Cần thêm chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua. Dù vậy, cần thêm các chính sách để mở rộng đầu ra, hỗ trợ về vốn, công nghệ,… để khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong đó vai trò của địa phương là rất quan trọng.
Toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”
Toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”

Chia sẻ tại Toạ đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực, để làm việc với các địa phương. Cụ thể, chúng tôi đã làm việc với khoảng 15 địa phương nhằm trao đổi những nội dung về các chính sách của Trung ương đã ban hành và trên cơ sở đặc thù của từng địa phương thì tiếp tục xây dựng những chính sách cho phù hợp với các địa phương.

Qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy bộ máy làm phát triển công nghiệp tại các địa phương hiện nay chưa được coi trọng, số lượng rất là mỏng, chính vì vậy mà  việc theo dõi sát sao hay có những đề xuất chính sách cho lãnh đạo cấp trên cũng rất hạn chế.

Tại các cuộc họp giao ban với các địa phương thì chúng tôi cũng có kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương có ý kiến với UBND các địa phương để tăng cường lực lượng làm công tác phát triển công nghiệp tại các Sở Công Thương.

Mặt khác, chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp FDI lớn trong việc phát triển các nhà cung cấp nội địa. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các bộ, ngành cùng với các địa phương để xây dựng những chính sách thu hút đầu tư vào các địa phương, mà cụ thể nhất là chúng tôi đã xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam để chung tay cùng với các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.

Theo đó, những chương trình phối hợp giữa Toyota với Bộ Công Thương và địa phương thời gian qua đã trở thành một điểm nhấn trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, trong đó góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tại các địa phương.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam

Chia sẻ về kết quả mà mô hình hợp tác này mang lại cho các doanh nghiệp tại các địa phương, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, Toyota Việt Nam đã có một chương trình hợp tác lâu năm với Bộ Công Thương. Năm nay là năm thứ tư chương trình này được triển khai. Có một số hoạt động chính của chương trình cho phép tôi được chia sẻ như sau:

Thứ nhất, chúng tôi sàng lọc và lựa chọn từ một danh sách cơ sở dữ liệu của các nhà cung ứng trên toàn quốc và chọn ra những nhà cung ứng tiềm năng nhất mà có thể phù hợp cho tham gia vào chuỗi cung ứng của công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Sau đó chúng tôi tổ chức chương trình khởi động hàng năm và triển khai hỗ trợ cải tiến hoạt động của những doanh nghiệp đã được lựa chọn.

Trong đó, một là, chúng tôi tổ chức các chuyến thăm, làm việc trực tiếp tại nhà máy Toyota Việt Nam cũng như tại một số nhà cung ứng, đơn vị sản xuất tiêu biểu. Hai là, chúng tôi lựa chọn và cử những chuyên gia lâu năm có kinh nghiệm và cũng có khả năng truyền đạt kiến thức, hiểu biết đến thực hiện tư vấn, phát hiện các vấn đề, chung tay với các nhà cung ứng để đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý và qua đó giúp các doanh nghiệp được lựa chọn này có thể từng bước nâng cao chất lượng, cắt giảm các chi phí cũng như nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, giúp các nhà cung ứng này từng bước tiến lên trong chuỗi giá trị và có thể là tiệm cận đến việc có thể cung ứng được linh kiện trước mắt là cho Toyota Việt Nam.

Chúng tôi cũng rất vui mừng được biết là nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình này thì cũng đã có rất nhiều đơn hàng từ các nhà sản xuất ô tô khác đặt hàng.

Ngoài ra, trong quá trình sàng lọc thì chúng tôi cũng chọn ra được một số các nhà cung ứng ở cấp hai, cấp ba và chúng tôi giới thiệu họ cho các nhà cung cấp cấp một để tạo thành một chuỗi giá trị mà có chất lượng xuyên suốt.

Có một điều rất đặc biệt là qua quá trình làm việc tôi lại phát hiện ra được rất nhiều nhà cung ứng không chỉ đã nâng cao được trình độ, năng lực mà còn có tâm huyết đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của công nghiệp hỗ trợ, thì chúng tôi lại mời họ tham gia cùng chúng tôi và trở thành Toyota hub. Với những kiến thức mà họ thu lượm được, kinh nghiệm họ tích lũy được thì họ lại chung tay cùng chúng tôi chia sẻ kiến thức, hiểu biết cho các nhà cung ứng ở những năm tiếp theo.

Một số kết quả trong 4 năm đạt được thì chúng tôi thấy như sau:

Thứ nhất, rất nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình đã hiểu biết sâu sắc và chủ động áp dụng được hệ thống 5S một cách phù hợp.

Thứ hai, các vấn đề về an toàn lao động, về hoạt động Kaizen trong nhiều lĩnh vực cũng đã được thực hiện và đạt được kết quả tốt, ví dụ như giảm tồn kho, tiết kiệm diện tích nhà xưởng, loại bỏ thiết bị không cần thiết, tăng năng suất lao động,…

Có những đơn vị đã giảm được tồn kho lên đến 59% và tiết kiệm được gần 4.000 m2 diện tích nhà xưởng. Như vậy là họ có thể tiết kiệm rất nhiều tiền trong việc chi trả chi phí thuê diện tích nhà xưởng hoặc có thể nâng cao được công suất, sản lượng của họ mà không cần phải đầu tư thêm. Có những đơn vị loại bỏ đến hàng chục tấn trang thiết bị không cần thiết và có đơn vị thậm chí đã tăng được năng suất lao động lên đến hơn 70%.

Thông qua chương trình này chúng tôi rất vui mừng và cũng rất biết ơn vì đã có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, sự phối hợp của các Sở, ngành, địa phương và quan trọng nhất là cuối cùng là sự quyết tâm và cam kết của các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Đối với Toyota, Chương trình giúp chúng tôi một lần nữa khẳng định quyết tâm rằng chúng tôi có cơ hội được nâng cao tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam và giúp chúng tôi ổn định được sản xuất. Khi chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng trong giai đoạn Covid-19 thì chính hệ thống nhà cung ứng tại Việt Nam đã giúp chúng tôi phần nào kiểm soát được tình hình và ổn định được chuỗi cung ứng.

Không những vậy, trong quá trình phối hợp này chúng tôi cũng tìm được những nhà cung ứng hết sức tiềm năng và rất vui mừng là một vài trong số họ cũng đã trở thành nhà cung ứng và đã cung cấp được linh kiện cho chúng tôi tại thời điểm hiện tại. Trong năm 2024 chúng tôi cũng vừa tổ chức một chương trình khởi động tại nhà máy Toyota Việt Nam và chúng tôi đã khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho 5 nhà cung ứng trong năm nay. Đến tháng 9 chúng tôi sẽ tổ chức chương trình đánh giá  giữa kỳ và đến tháng 12 năm nay thì Toyota Việt Nam và 5 nhà cung ứng này sẽ hoàn thành chương trình 6 tháng hỗ trợ và tổng kết chương trình.