* Chè của Việt Nam: áo gấm đi đêm ở thị trường thế giới
Khó khăn đầu tiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện cả nước có khoảng 108 ngàn ha đất trồng chè được phân bố rải rác ở 14 tỉnh miền núi, trung du Bắc bộ và Lâm Đồng, nên việc quy hoạch tập trung là rất khó. Điều đáng nói là các giống chè hiện có rất đa dạng, nhưng chỉ có khoảng 50% giống chè cho năng suất cao. Mặt khác, do chạy theo năng suất và sản lượng nên người trồng chè ở một số nơi đã sử dụng chất hoá học: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thậm chí thuốc kích thích... làm ảnh hưởng tới vệ sinh an toàn thực phẩm và gây tâm lý nghi ngại đối với người tiêu dùng ở thị trường trong nước cũng như thế giới.
Vấn đề công nghệ chế biến chè cũng gặp khó khăn lớn trong quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện cả nước có khoảng 650.000 cơ sở chế biến và trên một vạn hộ gia đình tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến. Điều đáng nói hơn là công nghệ chế biến hiện nay chủ yếu vẫn của Liên Xô cũ được nhập từ trước, do vậy các sản phẩm chè sản xuất ra vẫn còn từ 60-70% không đạt đúng tiêu chuẩn chất lượng. Mặc dù trong những năm gần đây, công nghệ chế biến chè của Việt Nam đã được nhập từ nước ngoài, song về cơ bản vẫn còn lạc hậu, nhiều khi không đồng bộ, còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, sử dụng phương pháp chế biến thủ công, nên chất lượng thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín chè Việt Nam trên thị trường thế giới.
Mặc dù có mặt ở trên 60 nước và vùng lãnh thổ, song ở những thị trường này, các sản phẩm chè của Việt Nam vẫn chiếm vị trí khiêm tốn. Chẳng hạn, ở thị trường Anh, mỗi năm, bình quân nhập khoảng 155.000 tấn, nhưng chè của Việt Nam chưa chiếm 0,5% thị phần; tại Pakistan, chè của Việt Nam chiếm khoảng 10,5% thị phần; tại Mỹ, chè của Việt Nam chiếm 1,8%; tại Nhật Bản, nhu cầu nhập khoảng 60.000 tấn/năm, nhưng chè của Việt Nam cũng mới đáp ứng được khoảng 3.000 tấn...
Có một thực tế hiện nay, khi ra thị trường thế giới, các sản phẩm chè của Việt Nam chưa có thương hiệu, do vậy việc xây dựng uy tín trên thị trường thế giới là rất khó. Đó còn chưa kể tới nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới mua chè Việt Nam ở dạng nguyên liệu rồi chế biến, đăng ký luôn tên thương hiệu của nhà nhập khẩu. Hiện tượng này dẫn tới chè của Việt Nam “áo gấm đi đêm” ở thị trường thế giới. Song song với những khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường, công tác xúc tiến thương mại vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do thiếu kinh phí, cộng với thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, nên việc tham gia, tổ chức các hội chợ còn manh mún, theo kiểu mạnh ai người ấy làm, tính hiệu quả chưa cao.
Như vậy, trong khi chúng ta cố gắng tìm kiếm mở rộng thị trường thế giới, nhưng lại bỏ ngỏ thị trường trong nước để các hãng chè nước ngoài “làm mưa làm gió”.
* Chủ động đi mở thị trường…
Là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu chè, không chỉ sang châu Phi mà cả các nước châu Âu, Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp (DN) đi khảo sát và tìm kiếm cơ hội tại CH Marốc, trong vòng 10 ngày (dự kiến từ 25/6-5/7).
Vitas cho biết, chương trình khảo sát này nằm trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia năm 2004, nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường châu Phi, đặc biệt là thị trường Marốc. Đoàn DN của Việt Nam sẽ khảo sát ba thành phố lớn của Marốc, là những thủ phủ về chính trị, kinh doanh chè. Đồng thời, tổ chức buổi gặp gỡ và trao đổi hợp tác kinh doanh với các đối tác nhập khẩu chè lớn của Marốc.
Marốc là một thị trường nhập khẩu chè với khối lượng lớn, đứng thứ 7 trên thế giới. Năm 2003, thị trường này đã nhập khẩu trên 70.000 tấn chè các loại, chủ yếu là chè đen. Đây là cơ hội tốt để DN chè Việt Nam có thể xâm nhập vào thị trường mới mẻ, nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng này. Qua đó, thiết lập quan hệ bạn hàng, tìm kiếm đối tác, hiểu được cách thức làm ăn, hệ thống kênh phân phối, thị hiếu người tiêu dùng, để từng bước mở rộng thị phần chè Việt Nam. Các DN tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí, bao gồm: vé máy bay khứ hồi, chi phí ăn ở, đi lại.
Hiện nay, ngành Chè Việt Nam đã mở thêm được thị trường mới ở khu vực châu Phi là Sierra Leone (mặc dù khối lượng không lớn, nhưng giá xuất khẩu bình quân đạt mức cao nhất so với các thị trường khác, đạt 3.542 USD/tấn). Điều này đặt ra cho ngành Chè Việt Nam cần quan tâm hơn đến thị trường các nước châu Phi - Tây Nam á. Trong đó, lưu ý đặc biệt tới thị trường Bắc Phi, chủ yếu nhắm tới thị trường Marốc; Ai Cập (nhập khẩu khoảng 60.000 tấn/năm); Dubai (nhập khoảng 30.000 tấn/năm). Vinatea cũng đã quyết định đầu tư cho Công ty Chè Ba Đình, một đơn vị thuộc Vinatea, số tiền gần 200.000 USD để tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu chè Rồng Phương Đông tại thị trường Nga.
Mục đích mà Vinatea đặt ra là trong vòng 5 năm tới là chè Việt Nam sẽ chiếm khoảng 10% lượng chè tiêu thụ trên thị trường Nga và thương hiệu chè Rồng Phương Đông sẽ có một vị trí xứng đáng trên thị trường Nga.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Văn phòng đại diện của Vinatea, Giám đốc Công ty Chè Ba Đình cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Vinatea đã xác định Nga là thị trường nhiều tiềm năng và đã có chiến lược khai thác và tăng cường bán sản phẩm sang thị trường này. Tháng 7/2001, Công ty Chè Ba Đình đã chính thức được thành lập tại Nga nhằm mục đích mở kho hàng trên lãnh thổ Nga, chế biến, đóng gói sản phẩm, xây dựng mạng lưới tiêu thụ ổn định trải rộng từ Matxcơva tới các thành phố và địa phương của Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, quảng bá cho sản phẩm chè mang nhãn hiệu Rồng Phương Đông.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, hiện nay, thương hiệu chè Việt Nam nói chung và chè Vinatea nói riêng chưa được người tiêu dùng Nga biết đến, bởi từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga chè nguyên liệu với giá thấp. Từ năm 2000 đến nay, Vinatea xuất sang Nga khoảng 4.000 tấn chè mỗi năm, trị giá 4 đến 5 triệu USD.
Chè là một loại đồ uống được người dân Nga rất ưa chuộng. Theo con số thống kê, có khoảng 98% số người Nga dùng chè thường xuyên và mỗi năm, thị trường Nga tiêu thụ khoảng 160.000 tấn chè, trong đó 99% là chè nhập khẩu. Về sản lượng chè tiêu thụ, Nga đứng thứ hai trên thế giới sau Anh.