Cần duy trì liên tục trong năm các hoạt động về AT-VSLĐ-PCCN

Ngày 19/2/2009, Ban chỉ đạo An toàn công nghiệp và Tuần lễ Quốc gia về AT- VSLĐ-PCCN Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác an toàn và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2008, định

 

Năm 2008, mặc dù bị ảnh hưởng của lạm phát kéo dài, khủng hoảng tài chính thế giới tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành Công Thương, nhưng công tác an toàn và bảo vệ môi trường (AT&BVMT) vẫn được Bộ Công Thương hết sức quan tâm.

 Kết quả một năm hoạt động

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ đã chủ động tham mưu, đề xuất và kiện toàn Ban Chỉ đạo An toàn công nghiệp và Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN Bộ Công Thương; giao chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công Thương về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục AT&MT); hoàn thiện các văn bản pháp lý, cụ thể là các nghị định (sửa đổi) về nội dung liên quan để trình Chính phủ phê duyệt, ban hành, kể cả các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Công Thương về công tác VS-ATLĐ-PCCN và bảo vệ môi trường, từ đó các Sở Công Thương có cơ sở đề xuất với UBND tỉnh triển khai công tác cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) vào chai và công tác hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN cho các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn về AT-VSLĐ-PCCN và BVMT cũng được Cục AT&MT Bộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai khá hiệu quả. Đặc biệt, đã phối hợp với các Sở Công Thương, doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và mở các lớp tập huấn về môi trường, kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, công tác AT-VSLĐ-PCCN trong các ngành có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ như Điện, Hoá chất, Máy, Than... Chỉ đạo và yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo và đào tạo lại; công tác nâng cao năng lực, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp và ý thức chấp hành các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất.

Bộ Công Thương cũng đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra về công tác AT&BVMT tại hơn 30 DN; Trung tâm Y tế - Môi trường lao động thuộc Bộ phối hợp với các tập đoàn, các tổng công ty, trạm y tế cơ sở trong toàn ngành Công Thương tổ chức quản lý sức khoẻ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và tổ chức khám chữa bệnh tại chỗ, điều trị ban đầu các bệnh thông thường hoặc giới thiệu lên tuyến trên. Trong những tháng cuối năm, các ngày lễ, Tết, Bộ đều có công văn đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng ngừa cháy nổ trong phạm vi quản lý; thực hiện tốt công tác kiểm định kỹ thuật an toàn (năm 2008, kiểm định được 875 thiết bị nồi hơi, 7.170 thiết bị áp lực, 4.620 thiết bị thiết bị nâng, 7.500 thiết bị phòng nổ...), không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN, năm 2008, Bộ Công Thương đã phối hợp với Công đoàn Công Thương Việt Nam, công đoàn các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN với nội dung thiết thực, cụ thể. Đẩy mạnh công tác, kiểm tra tình hình sử dụng công nghệ gắn với kỹ thuật an toàn, điều kiện lao động, đặc biệt ở các đơn vị tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ hoặc an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tiến hành khen thưởng, động viên kịp thời các đơn vị thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ-PCCN.

Do đẩy mạnh công tác AT&BVMT nên các Sở Công Thương và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã tăng cường công tác quản lý AT&BVMT đối với vật liệu nổ công nghiệp, xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp trong Ngành đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, các biện pháp về AT&BVMT để phù hợp với công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác AT&BVMT; tổ chức tốt việc huấn luyện về công tác AT-VSLĐ-PCCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, quy định; hầu hết các doanh nghiệp địa phương đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, phối hợp với công đoàn tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tiến hành đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; việc đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo, sửa chữa máy móc thiết bị cũng ngày càng được quan tâm để đảm bảo an toàn cho sản xuất và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thực hiện nghiêm chỉnh Luật PCCC, trong đó có nhiều đơn vị không để xảy ra cháy nổ như Tổng công ty Giấy VN, Tổng công ty Xăng Dầu VN, Tập đoàn Dầu khí VN, Tổng công ty Hoá chất, Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-NGK Sài Gòn, Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-NGK Hà Nội...

Những tồn tại

Tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác AT-VSLĐ-PCCN, nhưng năm 2008, số vụ tai nạn lao động trong toàn ngành Công Thương vẫn ngày càng gia tăng. Các ngành để xảy ra nhiều TNLĐ là: Than, Thép, Điện và Dầu Khí. Ngành Than tuy đã có nhiều cố gắng, chú trọng triển khai nhiều biện pháp an toàn nhưng hiệu quả còn thấp, còn xảy ra TNLĐ nghiêm trọng; công tác quản lý hồ sơ kỹ thuật còn bất cập; chưa ngăn chặn được hành vi cố tình vi phạm của cán bộ, công nhân dẫn đến tai nạn lặp lại ở Công ty Than Vàng Danh, Quang Hanh; thảm hoạ cháy nổ khí tại Công ty Than Khe Chàm. Ngành Thép trong năm cũng để xảy ra 7 vụ TNLĐ làm 7 người bị chết...

Điều đáng quan tâm là, vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường ở các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, làng nghề thủ công nghiệp đã đến mức báo động đỏ. Theo số liệu điều tra, không có làng nghề nào có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; hàm lượng các chất độc hại ở nhiều doanh nghiệp cao hơn mức cho phép... Nhiều doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, nhưng hiện vẫn chưa bị xử lý nghiêm, nên không tạo được tính răn đe đối với các doanh nghiệp. Việc kiểm tra, phát hiện bệnh nghề nghiệp, đo kiểm môi trường tại một số doanh nghiệp chưa được thực hiện, đặc biệt đối với các doanh nghiệp địa phương. Riêng công tác PCCC thì nguy cơ cháy nổ còn cao, điển hình là vụ cháy pha C máy biến áp AT2-500 kV Hoà Bình ngày 4-3-2008 của EVN, tuy đã được xử lý nhanh nhưng không tránh được thiệt hại vật chất. 

Nhiệm vụ năm 2009

Trên cơ sở đánh giá công tác AT&BVMT năm 2008, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai những nhiệm vụ chính trong năm 2009 như sau:

a) Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành trong quản lý Nhà nước về kỹ thuật AT-VSLĐ-PCCN và  BVMT trong ngành Công Thương: Trong đó, tiếp tục hệ thống hoá, hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý về quản lý nhà nước đối với công tác AT-VSLĐ-PCCN và BVMT; đánh giá, thẩm định các biện pháp an toàn trong các dự án đầu tư, công trình xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo thuộc phạm vi quản lý; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Công Thương, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp ngành Công Thương thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ-PCCN và BVMT; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở, tiến hành kiểm tra về chuyên đề phù hợp với các ngành, đơn vị.

b) Kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác AT-VSLĐ-PCCN các cấp; triển khai, phổ biến việc thực hiện các hệ thống quản lý về an toàn, đánh giá rủi ro, hưởng ứng “Tuyên bố Seoul về An toàn và Sức khoẻ trong lao động”, nhấn mạnh và ưu tiên thực hiện nguyên tắc phòng ngừa, hưởng ứng nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, xây dựng nền văn hoá an toàn; tăng cường năng lực cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ; kiện toàn tổ chức mạng lưới bảo vệ môi trường từ Bộ đến các Sở Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp.

c) Giải quyết sự chồng chéo chức năng giữa Bộ Công Thương với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn, ban hành quy trình kiểm định máy, quản lý chất lượng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…

d) Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật AT-VSLĐ-PCCN và BVMT, trước hết là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyên môn, nghiệp cho cán bộ kỹ thuật an toàn trong Bộ Công Thương, Sở Công Thương và các tổng công ty; định kỳ phổ biến các văn bản, chính sách mới, các ứng dụng Khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực AT-VSLĐ-PCCN và BVMT; chú trọng đào tạo để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực kỹ thuật an toàn và môi trường, ưu tiên xây dựng các giáo trình đào tạo bằng hình ảnh và phim về an toàn...

Một số giải pháp cụ thể

Trong năm 2009, cơ quan chức năng của Bộ sẽ sớm xây dựng cơ chế thẩm định, giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với các dự án, công trình xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; thống nhất phân công, phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVMT của các Sở Công Thương đối với các doanh nghiệp thuộc Ngành tại địa phương; xây dựng và ban hành Tiêu chí và điều kiện hoạt động đối với các tổ chức kiểm định, đồng thời hoàn thiện để ban hành quy định quản lý kỹ thuật an toàn và tiêu chí an toàn đối với các doanh nghiệp công nghiệp; triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường; thành lập Hiệp hội Môi trường; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị trong ngành Công Thương có thể tiếp cận các loại hình dịch vụ, công nghệ, thiết bị môi trường; xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn thực hiện lồng ghép các chiến lược/quy hoạch/kế hoạch của ngành Công Thương; khuyến khích sử dụng hợp lý, hiệu quả nguyên, nhiên liệu, giảm phát thải gây biến đổi khí hậu; thích ứng và giảm nhẹ khí gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, dầu khí và năng lượng; rà soát, chuyển đổi Tiêu chuẩn, Quy chuẩn về an toàn thuộc phạm vi quản lý; thực hiện chuyển đổi một số quy phạm về an toàn trong khai thác khoáng sản.

Bộ sẽ hướng dẫn, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, Sở Công Thương và các doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương các cấp thực hiện tốt việc hưởng ứng TLQG AT-VSLĐ-PCCN lần thứ XI, hưởng ứng các ngày lễ, ngày môi trường thế giới; duy trì các hoạt động hưởng ứng này trong suốt cả năm 2009, đồng thời, yêu cầu cơ quan chuyên môn các cấp, thường xuyên tổ chức huấn luyện về KTAT và BVMT cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương phải tổ chức huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động định kỳ theo quy định hiện hành. Bộ cũng giao cho Cục AT&MT thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường ngành Công Thương; xây dựng Website phổ biến kiến thức về AT-VSLĐ và BVMT trong ngành Công nghiệp; các tập đoàn, tổng công ty,công ty, đơn vị tiếp tục hoàn chỉnh các quy trình sản xuất, nội quy an toàn phù hợp với đơn vị mình; củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ, cấp cứu tại chỗ cho người lao động. Những đơn vị sản xuất và sử dụng hoá chất nguy hiểm phải thực hiện đúng các quy định về khai báo, lập phiếu an toàn, ghi nhãn hoá chất, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, khắc phục sự cố… Các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản phải kiểm soát chặt chẽ quy trình khai thác, biện pháp an toàn đề phòng sạt lở công trường, bãi thải; có kế hoạch và triển khai công tác hoàn thổ sau khai thác theo quy định; các mỏ hầm lò tiến hành đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát tập trung tự động khí mêtan, thiết bị khoan thăm dò tiến trước gương than, hệ thống thiết bị kiểm soát người ra vào mỏ và máy dò tìm cứu nạn cầm tay.

  • Tags: