Sáng 14/6/2019, nhằm tổng kết, đánh giá tổng thể về quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn 2011-2018, từ đó có cơ sở đề xuất hoàn thiện chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, Bộ Công Thương tổ chức "Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn”.
Hình thành mạng lưới bảo vệ người tiêu dùng đồng bộ
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sự phát triển của nền kinh tế số đang diễn ra từng ngày kéo theo đó là những thay đổi rất lớn trong cách thức sản xuất kinh doanh cũng như xu hướng tiêu dùng. Những thay đổi này hiện đang tác động trực tiếp và rõ rệt đến công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong 8 năm vừa qua, việc thực thi các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để góp phần đạt được các kết quả tích cực đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong đó, đặc biệt là đã hình thành hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương; mạng lưới các Hội Bảo vệ người tiêu dùng và một số thành tựu trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm khuyết tật, bảo hành và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng tới Bộ Công Thương đã tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012, 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2018. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%.
Số lượng các Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có sự gia tăng đáng kể, từ 44 Hội trên cả nước vào năm 2012 lên 57 Hội vào năm 2018. Tại một số tỉnh, thành đã phát triển mạng lưới Hội xuống cấp huyện, xã.
Đáng chú ý, hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã được chủ động thực hiện liên tục, thường xuyên thông qua nhiều hình thức, phương thức, trong đó đã hình thành phong trào hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam vào ngày 15/3 hàng năm, đồng thời tổ chức hàng chục nghìn hội thảo, tập huấn, mit tinh, phát hành 387.219 bản sách báo, tạp chí và tài liệu tuyên truyền, hơn 2.300.000 tờ rơi và 116.045 buổi phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong giai đoạn 2011 – 2018, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Mạng lưới thực thi bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN); Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP); Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI)...
Không chỉ tham gia, Việt Nam còn đóng vai trò là thành viên chủ động, có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, trong đó, góp phần xác định và đặt ra các vấn đề mới như: cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới, thiết kế các dự án nhằm tăng cường năng lực bảo vệ người tiêu dùng tại các khu vực...
Tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp với bối cảnh mới
Cục trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, các kết quả trên cho thấy những nỗ lực, cố gắng của các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau 8 năm thi hành, đã xuất hiện nhiều vấn để bất cập trong chính các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn.
Toàn bộ các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Vị trí của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chưa được “định vị” trong quan hệ với các Luật chuyên ngành cũng như quy định rõ được về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện. Trong khi đó, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được quy định rõ ràng, hoặc chưa bổ sung đầy đủ.
Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn lực và kinh phí cũng như sự hoàn thiện của mô hình hoạt động chuyên môn cũng khiến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo Bộ Công Thương, để giải quyết các vấn đề này, cần có sự sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để hoàn thành bộ chính sách về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới.
Trong đó, đáng chú ý, xét đến sự phát triển thương mại điện tử và sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh trên cơ sở nền tảng, vấn đề bảo đảm việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng được đặc biệt chú trọng.
Đồng thời, ngoài những nội dung đề xuất sửa đổi bổ sung trực tiếp hoặc liên quan trực tiếp đến các quy định của Luật hiện hành, Bộ Công Thương cũng cho rằng có thể xem xét việc bổ sung một số quy định hoàn toàn mới trong Luật hoặc xây dựng một số cơ chế chính sách để tạo cơ sở thực thi tốt hơn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Trong đó, đề xuất bổ sung riêng một quy định về cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thể hiện rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song song với đó, từng bước xây dựng nền tảng, tạo cơ sở để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, làm việc cũng như phối hợp với các hội bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công Thương toàn quốc và các bên liên quan nhằm đẩy mạnh các hoạt động theo sát thực tế diễn biến, từ đó định hướng và góp phần hỗ trợ cho thành công chung của công tác bảo vệ người tiêu dùng.
“Để thực hiện được điều này, nếu chỉ có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước là không đủ. Bộ Công Thương mong muốn và đề nghị sự chủ động hơn nữa của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội và cá nhân người tiêu dùng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.