Cải cách thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hành chính là khâu cấp thiết và có tính đột phá ban đầu trong chương trình cải cách nền hành chính quốc gia. Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là nhanh chóng khắ

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương điều chỉnh các thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực trọng điểm như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, xuất nhập cảnh, cấp giấy phép xây dựng và quyền sử dụng đất, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt, sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Chính phủ đã cho thành lập Tổ  công tác thi hành Luật doanh nghiệp để hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động, giải quyết các vướng mắc có liên quan, đồng thời xem xét kiến nghị bãi bỏ các văn bản hoặc các loại giấy phép và thủ tục không  còn phù hợp. Qua các đợt rà soát văn bản, Chính phủ đã bãi bỏ 145 giấy phép, trong đó có 110 loại bãi bỏ hẳn và 35 loại chuyển thành điều kiện kinh doanh không cần giấy phép. Vì vậy, thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh vốn được coi là phức tạp, phiền hà nhất, nhưng sau một thời gian cải cách, đã có nhiều tiến bộ. Ví dụ, trước đây muốn được giấy phép thành lập doanh nghiệp phải qua 13-14 “cửa ải”  với thời gian từ 3 tháng đến một năm, thì nay chỉ cần 5-6 loại giấy tờ và được giải quyết trong thời gian chưa đầy một tháng với nguyên tắc “một cửa”; thủ tục thẩm định và cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài đã được đơn giản đếm mức tối đa như: thời gian cấp phép cho một dự án chỉ còn không quá 30 ngày (kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ); cắt giảm nhiều loại giấy tờ, hồ sơ chồng chéo; miễn trừ những loại phí và lệ phí không hợp lý; được trực tiếp tuyển dụng lao động khi có điều kiện...vv. Những kết quả đổi mới trên đây được coi là một bước tiến về cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể nói, hiện nay mọi điều liên quan đến thủ tục hành chính nhằm phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp đều được tốt đẹp. Có thể rút ra một số vấn đề chủ yếu sau:

- Việc xây dựng các văn bản khá nhiều, nhưng trong số đó còn nhiều văn bản kém chất lượng, tính khả thi thấp; nhiều văn bản phải điều chỉnh ngay sau khi được ban hành;

- Cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nặng về các giải pháp tình thế, thiếu một cách nhìn tổng thể mang tính hệ thống.

- Cải cách thủ tục hành chính vẫn còn mang tính thử nghiệm, chưa ổn định, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong khá nhiều trường hợp, vẫn còn có những vướng mắc chưa được giải quyết.

- Việc công khai hoá thủ tục hành chính chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều khi doanh nghiệp vẫn không biết được các thủ tục hành chính liên quan đến công việc của họ mà nhà nước yêu câù.

- Chất lượng các dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của doanh nghiệp; trình độ nghiệp vụ của cán bộ tham gia giải quyết các thủ tục hành chính còn yếu; các phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những tồn tại nêu trên về thủ tục hành chính. Nguyên nhân quan trọng nhất là hiểu biết của cán bộ trong bộ máy nhà nước về thủ tục hành chính chưa được trang bị đầy đủ. Cán bộ, kể cả cán bộ ở cơ quan trung ương, tỏ ra rất lúng túng trước cơ chế mới, chưa tìm ra một phương thức quản lý thích hợp. Nguyên nhân chủ quan là do chính các cơ quan nhà nước chưa thực sự làm hết trách nhiệm của mình, chậm trễ trong việc chỉ đạo, triển khai các công việc. Mặt khác, do phẩm chất, đạo đức của một số ít cán bộ chưa tốt nên khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhân dân, đã lợi dụng để sách nhiều, cố tình gây khó khăn để trục lợi.

Từ những nguyên nhân trên, để thực hiện thành công việc cải cách thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn mới theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cần quán triệt các yêu cầu sau:

- Phải đảm  bảo tính thống nhất, chặt chẽ, hợp lý của hệ thống thủ tục hành chính;

- Bảo đảm tính khoa học của quy trình thực hiện các thủ tục hành chính đã ban hành;

- Bảo đảm tính rõ ràng và công khai của các thủ tục hành chính;

- Các thủ tục ban hành phải dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính khả thi cao.

- Bảo đảm tính ổn định cần thiết của quy trình thủ tục hành chính.

Có được một hệ thống thủ tục hành chính khoa học và hợp lý là rất quan trọng, nhưng để các thủ tục hành chính có thể phát huy hiệu quả, cần phải xây dựng một cơ chế thích hợp cho việc thực hiện các thủ  tục hành chính đã ban hành, cũng như cần phải có các giải pháp cần thiết để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ chế thích hợp là:

- Nghiên cứu áp dụng cơ chế “một cửa, một dấu” trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế này đòi hỏi sự hoạt động đồng bộ của bộ máy nhà nước ở nhiều cấp, sự phân định quyền hạn cụ thể để có thể phối hợp được với nhau trong thực tế.

 - Cơ chế thực hiện thủ tục hành chính ở các ngành, các cấp cần có sự liên hệ thông suốt giữa các ngành, các bộ phận có thẩm quyền; không làm thay việc của nhau mà cũng không giẫm đạp lên nhau.

- Cần có một cơ chế kiểm tra hữu hiệu để bảo đảm cho các thủ tục được thi hành kịp thời và nghiêm túc.

- Cần có một cơ chế ban hành và sửa đổi thủ tục hành chính phù hợp với đặc điểm của quản lý nhà nước giai đoạn hiện nay.

Các giải pháp cần thiết để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể kể đến như sau:

Một là: Kiên quyết và sớm bãi bỏ những văn bản pháp luật có nội dung trái với Luật Doanh nghiệp, những loại giấy phép phi hiệu quả, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Hai là: Ban hành và công bố đầy đủ danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cụ thể của các ngành nghề ấy; Ban hành thủ tục về việc chuyển các doanh nghiệp nhà nước thành các công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Ban hành văn bản phân cấp rõ thẩm quyền thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng, giảm thiểu đầu mối các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.

Ba là: Tăng cường trang thiết bị hoạt động của các cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan liên quan đến việc thực thị Luật Doanh nghiệp; Cần dành kinh phí thoả đáng để trang bị hệ thống máy vi tính cho các cơ quan đăng ký kinh doanh, từng bước tiến hành nối mạng thông tin trong toàn quốc về đăng ký kinh doanh.

Bốn là: Tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp, nhất là của các toà án  trong việc giải quyết các vụ kiện phát sinh từ khách hàng, chủ nợ, người góp vốn, người lao động, bạn hàng để giám sát doanh nghiệp được thực hiện nhanh chónh và hiệu quả hơn.

Năm là: Khuyến khích cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp với những doanh nghiệp tư vấn pháp lý. Khuyến khích các doanh nghiệp tư vấn pháp lý phát triển thông qua các chính sách thuế. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các cố vấn pháp lý phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp mình.

Sáu là: Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hiệp hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, cùng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Bảy là: Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, đồng thời có chính sách cải thiện đời sống cho công chức gắn với năng suất công việc, với trách nhiệm của họ khi thực hiện các thủ tục hành chính. Những cán bộ tham gia hoạt động trong lĩnh vực này phải được trang bị những kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, về pháp luật; đặc biệt phải hiểu biết rõ các thủ tục hành chính của lĩnh vực mà mình giải quyết và các lĩnh vực có liên quan. Kiên quyết không bố trí vào các bộ phận giải quyết thủ tục hành chính những cán bộ không có nghiệp vụ, chưa qua một khoá huấn luyện nào.

  • Tags: