trình hành động có trình tự, bài bản mà chúng ta hiện đang chuẩn bị hoàn tất giai đoạn một. Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những điểm sau:
- Tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, của người đứng đầu, chức năng quản lý với sự nghiệp dịch vụ công...
- Đẩy mạnh phân cấp giữa trung ương và địa phương trong quản lý ngành, lĩnh vực. Đây là một cách làm nhằm tạo ra thế chủ động trong việc giải quyết công việc cho các địa phương, ban, ngành, tránh tình trạng chờ đợi, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến hiệu quả.
- Tổ chức, triển khai chế độ “một cửa” trong giao dịch hành chính tại tất cả các huyện, mà trước mắt là các sở, các ngành. Mục tiêu đến năm 2005 sẽ thực hiện tại các xã. Hà Nội hiện nay đã triển khai trên 1.000 xã. Việc này sẽ giải quyết nhanh công việc của nhân dân, tạo nên bộ mặt mới trong công tác phục vụ nhân dân.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tiến trình CCHC một cách tổng thể.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đảm bảo yêu cầu về thiết lập kỷ cương, bám sát nội dung chương trình để hoàn thành tốt giai đoạn 1.

PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình cải cách hành chính của Bộ Công nghiệp? Theo ông, thời gian tới, để đẩy mạnh công tác CCHC, Bộ Công nghiệp cần phải giải quyết những vấn đề gì?
Thứ trưởng Thang Văn Phúc: Trong thời gian qua, công tác CCHC của Bộ Công nghiệp được đánh giá là nghiêm túc, đạt yêu cầu. Đặc biệt là việc áp dụng ISO cho văn phòng, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của khối văn phòng Bộ. Nỗ lực này đã chứng tỏ công tác CCHC của Bộ Công nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt.
Tuy vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Công nghiệp cần phải thể hiện rõ vai trò là một bộ chủ chốt trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước bằng cách tìm ra giải pháp gắn CCHC với thực tiễn và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước nhà. Để làm được việc này, Bộ Công nghiệp cần làm rõ chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là nâng cao kiến thức về quản lý vĩ mô cho đội ngũ cán bộ.

  • Tags: