Cần có các bộ tiêu chuẩn làm cơ sở xử lý chất thải bóng đèn

Tuy là loại sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm nhưng bóng đèn huỳnh quang lại được xác định là loại chất thải nguy hại (CTNH). Do đó, việc tái chế và xử lý bóng đèn huỳnh quang thải bỏ

Những khó khăn trong xử lý và tái chế chất thải bóng đèn

Ông Nguyễn Thành Lam - Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường đã trích dẫn báo cáo quản lý chất thải nguy hại (CTNH) của 06 chủ xử lý CTNH khu vực phía Bắc (Urenco Hà Nội, Công ty Hòa Bình, Công ty TNHH Môi trường xanh - Hải Dương, Công ty Hùng Hưng Môi trường xanh, Công ty Tân Thuận Phong) cho biết, bóng đèn huỳnh quang là loại CTNH được thu gom phổ biến nhất, phát thải ở hầu hết các chủ nguồn thải với tổng khối lượng đạt bình quân khoảng 45.245 kg/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định đây là con số rất nhỏ so với khối lượng thực tế phát sinh. Lượng chất thải bóng đèn nguy hại phát sinh còn lại không được thu gom, xử lý đúng cách đang tiềm ẩn mối nguy hại lớn.

Tính đến nay, trên toàn quốc mới chỉ có 24 doanh nghiệp (DN) được Tổng cục Môi trường cấp giấy phép quản lý CTNH có trang thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải bỏ. Các công nghệ xử lý bóng đèn huỳnh quang thải bỏ được các DN sử dụng hiện nay thuộc 3 nhóm chính như sau: Sử dụng bột lưu huỳnh để hấp thụ hơi thủy ngân; xử lý dạng ướt, sử dụng than hoạt tính hấp phụ hơi thủy ngân; xử lý dạng khô, sử dụng than hoạt tính hấp phụ hơi thủy ngân.

Hiện việc xử lý bóng đèn huỳnh quang thải bỏ tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cơ chế thu gom bóng đèn huỳnh quang thải bỏ đến việc chuẩn hóa công nghệ xử lý.

Bóng đèn huỳnh quang thải bỏ được coi là loại chất thải điện tử đặc thù, số lượng loại chất thải này phát sinh không nhiều nhưng lại phát sinh tại hầu hết các cơ sở sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, cơ chế thu gom bóng đèn huỳnh quang thải bỏ tại Việt Nam còn nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ thu gom đạt kết quả rất thấp. Trung bình lượng bóng đèn huỳnh quang thải bỏ phát sinh tại các cơ sở chỉ ở mức 1 - 2 kg/tháng nên việc bố trí lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý nảy sinh nhiều vấn đề, không đem lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị xử lý.

Các công nghệ xử lý bóng đèn huỳnh quang đã được cấp phép hiện nay mới chỉ ở mức độ tiền xử lý để phân tách thành các chất thải riêng biệt (thủy tinh, đầu bịt kim loại, bột huỳnh quang và thủy ngân sau khi được hấp phụ…) để tạo thuận lợi cho các bước xử lý tiếp theo. Do đó hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn môi trường ở mức thấp. Các chất thải sau khi được phân tách thường được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc hóa rắn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tốn diện tích lưu chứa. Ngoài ra, các thiết bị xử lý đều có công suất bé, chỉ đạt 5 - 10kg/h nên hiệu quả thu hồi và xử lý không cao.

Công nghệ xử lý bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng hiện nay tại Việt Nam

Các đơn vị xử lý chất thải được Tổng cục Môi trường cấp phép hành nghề quản lý chất thải hiện đều ở dạng kết hợp, chưa có đơn vị chuyên trách về xử lý và tái chế bóng đèn huỳnh quang thải bỏ; công nghệ sử dụng còn lạc hậu và ở quy mô nhỏ.

Cần có các bộ tiêu chuẩn về kỹ thuật xử lý và tái chế bóng đèn

Ông Nguyễn Văn Hưng - Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho biết, trong giai đoạn vừa qua, một số văn bản luật pháp như Thông tư số 12/2011/TT - BTNMT về quản lý CTNH và mới đây nhất là quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Các văn bản pháp luật này đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý cho hoạt động xử lý CTNH nói chung và bóng điện huỳnh quang nói riêng.

Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ban hành ngày 9/8/2013 gồm 4 chương, 11 điều và 01 phụ lục, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời điểm sản phẩm thải bỏ phải được thu hồi và xử lý. Trách nhiệm và quyền lợi của DN sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở phân phối, cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ cùng với trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ cũng đã được xác định trong quyết định này.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của ông Nguyễn Thành Lam, trong giai đoạn sắp tới, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật... như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý bóng đèn thải bỏ.

Các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các công nghệ đã được cấp phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục thúc đẩy việc tái chế, tận dụng các vật liệu cấu thành bóng đèn huỳnh quang bằng cách thu gom, phân loại và tái chế theo yêu cầu để thu hồi nguyên liệu như nhôm, thủy tinh. Đặc biệt, việc xử lý các CTNH đặc thù cần phải được chuyên biệt hóa.

Ngoài ra, để công tác bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả, các cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến vấn đề quản lý thị trường dịch vụ xử lý bóng đèn phát thải nhằm ngăn ngừa các rủi ro, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết Quyết định 50/2013/QĐ-TTg. Các nội dung chính sẽ bao gồm hướng dẫn chi tiết về yêu cầu thiết lập điểm thu hồi, cách thức chuyển giao - tiếp nhận, vận chuyển sản phẩm thải bỏ. Thông tư này cũng sẽ hướng dẫn về cơ chế liên kết thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, điều kiện ký kết hợp đồng thu hồi, xử lý và yêu cầu về xử lý sản phẩm thải bỏ. Thông tư này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho các bên liên quan khi bắt đầu thi hành thu hồi và xử lý bóng đèn huỳnh quang kể từ ngày 1/1/2015.

Tuy là loại sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm nhưng bóng đèn huỳnh quang lại được xác định là loại CTNH. Mỗi bóng đèn huỳnh quang có chứa khoảng 5 milligram thủy ngân, đủ để gây nhiễm bẩn khoảng 22.680 lít nước uống – theo khuyến cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ. Chừng nào những bóng đèn huỳnh quang này vẫn hoạt động tốt thì lượng thủy ngân độc hại vẫn còn được chứa trong bóng đèn. Nhưng khi những bóng đèn huỳnh quang này bị thải bỏ, chúng sẽ trở thành mối hiểm họa thật sự cho môi trường và sức khỏe con người. Do đó, việc tái chế và xử lý bóng đèn huỳnh quang thải bỏ tại Việt Nam đang là một vấn đề đáng quan tâm.

Duy Quang