Ai sẽ chịu trách nhiệm về Văn hoá uống rượu, bia?
Nhiều người trong chúng ta có thói quen chỉ uống rượu, bia sau giờ làm hoặc chỉ cho phép mình uống vào cuối tuần. Tuy nhiên, cũng không ít người thích uống rượu, bia vào bất cứ thời gian nào trong ngày.
Có người thích uống rượu, bia với bạn bè ở nhà hàng, quán bar, quán bia vỉa hè, nhưng cũng có người chỉ thích uống rượu, bia một mình hoặc chỉ uống khi tiếp khách. Khi uống rượu, bia sở thích của người uống là rất quan trọng. Có người thích uống rượu có độ cồn cao như cognac, whisky, vodka, cũng có người chỉ thích uống rượu vang, rượu hoa quả lên men. Bia cũng vậy, có người thích uống bia lon, bia chai, bia hơi lại có người chỉ thích uống bia tươi… Có người thích uống cho đến khi say xỉn, cũng có người chỉ uống khi được mời. Thói quen uống rượu, bia của bạn có thể thay đổi ở những nơi khác nhau, người uống rượu, bia với bạn là ai?
Uống rượu, bia khi nào, ở đâu, với ai, uống bao nhiêu là do chính bản thân chúng ta quyết định. Người khác không chịu trách nhiệm cho việc uống rượu bia của bạn. Sẽ là người có trách nhiệm khi bạn chú tâm đến thứ bạn uống, thời gian bạn uống, số lượng bạn uống và những gì xảy ra sau khi bạn uống.
Do đó, sẽ thật oan uổng khi đổ lỗi cho rượu, bia bởi điều quan trọng chính là ý thức của người sử dụng sản phẩm.
Lan toả Văn hoá uống và trách nhiệm với cộng đồng
Uống rượu bia là nét văn hóa truyền thống lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nét đẹp về văn hoá uống ngày xưa đã phân nào bị mai một khi có một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới những hệ lụy không đáng có.
Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” do Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam và Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phát huy tốt vai trò truyền thông về ngành Đồ uống Việt Nam, vì sự phát triển bền vững của ngành.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam, việc tổ chức hội thảo cũng là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm của ngành đồ uống với xã hội. Tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: ngành đồ uống nước ta thông qua các sản phẩm đồ uống chất lượng có trọng trách gợi dẫn nâng cao nhận thức cho con người (địa phương và du khách) về các tri thức khoa học thường thức cần thiết về văn minh ẩm thực, đặc biệt là “thức uống” đảm bảo chất lượng. Trên thực tế, khi người tiêu dùng biết cách sử dụng đồ uống một cách thông minh và hợp lý sẽ mang lại giá trị tốt cho sức khỏe, thậm chí có loại đồ uống còn là bài thuốc dân gian chữa bệnh cho con người.
Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt, nhấn mạnh: Uống có văn hóa, có trách nhiệm là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Theo đó, kiến nghị chính sách phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn cần thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông (các hình thức xử phạt, luật giao thông đường bộ…).
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, để uống có văn hóa, đặc biệt đảm bảo an toàn giao thông, ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi còn phải có chế tài đủ mạnh nhằm xử lý những trường hợp vi phạm. Ngày xưa coi uống rượu là lễ nghĩa, còn hiện nay, nhiều người uống có vẻ thoải mái, lạm dụng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường, nhất là quản lý các loại rượu không có nguồn gốc, rượu do dân tự nấu. Việc người dân uống loại đồ uống gì, ai sản xuất mới cần được kiểm soát. Hiện nay, do thiếu thông tin, người dân ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn uống các loại rượu không có nhãn mác, không nguồn gốc, gây ra các vụ ngộ độc rượu có chứa methanol.
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Tuyên truyền đã uống rượu bia, không lái xe, nhưng nếu một công an giao thông không nghiêm túc hoặc bỏ lọt người vi phạm thì đã vô tình tiếp tay cho văn hóa uống không có trách nhiệm… Nên văn hóa quan trọng nhất hiện nay là văn hóa tuân thủ luật pháp”.
Ngành đồ uống cần làm gì để góp phần lan toả Văn hoá uống?
Xung quanh câu chuyện phát triển ngành đồ uống cũng như uống có văn hóa, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: "Với thị trường rộng lớn của Việt Nam (gần 100 triệu dân), nhu cầu uống hàng ngày rất lớn, bao gồm đồ uống có cồn và không cồn. Chúng ta cần uống làm sao để tăng cường sức khỏe và tạo cảm hứng tốt trong cuộc sống, thể hiện giao lưu trong xã hội.
Để làm được điều đó, chất lượng các sản phẩm đồ uống phải tốt, phong phú các sản phẩm đối với nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, sản xuất đồ uống dành riêng cho người cao tuổi, người trẻ và nước giải khát, sữa cho trẻ em để bắt nhịp nhu cầu xã hội".
Theo PGS - TS Nguyễn Toàn Thắng, thời gian tới, ngành đồ uống phải thường xuyên nghiên cứu nhu cầu thực tế của khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế để cải tiến mẫu mã sản phẩm một cách khoa học, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, liên tục làm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tạo điểm nhấn tiêu biểu về đặc sắc vùng miền địa phương, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và quốc tế…
PGS - TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA nhấn mạnh, từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, ngành đồ uống phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Ngành tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đóng góp khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.
Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (2022-2023), ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống).
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Trước những thách thức, khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn Nhà nước ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm hồ sơ giấy tiến tới áp dụng hải quan online toàn phần, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, đại diện VBA kiến nghị.