Cánh buồm trắng FDI

Vừa tròn 20 năm hiển hiện một thành phần kinh tế rất mới ở Việt Nam, đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Và như duyên kỳ ngộ, đúng vào dịp này, làn sóng FDI đang dâng cao, ào ạt

Chỉ trong 20 ngày đầu năm 2008, đã có 35 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,6 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cùng với 10 dự án đang hoạt động được phép bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoạt động đã đưa tổng vốn FDI đăng ký mới trong tháng 1/2008 đạt trên 1,72 tỷ USD, lớn gấp 5 lần kết quả của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là, chỉ trong vòng 13 tháng qua, Việt Nam đã thu hút thêm được hơn 22 tỷ USD vốn FDI đăng ký, bằng 20% tổng số vốn FDI thu hút trong 20 năm qua, một kết quả vượt rất xa những dự báo lạc quan nhất trước đây. 

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay khu vực kinh tế FDI ở Việt Nam không chỉ là một bộ phận hữu cơ, mà còn xứng tầm như một trong 3 trụ cột của nền kinh tế đất nước, cùng tăng tiến với 2 trụ cột khác là kinh tế nhà nước và kinh tế dân doanh. FDI thực sự là cánh buồm trắng mang lại cho Việt Nam cơ hội hội nhập, hoà bình, hữu nghị và cùng phát triển với các nước.

I. Công đầu của kinh tế FDI là tạo ra động lực thúc đẩy công nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc, góp phần hoàn thành 2 chương trình quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra cách đây hơn 20 năm là phát triển hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Hiện nay, công nghiệp FDI đã chiếm 39,07% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, không tính dầu khí là 34,06%. Đáng lưu ý là, chỉ số này được tính theo giá cố định 1994, nếu tính theo giá thực tế thì tỷ trọng này còn đạt trên 45% do sản phẩm FDI thường có hàm lượng công nghệ cao hơn, giá trị thương mại lớn hơn so với sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đặc biệt, tại một số địa phương, tỷ trọng này còn đạt cao hơn nhiều (60-70%), như Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc…  Trong một số ngành hàng trọng yếu, công nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn, như 100% sản lượng dầu khí, thiết bị máy tính, máy giặt, máy điều hoà nhiệt độ, bột ngọt, chiếm hơn 90% sản lượng TV lắp ráp và xe đạp, chiếm hơn 84% sản lượng quần áo may sẵn, trên 73% sản lượng ô tô lắp ráp, 76% dụng cụ y tế chính xác, 65% sản lượng xe máy, 55% sản lượng sợi, 49% sản phẩm da giày…

Vì vậy, kinh tế FDI hiện đóng góp hơn 57,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2007, không tính dầu thô thì đạt 40%. Bên cạnh công đầu đó, kinh tế FDI cũng có đóng góp đáng kể vào việc phát triển các ngành dịch vụ, như bưu chính-viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải (nhất là hàng không và hàng hải), y tế, đào tạo nguồn nhân lực…  Gần 1,3 triệu lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế FDI, mà theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 1 lao động trực tiếp thường tạo việc làm cho 2-3 lao động gián tiếp.  Nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản trị doanh nghiệp giỏi đã và đang được đào tạo kinh qua công tác tại các doanh nghiệp FDI.

II. Hoạt động FDI đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bởi mỗi một dự án FDI tựa như  một cách diều hội nhập, một cầu nối kinh tế Việt Nam với nước ngoài.

Thực tế cho thấy, sau 3 năm thực thi Luật ĐTNN, mới chỉ thu hút được 214 dự án có tổng vốn đăng ký 1,582 tỷ USD, nhưng với chính sách đối ngoại thiện chí, cởi mở của Việt Nam và được sự đồng tình ủng hộ của các nhà ĐTNN, tại Hội nghị tài chính quốc tế ở Pari năm 1991, Chính phủ Pháp đã xoá một phần nợ cho Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cùng những ngân hàng quốc tế khác đã khai thông giao dịch với ngân hàng Việt Nam. Và đến năm 1993, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã tuyên bố nối lại cung cấp ODA cho Việt Nam.

Thời kỳ 1991-1995 chỉ có thêm 1.397 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký trên 18 tỷ USD (kể cả vốn bổ sung) và vốn thực hiện từ nước ngoài, tính đến năm 1995 mới đạt hơn 6,0 tỷ USD. Vậy mà trong năm 1995 đã diễn ra những sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử, như ký kết Hiệp định khung hợp tác Việt Nam – EU (còn hiệu lực đến ngày nay), Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN) và thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Hoa Kỳ. 

Đến năm 1998, tức sau 10 năm thực hiện Luật ĐTNN, số vốn đăng ký còn hiệu lực cũng chưa phải là nhiều, mới đạt hơn 34 tỷ USD, tổng vốn thực hiện từ nước ngoài luỹ kế đến năm 1998 mới đạt trên 10 tỷ USD. Thế mà Việt Nam “bước lên” Diễn đàn hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (APEC), rồi tới Hội nghị  thượng đỉnh Hợp tác á - Âu (ASEM).

Đến năm 2000, tổng số vốn thực hiện từ các nhà ĐTNN mới đạt  12,039 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI kể từ trước tới năm đó mới đạt 10,457 tỷ USD, tổng số lao động làm việc trong khu vực FDI mới đạt khoảng 379.000 người... Vậy mà Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã được ký kết, nhanh chóng đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam liên tục 3 năm nay. Và sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt tới đỉnh cao là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới  (WTO) từ năm 2007 và là Uỷ viên không chính thức HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Ngoài ra, hiệu quả hoạt động FDI còn tạo thêm động lực kích thích dòng vốn ODA dành cho Việt Nam mỗi năm một tăng, kích thích dòng đầu tư của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài hướng về cội nguồn ngày một lớn. Và đặc biệt, hoạt động FDI cũng đang tạo dựng “làn sóng xanh” trên TTCKVN, với tổng vốn hoá thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài đến nay đã lên tới 8 tỷ USD. 

III. Bài học đắt giá

Tính đến nay, cả nước có trên 8.600 dự án FDI với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực trên 84,7 tỷ USD. Trong đó, có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 16% GDP của cả nước. Đó là thành công của một trong những khâu đột phá đầu tiên mà đường lối đổi mới của Việt Nam đã lựa chọn.  

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả của hoạt động FDI lẽ ra còn đạt kết quả cao hơn nữa, nếu khả năng hấp thụ của nền kinh tế đạt cao hơn, tức là vốn giải ngân đạt nhiều hơn, nếu thu hút được nhiều công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Chính vì vậy mà khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy năm qua chưa được cải thiện đáng kể. 

Đất nước ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi chưa từng có để tăng tốc phát triển về mọi mặt. Nếu biết nắm bắt và tận dụng chúng, đất nước sẽ vươn tới thế và lực mới.

Thực tiễn từ năm 1988 đến nay cho thấy, đã có vài lần nước ta đã đánh mất “cơ hội vàng” về thu hút ĐTNN. Điển hình là cơ hội xuất hiện vào năm 1995, năm Việt Nam gia nhập ASEAN, năm ký kết Hiệp định Khung về hợp tác Việt Nam - EU và cũng là năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là dịp có thể tạo ra làn sóng ĐTNN thứ 2, sau những năm đầu hoạt động sôi nổi nhờ có bộ luật thông thoáng được nhiều nước trong khu vực lấy làm tham khảo.

Nhưng việc sửa đổi Luật ĐTNN năm 1996 đã như “gáo nước lạnh” đổ vào bầu không khí ĐTNN đang nóng lên. Với việc “phát triển thêm” những thủ tục phiền hà, những quy định mang tính bảo hộ phi lý, Luật sửa đổi đã làm cho ĐTNN vào Việt Nam chững lại. Và, cả khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông á xảy ra vào năm 1997, các nhà ĐTNN rất muốn chuyển hướng sang đầu tư  tại Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn đối với những tập đoàn kinh tế hàng đầu thể giới, mặc dù Việt Nam có ưu thế về ổn định chính và an ninh trật tự xã hội. 

Nguyên nhân sâu xa của việc bỏ lỡ thời cơ trước hết là do chưa có tư duy thấu đáo về mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích đất nước, mà tối thượng là lợi ích dân tộc, với lợi ích của nhà ĐTNN. Nhà đầu tư cần thu lợi nhuận thoả đáng, còn lợi ích dân tộc cần vốn và công nghệ để có bước nhảy về CNH, HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đáng tiếc là đã có thời, lợi ích của những doanh nghiệp lớn trong nước (nay là những tập đoàn) hầu như đã được đặt lên trên lợi ích quốc gia, nắm giữ độc quyền doanh nghiệp núp bóng dưới chiêu bài độc quyền nhà nước. Do đó, từ năm 1998 đến năm 2004, đã không thể có làn sóng đầu tư nào, mặc dù các bộ ngành, địa phương vẫn tích cực hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong nước cũng như ở nước ngoài.    

Đối với đất nước, thời cơ phát triển là “tài sản quý hiếm”, đi kèm với nó có cả những thách thức. Thời cơ sẽ qua đi nếu không biết tận dụng chúng, thách thức sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp đúng để vượt qua.

Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá X vừa đề ra cần thu nhận được sự đồng thuận xã hội thật cao và thực thi thật quyết liệt. Và, với bài học đã rút ra, có thể vững tin rằng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và thời cơ đang tạo ra động lực mới, đưa vị thế của đất nước lên tầm cao mới.