Cần lập lại trật tự trong việc thu gom, tái chế ắc quy chì

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), năm 2010 Việt Nam có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải bỏ và dự báo đến năm 2015, con số này sẽ lên gần 70.000 tấn.

Nhu cầu sử dụng ắc quy chì ngày một gia tăng

Cùng với sự phát triển nhanh về khoa học công nghệ, nhu cầu sử dụng pin và ắc quy chì ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng gia tăng, do sự gia tăng số lượng ôtô, xe máy cũng như nhu cầu sử dụng các thiết bị chiếu sáng và lưu kho công nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa đang trở nên cao hơn.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, ước tính cả nước hiện có khoảng 28 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô và sẽ tăng khoảng 20-25% mỗi năm. Dự báo, đến năm 2021, Việt Nam có thể có 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại.

Nhu cầu tăng dẫn đến tỉ lệ tăng trưởng sản xuất ắc quy chì ở nước ta hàng năm cũng không ngừng tăng lên. Tính tăng trưởng theo Quy hoạch phát triển ngành Hóa chất Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và dự báo đến 2020 như sau:

Năm Ắc quy (1000 kWh)

1998 - 2000 371 - 474

2001 - 2010 581 - 1200

2011 - 2020 1200 - 1780

Ắc quy chì có nhược điểm căn bản là tuổi thọ thấp. Loại ắc quy chì tốt nhất hiện nay cũng chỉ có thể làm việc không quá 5 năm. Như vậy, một lượng rất lớn các loại ắc quy hết thời hạn sử dụng bị thải loại và trở thành phế thải. Tuy không có số liệu thống kê về nguồn phế thải này, nhưng có thể ước đoán là có hàng triệu bình ắc quy bị thải bỏ mỗi năm.

Thực trạng tái chế ắc quy chì ở Việt Nam

Theo thiết kế, trong một bình ắc quy chì, vật liệu chứa chì (Pb), chiếm khoảng 70% trọng lượng của ắc quy, bao gồm: sườn cực và chất hoạt động được trát trên đó, trụ cực, cầu tiếp. Sườn cực, trụ cực, cầu tiếp thường được chế tạo từ hợp kim chì - antimon (3-7% antimon - Sb), dễ dàng tái chế thành hợp kim Pb - Sb. Để thu được Pb nguyên chất, cần điện phân hoặc tinh chế lại; Vỏ bình chiếm khoảng 5-7% trọng lượng của ắc quy, được làm từ các vật liệu như polyetylen, polypropylen, hoặc ebonite; Lá cách được làm từ vật liệu PVC và sợi thủy tinh; và điện dịch chiếm khoảng 18% trọng lượng của ắc quy.

Hiện tại, về mặt nguyên tắc có hai phương pháp xử lý ắc quy chì phế thải:

Phương pháp thứ nhất: Phân loại riêng vật liệu chứa Pb và vật liệu hữu cơ để tái chế.

Phương pháp thứ hai: Sau khi loại bỏ axit, toàn bộ ắc quy cũ được nấu với các chất trợ dung và than cốc trong lò. Quá trình này tạo ra chì thô lẫn nhiều tạp chất phải đem nấu luyện lại. Các thành phần khác tạo ra xỉ thải hoặc bị đốt cháy tạo ra khí thải.

Mỗi phương pháp trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, phương pháp đầu tiên vẫn được áp dụng phổ biến hơn và cũng đang được áp dụng ở nước ta. Phương pháp thứ hai tuy xử lý được triệt để mọi chất thải nhưng đòi hỏi phải đầu tư vốn lớn xây dựng nhà máy tương đối hiện đại nên chỉ phù hợp với những nước công nghiệp phát triển.

Hiện nay, vấn đề tái chế gia công ắc quy chì ở nước ta đang được thực hiện bởi các làng nghề tái chế chì như Đông Mai (Hưng Yên) thu hút tới trên 500 lao động tham gia vào đội quân thu gom ắc quy cũ. Do làm theo cách thủ công và chỉ tính lợi nhuận nên không ai quan tâm đến các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Chính vì thế mà đất, nước và không khí của làng nghề này đã và đang bị ô nhiễm bởi khói bụi chì, nước thải axít một cách trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Chì là kim loại nặng, đặc biệt độc hại đối với não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch của con người. Hợp chất chì có thể hấp thụ qua đường ăn uống và thở. Nhiễm độc chì sẽ gây hại đến các chức năng của trí óc, thận, gây vô sinh, sẩy thai và tăng huyết áp. Đặc biệt, chì là mối nguy hại với trẻ em, có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ.

Nếu như hơn chục năm về trước, các DN sản xuất pin và ắc quy lớn của Việt Nam như Công ty CP Pin ắc quy miền Nam hoặc Công ty CP Pin ắc quy Tia Sáng đều thu hồi ắc quy chì và xử lý để tái sử dụng thì hiện nay, các công ty trên không thể duy trì công việc này do không cạnh tranh được với đội quân thu gom phế liệu của các làng nghề về giá cả.

Khuyến nghị

Lượng ắc quy phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường với hậu quả hết sức nặng nề vì chì được coi là chất thải cực kỳ độc hại. Do nhận thức được mối nguy hại cho môi trường nên các nước công nghiệp phát triển đã đề ra các chính sách và giải pháp thích hợp cho vấn đề tận dụng ắc quy phế thải. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa đối với nền công nghiệp hóa chất nước ta, vì nếu tận dụng tốt nguồn chì phế thải thì có thể giảm nhập khẩu nguyên liệu, nhờ đó giảm được giá thành sản xuất và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Để có thể xử lý tập trung nguồn phế liệu, mấu chốt của vấn đề là công tác thu gom ắc quy cũ. Mặc dù Luật BVMT cũng đã có quy định rõ ràng chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ thuộc các ngành hàng, trong đó có mặt hàng pin và ắc quy. Song, đến nay, do chưa có hướng dẫn chi tiết để thực hiện trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp sản xuất/nhập khẩu, nên hoạt động thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ chưa được các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết và có chế tài cụ thể trong việc thu gom ắc quy cũ. Theo nguyên tắc nhà sản xuất/nhập khẩu thông qua nhà phân phối trong nước có nghĩa vụ thu nhận lại ắc quy đã qua sử dụng để tái chế và người sử dụng phải có nghĩa vụ bán hoặc đổi lại ắc quy cũ để tránh nguy cơ phát thải không kiểm soát. Nếu DN nào thực hiện trách nhiệm thu hồi ắc quy cũ không đạt tỷ lệ quy định thì DN đó sẽ phải chịu chi phí thu hồi và bị xử lý theo pháp luật.

Tiếp đến, để đảm bảo cho DN có nhiệm vụ tái chế vừa kinh doanh có lãi, vừa đảm bảo yêu cầu về môi trường thì các DN này cần phải tính toán kỹ trong việc lựa chọn trang thiết bị, máy móc đầu tư xây dựng cơ sở tái chế sao cho có công suất phù hợp với điều kiện thu gom thực tế.

TS. Phương Kỳ Công - Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Vấn đề tận dụng ắc quy phế thải không đơn thuần là một hoạt động kinh tế mà nên tiếp cận dưới góc độ kinh tế - xã hội và quản lý môi trường. Chỉ khi đó chúng ta mới có cách nhìn đúng đắn đối với vấn đề này và đưa ra được các giải pháp khả thi. Để giải quyết không thể dựa vào một vài cá nhân hay tập thể nhỏ mà phải có sự tập trung trí tuệ tập thể, tập trung nguồn nhân lực và dành một khoản kinh phí xứng đáng cho vấn đề này.

Nguyễn Hương