Cánh cửa vào thị trường thế giới rộng mở

“Quá trình đàm phán về việc gia nhập WTO của nước ta trong 11 năm qua thể hiện rõ điều này, do đó không nên nghĩ là đã giành “thắng lợi”! Trên thực tế, chúng ta muốn “qua sông” thì phải “lụy đò”, nếu

 

Những việc cần làm khi  gia nhập WTO

Về phía cơ quan nhà nước:

- Phổ biến rộng rãi nội dung các thỏa thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là trong các doanh nghiệp, để mọi người hiểu rõ, từ đó tận dụng các cơ hội mở ra, ứng phó với những thách thức nảy sinh.

- Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, chú ý đến những nội dung liên quan tới các cam kết ghi trong thỏa thuận về gia nhập.

- Cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể hóa các đạo luật đã được thông qua, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chung, đồng thời, đề ra các cơ chế, tiêu chuẩn quy phạm để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO.

-  Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng không chỉ là yêu cầu nội tại của đất nước mà còn là đòi hỏi cấp bách cho quá trình hội nhập.

- Đào tạo nguồn nhân lực bao gồm cả bộ máy công quyền lẫn các doanh nghiệp, lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý cũng như đội ngũ công nhân là điều kiện không thể thiếu được khi gia nhập WTO.

- Chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa những sự đỗ vỡ nào đó đối với mặt hàng này hay mặt hàng khác, thậm chí ngành này hay ngành khác.

Về phía doanh nghiệp:

- Chủ động tìm hiểu luật chơi của WTO, nghiên cứu kỹ những thỏa thuận về việc gia nhập WTO.

- Sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

- Nắm bắt thông tin về những biến động thị trường thế giới

- Đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực…                    

Phó Thủ tướng Vũ Khoan

 

17 giờ ngày 31-5-2006, tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM, với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự và Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Karan Bhatia, thay mặt Chính phủ hai nước ký thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Đến dự lễ ký còn có Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển, Phó Đại diện Thương mại hiện được đề cử là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ Susan Schwab; Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ, Trợ lý Đại diện Thương mại Dorothy Dwoskin và đại diện của các bộ, ngành của cả hai nước đã tham gia vào quá trình đàm phán. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thiện Nhân và hơn 300 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên APEC đến dự. Kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu việc Việt Nam hoàn tất quá trình đàm phán song phương và góp phần hiện thực hóa mục tiêu gia nhập WTO của Việt Nam trong năm 2006. Việc đạt đến thỏa thuận này là sự kiện lịch sử đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, phù hợp với lợi ích của cả hai bên, tạo tiền đề quan trọng cho sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về nhiều mặt giữa hai nước, cho thành công của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội cũng như chuyến thăm của Tổng thống George Bush tới Việt Nam. Đây là một thuận lợi lớn cho nước Mỹ và Việt Nam bởi nó mở ra một thị trường đầy sức sống và đang lên... Đồng thời cũng mở ra cánh cửa để Việt Nam gia nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu. Từ đây, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội chọn những sản phẩm chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn... Thế hệ trẻ Việt Nam đang cạnh tranh với những người trẻ ở Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Pháp...

Việt Nam điểm đến của các nhà đầu tư

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định: “Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư khu vực và thế giới. Nhiều tập đoàn lớn của các nền kinh tế APEC đã có mặt tại Việt Nam”. Hiện nay, Việt Nam đã có 6.120 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký lên tới 53 tỷ USD. Trong 5 năm 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 20%, chỉ số tiêu dùng nội địa tăng 18%”. Hoa Kỳ là nhà đầu tư và bạn hàng thương mại ngày càng quan trọng với Việt Nam. Tính đến tháng 12/2005, Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam với 265 dự án có tổng giá trị vốn đầu tư đạt  1,45 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2005 đạt gần 7 tỷ USD.

Theo lộ trình mở cửa, Việt Nam sẽ chính thức cho nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực viễn thông. Sau Intel, Tập đoàn viễn thông NTT Docomo (Nhật) đã đến Việt Nam và bày tỏ ý định đầu tư với qui mô lớn. IBM, HP... cũng đang khẩn trương xúc tiến các kế hoạch đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Trước đó, Tập đoàn Gannon (Mỹ) cũng khảo sát và có ý định đầu tư 700 triệu USD để xây một nhà máy điện tại Đồng Nai. Hiện nay, tập đoàn AES (Mỹ) chuyên về điện đang khảo sát để đầu tư xây dựng một nhà máy điện tại Mông Dương (Quảng Ninh) với qui mô lên đến 1,2 tỉ USD. Một quan chức của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, nếu dự án này được triển khai thì đây sẽ là dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện lớn nhất từ trước đến nay. Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt Virginia Foote cho biết thêm: “Trong thời gian tới, các tập đoàn, công ty lớn trên toàn thế giới sẽ mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất. Không chỉ đầu tư mà tốc độ trao đổi thương mại sẽ gia tăng mạnh mẽ. Nếu nhìn vào những thông báo của các doanh nghiệp Mỹ trên website của chúng tôi, và nhìn vào danh sách những tập đoàn đăng ký tham gia Liên minh hành động ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO thì sẽ thấy rất rõ sự trông đợi của họ”.

WTO đem lại lợi ích và cả thử thách

Sự kiện Việt Nam và Mỹ kết thúc đàm phán song phương đã được dư luận đón nhận mang lại những dấu hiệu tích cực. Các bình luận cho rằng, việc gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam trở nên bình đẳng với các nước. Tiến sĩ kinh tế Trần Nam Bình, Đại học New South Wales nói, việc gia nhập WTO sẽ đem lại nhiều lợi ích: “Hiện nay quan hệ thương mại bình thường với Mỹ cứ mỗi năm lại phải gia hạn, và khi đã vào WTO, thì Việt Nam sẽ được quy chế PNTR. Ngoài ra, nếu xảy ra kiện tụng, sẽ không phải chỉ mình Mỹ quyết định mà Việt Nam sẽ có thể mang đơn lên cấp Hiệp hội quốc tế. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh trong nhiều ngành của Việt Nam còn hơi yếu. Khi cửa đã mở, sẽ có một số trở ngại trong ngắn hạn”.

Tiến sĩ Trần Nam Bình phân tích, kinh tế Việt Nam được dự kiến tiếp tục tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2006 - một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới. Mặc dù từng có giai đoạn không được như mong muốn vào cuối thập niên 1990, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin rằng, Việt Nam rốt cuộc cũng có thể trở thành điểm nóng đầu tư ở châu Á, với nguồn lao động rẻ và thị trường tiêu thụ hơn 80 triệu dân. Tuy vậy, Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức, mà đầu tiên là quy mô kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực, như Thái Lan.

Viết trên báo Wall Street Journal số đầu tháng này, phóng viên Patrick Barta nhận xét, Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng căn bản để hỗ trợ tăng trưởng, như đường sá, cảng và mạng lưới cung cấp điện. Christopher Bruton, nhà phân tích ở công ty tư vấn Dataconsult đặt ở Bangkok, nói với Wall Street Journal rằng “Việt Nam có thể cần khoảng 45 tỉ USD để có mức cơ sở hạ tầng bằng Thái Lan hôm nay. Khó mà hình dung Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng 8-9% mà không có đầu tư cho cơ sở hạ tầng, và ai sẽ trả tiền đây? Và Việt Nam không có đủ khoản đầu tư này” ông Bruton nói.

Ngoài những lợi ích to lớn khi là thành viên WTO, chúng ta cần phải có cái nhìn tỉnh táo và thực tế hơn về sân chơi này và về “kẻ mạnh”. Nhìn nhận tỉnh táo để có sự chuẩn bị tốt hơn chứ không phải bi quan. PGS.TS. Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh: “Trước hết, cần phải nhìn thẳng vào sân chơi WTO. Khó bao giờ có sự công bằng cho các nước nhỏ khi là thành viên của WTO, mà chỉ có thể giảm đi phần nào - cho dù là không đáng kể-sự bất bình đẳng. Gia nhập WTO giúp cho Việt Nam thêm cơ hội được nói lên tiếng nói của mình trên các diễn đàn quốc tế, có thêm “nhiều cơ hội lựa chọn” và tận dụng tối đa những cơ may, của kinh tế toàn cầu mang lại như Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói: “Quan điểm của tôi là phải thúc đẩy cải cách trong nước, tạo ra môi trường mới cho kinh doanh-đầu tư, tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài. Còn vào WTO chẳng qua chỉ là giấy chứng nhận có tính quốc tế về những cải cách trong nước mà thôi”.

Hội nhập làm tăng nguy cơ khiếu kiện nhưng không có cách nào khác là chấp nhận luật chơi toàn cầu. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhấn mạnh: “Quanh chuyện khiếu kiện, Việt Nam đã chịu trên dưới 30 vụ. Cũng phải quen dần, đó là luật chơi quốc tế. Chúng tôi phải tìm cách làm sao hòa nhập với thế giới bằng cách tăng sức cạnh tranh, cũng giống như các nước đã làm”. Bên cạnh đó, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng nhấn mạnh: “Cái chủ yếu gia nhập WTO là đón nhận và tranh thủ các cơ hội, chứ không phải chờ đón những thách thức”. Và ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đừng quá lạc quan, cũng không nên bi quan và phải biết tranh thủ những cơ hội khách quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành, cùng nghề phải liên kết lại với nhau mới cạnh tranh lại với các tập đoàn lớn của thế giới.

Phản ứng khác nhau đối với ngành Dệt may Việt Nam

Gia nhập WTO, nghĩa là Việt Nam sẽ có một thị trường thế giới rộng lớn không phân biệt đối xử trong đó có việc xuất khẩu hàng dệt may. Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ đồng ý dỡ bỏ mọi hạn chế về quota nhập khẩu đối với hàng dệt may của Việt Nam, để đổi lại việc dỡ bỏ hàng rào thương mại đối với hàng xuất khẩu sang Việt Nam.

Tuy vậy, các nhà vận động cho khu vực dệt may của Mỹ ở Washington lại xem thỏa thuận là “một chiến thắng cho Việt Nam” và tuyên bố họ sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để “cân nhắc các lựa chọn” giúp bảo vệ quyền lợi của mình. Chủ tịch Hội đồng Quốc gia các Tổ chức Dệt may, Jim Chesnutt, nói: “Thỏa thuận là một chiến thắng cho chính sách thương mại không cân bằng và gây mất việc làm, và là cú đánh nặng cho các nhà sản xuất và công nhân Mỹ”. Giám đốc điều hành của Liên minh Hành động về Thương mại sản xuất Hoa Kỳ, Auggie Tantillo cũng phê phán thỏa thuận là “thảm họa cho ngành sản xuất nói chung, và dệt may nói riêng, của Mỹ”.

 Việt Nam đồng ý từ bỏ chế độ hỗ trợ xuất khẩu một khi đã nhận vé vào WTO và còn đồng ý với một cơ chế mà theo đó, nếu Việt Nam không tuân theo các cam kết trong 12 tháng đầu tiên sau khi gia nhập, Hoa Kỳ có khả năng áp đặt trừng phạt. Karan Bhatia, nhà đàm phán chính của Mỹ, nói với báo Wall Street Journal: “Thực tế là chúng tôi đã có một thỏa thuận rất tốt”. Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng phá sản đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả những doanh nghiệp lớn nếu làm ăn không có hiệu quả.

Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt, giải thích rằng, ngành Dệt may của Việt Nam muốn một thỏa thuận xóa bỏ cả quota và trợ cấp, xem đó còn tốt hơn là chế độ hiện hành. Đồng ý với nhận định này, bà Laura E. Jones, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ, gọi thỏa thuận vừa đạt được là “thỏa ước lịch sử có lợi cho cả hai bên”.

Bà Laura E. Jones nói, các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ đặt thêm hàng từ Việt Nam, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, trong khi thỏa thuận lại giúp tạo thêm vốn để người Việt Nam có thể mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ.

Hiện tại, hàng dệt may nhập từ nước ngoài ASEAN vào Việt Nam đang phải chịu thuế suất rất cao, đến 50% với sản phẩm may và dệt là 40%. Sau khi gia nhập WTO, thuế nhập khẩu các sản phẩm trên sẽ có thể duy trì ở mức tối đa 15%. Trong tương lai, một số thị trường ở Nam Mỹ như Uruquay, Paraquay… đang áp thuế cao đối với hàng dệt may Việt Nam sẽ phải giảm thuế. Việc mở cửa thị trường thế giới sẽ có nhiều lợi thế, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may tăng tốc. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Để ngành dệt may thu ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước, bắt buộc Việt Nam phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực cải tiến kỹ năng quản lý, hợp tác đầu tư với nước ngoài”.

Khu vực ngân hàng mở cửa sau WTO

Thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Việt Nam xung quanh vấn đề Việt Nam gia nhập WTO, có điều khoản buộc Việt Nam cam kết mở cửa khu vực ngân hàng cho các công ty nước ngoài.

Báo Tài chính của Anh, Financial Times đưa tin, tất cả các ngân hàng nước ngoài, lần đầu tiên, sẽ được phép mở các ngân hàng con và chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, từng ngân hàng nước ngoài sẽ được phép nắm giữ 30% cổ phần tại các ngân hàng của Việt Nam, tăng so với mức quy định 10% hiện nay. Ông Alain Cany, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam-Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu: “Việt Nam khi gia nhập WTO đòi hỏi các ngân hàng trong nước phải hợp tác tốt hơn với các ngân hàng quốc tế và ngược lại. Hệ thống ngân hàng Nhà nước (hiện chiếm khoảng 80% dòng vốn vay cả nước) sẽ phải cải tổ mạnh, phải thay đổi. Khi bước vào sân chơi bình đẳng, các ngân hàng cổ phần, ngân hàng nước ngoài và ngân hàng Nhà nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt. Việt Nam  cần thiết phải hình thành một tập đoàn ngân hàng-tài chính mạnh. Từ 01-4-2007, các ngân hàng Mỹ và nước ngoài được thiết lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài, với điều kiện vốn điều lệ tối thiểu là 10 triệu USD. Các chi nhánh này sẽ được đối xử không khác so với các ngân hàng trong nước. Riêng các ngân hàng Mỹ sẽ được phép nhận tiền ký quĩ không hạn chế bằng tiền đồng và được phát hành thẻ tín dụng. Như vậy, chỉ sau 9 tháng nữa, mức trần sở hữu tối đa 49% mà các ngân hàng nước ngoài đang được phép nắm giữ sẽ hoàn toàn bị dỡ bỏ…”

Đối với các công ty chứng khoán

Các công ty nước ngoài sẽ được phép lập liên doanh tại Việt Nam với mức sở hữu tối đa 49% ngay thời điểm Việt Nam gia nhập. Sau 5 năm, mức sở hữu này là 100% và công ty còn được phép mở chi nhánh tại Việt Nam trong một vài hoạt động như quản lý tài sản, tư vấn, hối đoái, mua bán chứng khoán...

Đón đầu chuyện mở cửa ngân hàng, từ đầu năm đến nay, các cổ phần trong khu vực ngân hàng ở Việt Nam đang trở nên nóng bỏng. Các nhà đầu tư trong nước sẵn sàng trả cao gấp ba, bốn lần mệnh giá cổ phần của ngân hàng, và thậm chí có tin nói nhiều người mượn tiền ở chính ngân hàng đó để mua cổ phần này trên thị trường giao dịch không chính thức (OTC). Nhiều người khác thế chấp cổ phần của họ để vay tiền ngân hàng và rồi dùng tiền mua thêm cổ phần.

Các nhà đầu tư ở đây đang hy vọng họ sẽ bán lại được cổ phần của mình với giá cao gấp năm, sáu lần cho nước ngoài một khi giới hạn sở hữu được dỡ bỏ.

Ngành viễn thông mở cửa nhanh và mạnh

Theo ông Patrick McGovern, Chủ tịch Tập đoàn Dự liệu quốc tế IDG, hiện tại tốc độ phát triển của ngành CNTT-Viễn thông của Việt Nam đạt 15%/năm, cao hơn tốc độ phát triển trung bình của ngành CNTT trên thế giới (6%). Do đó, sau khi gia nhập WTO, ngành CNTT-Viễn thông Việt Nam sẽ phát triển nhanh. Đặc biệt, các tập đoàn CNTT nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam do Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực.

Ngành Viễn thông, theo cam kết mở cửa nhanh và mạnh so với Hiệp định Thương mại song phương (BTA) đã ký với Mỹ. Với thỏa thuận vừa ký, Việt Nam cho phép phía Mỹ được nắm giữ sở hữu đa số trong các công ty cung cấp các dịch vụ điện thoại cố định và di động (thông qua việc thuê đường truyền từ một công ty Việt Nam), thiết lập hệ thống dữ liệu nội bộ, dịch vụ vệ tinh và cáp ngầm dưới biển. Tuy nhiên, tài liệu của USTR không công bố cụ thể mức sở hữu “đa số” mà phía Mỹ được nắm giữ là bao nhiêu.

Sau sự kiện Intel đầu tư vào Việt Nam, trong tương lai, Tập đoàn IDG cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực trọng tâm như giáo dục, hạ tầng mạng và các dịch vụ phân phối.

Trong lĩnh vực chuyển phát nhanh

Các công ty nước ngoài được phép hoạt động với tư cách là cổ đông chính trong các liên doanh với các đối tác Việt Nam ngay khi gia nhập. Sau 5 năm, các công ty này sẽ được sở hữu 100% vốn và được đối xử ưu đãi không thua kém Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.

Thị trường bán lẻ “nóng nhất” trên bàn đàm phán

Hiện nay, tại Việt Nam có 5 thương hiệu siêu thị nội địa nhưng chỉ mới có 2 thương hiệu của nước ngoài. Thị trường bán lẻ của Việt Nam trong năm 2005 đạt doanh số 20 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2004 và dự kiến vượt quá 50 tỷ USD vào năm 2010. Hiện nhiều tập đoàn của Hồng Kông, Mỹ, Pháp đang có những dự án đầu tư vào Việt Nam. Gia nhập WTO, thị trường bán lẻ là lĩnh vực cạnh tranh nóng bỏng nhất hiện nay tại thị trường nội địa.

Cách đây vài năm, nhiều tập đoàn bán sỉ và lẻ của thế giới vào Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi vì tâm lý của ta là “các đại gia bán lẻ thế giới mạnh về vốn, chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh, nếu họ vào Việt Nam, các doanh nghiệp của ta chỉ từ thua tới thua”. Nhưng từ thực tế Wall-Mart (Mỹ) đến Hàn Quốc lại không cạnh tranh nổi do sự ủng hộ và đoàn kết của người tiêu dùng Hàn Quốc. Các tập đoàn lớn của nước ngoài có thể chào thua nếu chúng ta biết cách cạnh tranh. Về những lo ngại này, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy khuyên: “Các bạn không nên lo lắng quá nhiều khi mở cửa nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc làm, vì khi mở cửa nền kinh tế thì lại có lợi cho công ty vừa và nhỏ chứ không phải công ty lớn. Hơn nữa, người Việt Nam được đào tạo tốt và có nhiều sáng kiến”.

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ mở cửa các lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Các doanh nghiệp Mỹ được thành lập liên doanh với phía Việt Nam và từ 01/01/2009 thành lập công ty 100% vốn nước ngoài được cung cấp hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Thủy sản Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh

Với những vụ hầu kiện từ những cáo buộc bán phá giá cá ba sa, rồi sau đó là tôm trong thời gian qua, có thể nói, ngành Thủy sản Việt Nam đang từ từ “làm quen” với những phương thức cạnh tranh khốc liệt trên thương trường quốc tế.

Hãng tin Asia Pulse phân tích điểm yếu của ngành Thủy-hải sản Việt Nam như sau: yếu kém lớn nhất là sự bất cân xứng giữa sản xuất đầu vào và sản xuất đầu ra; đồng thời quản lý kinh doanh còn yếu kém. Từ thực tế tổn thất do bão Chanchu cho thấy, “sản xuất đầu vào” chưa được đầu tư đúng mức từ nhân lực đến phương tiện, huấn luyện đào tạo và dự báo khí tượng lẫn cứu hộ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận: “Nếu Việt Nam có cơ hội được gia nhập WTO trong năm nay, gánh nặng “thưa kiện” mà các hội viên VASEP đang “oằn vai” gánh chịu sẽ cất được một phần. Theo ông Dũng, Việt Nam gia nhập WTO, các rào cản thuế quan sẽ được giảm thiểu, đôi bên đều hưởng lợi. Lúc tranh chấp thương mại xảy ra, nếu cách xử của phía nước ngoài không đúng, Việt Nam có thể khởi kiện”.

Như vậy, điều cần thiết lúc này là doanh nghiệp Việt Nam cần “nằm lòng” về luật pháp thương mại quốc tế; đặc biệt phải hiểu rõ về pháp luật trong tranh chấp mua bán. Ông Dũng cho rằng, trình độ quản trị của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần luôn được “cập nhật” so với trình độ quản lý doanh nghiệp chung của thế giới, hầu gia tăng thêm tính cạnh tranh với những “đối thủ” khác trong WTO.

Hiện nay, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu thông qua những nhà nhập khẩu và được phân phối dưới nhiều thương hiệu khác nhau. Một số sản phẩm có chất lượng cao đã bắt đầu có mặt trên thị trường quốc tế với thương hiệu của riêng mình. Nhưng số đó vẫn còn là hiếm hoi. Điều này cần được nhanh chóng khắc phục.

Về phía Hiệp hội, ông Dũng nhìn nhận: “Đòi hỏi VASEP phải vận hành tốt các ủy ban ngành hàng của mình, qua đó tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu và nhà chế biến”.

Thị trường lao động thời WTO: Giá rẻ không còn là lợi thế!

Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu lao động, mỗi năm có khoảng 70.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đem về nguồn ngoại tệ khoảng 1,5 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu lao động Việt Nam được đào tạo bài bản và có tay nghề vững vàng.

Nguy cơ bị “lấn sân” rất lớn. Đó là nhận định của ông Vũ Lâm Thời-Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam tại hội thảo “Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hiện tại, trong tổng số 43 triệu lao động trên toàn quốc, có đến 80% là lao động phổ thông. Trong số 95.430 lao động làm việc ở nước ngoài của 64 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chỉ có 12,8% lao động được đào tạo nghề.

Số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tính đến tháng 6/2006, cả nước 233 trường dạy nghề, 404 trung tâm và 212 trường cao đẳng dạy nghề. 70% học sinh học nghề đã tìm được việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, lao động Việt Nam (LĐVN) đang có những điểm yếu cơ bản về kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa lao động và trình độ ngoại ngữ. Quan trọng hơn cả là ngạch bậc của LĐVN không tương thích với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Theo đánh giá của ông Vũ Lâm Thời, khả năng thị trường LĐVN bị cạnh tranh với lao động Thái Lan, Trung Quốc, Lào sẽ rất lớn sau khi thị trường Việt Nam mở cửa. Không đủ sức cạnh tranh về hiệu quả làm việc, LĐVN sẽ “thua” ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến việc đem chuông đi đánh xứ người.

“Giá rẻ” sẽ không còn là thế mạnh. Thông thường, giá nhân công rẻ đi đôi với trình độ lao động thấp. “Ưu thế” này sẽ phản tác dụng khi các nhà đầu tư lớn tràn vào Việt Nam. Lúc đó, chỉ có những lao động có tay nghề vững vàng mới có cơ hội kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.

Kinh nghiệm từ Thái Lan cho biết, với quy định từ “Bộ tiêu chuẩn tay nghề quốc gia”, việc đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho người lao động có sự tham gia của 3 bên: DN, trường đại học, trường dạy nghề và có sự tham gia của những nghệ nhân có tay nghề cao. Điều này sẽ giúp quá trình đào tạo trở nên sát với thực tế hơn. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề ở Thái Lan đang xây dựng hệ thống chứng chỉ nghề. Vì vậy, bằng cấp về nghề nghiệp của Thái Lan hiện đã được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị gì?

PGS.TS. Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM đặt câu hỏi bằng một dẫn chứng: “Trung tuần tháng 5, chỉ mới có mấy ngày đô la Mỹ nóng lạnh thôi cũng đã tạo ra tâm lý hoảng sợ thật sự trên thị trường?”. 

“Các chính sách tài chính tiền tệ phải có những thay đổi và thay đổi lớn để phù hợp với việc bùng nổ luồng vốn chảy vào (tin tốt lành nhưng có thể làm cho tăng trưởng nóng dẫn đến lạm phát tăng tốc) và chảy ra (tạo ra nguy cơ khủng hoảng). Như trong chính sách tiền tệ chẳng hạn, tôi nghĩ trong thời gian sớm nhất Việt Nam phải bãi bỏ biên độ tỷ giá ±0,25% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Sức ép dòng vốn vào ra vượt xa mức trước khi vào WTO đã làm cho biên độ ±0,25% trở nên quá chật chội. Bước tiếp theo nữa là Việt Nam cũng phải bãi bỏ tỷ giá bình quân liên ngân hàng, theo đó cơ chế tỷ giá sẽ nhảy múa nhiều hơn, giống như trong thời gian qua. Nghĩa là, Việt Nam phải cam kết thực hiện đúng cơ chế tỷ giá đã đăng ký với tư cách là thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là “thả nổi có quản lý”, chứ không phải mập mờ như lâu nay”. PGS.TS. Trần Ngọc Thơ đề nghị.

Ở đây, theo PGS.TS. Trần Ngọc Thơ, cần phải mô phỏng hết các tình huống kịch bản hậu WTO cùng với việc cung cấp đầy đủ mọi thông tin cho doanh nghiệp. “Có thể chúng ta phải thiết lập cơ chế xử lý khủng hoảng, thậm chí có thể hình thành nên một trung tâm thông tin và xử lý khủng hoảng, để đối phó với các nguy cơ này. Được và mất là sự đánh đổi đương nhiên trong cuộc chơi cân não WTO, điều quan trọng là chúng ta phải biết cách chuẩn bị và xử lý trước các diễn biến mới!”. PGS.TS. Trần Ngọc Thơ kết luận. ?

Các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh việc dành PNTR cho Việt Nam

 

Ngày 13-6, tân Đại diện thương mại Mỹ, bà Susan Schwab đã giới thiệu trước Quốc hội Mỹ dự luật nhằm cấp Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Cùng với sự ủng hộ rộng rãi của giới doanh nghiệp Mỹ, dự luật đã nhận được sự bảo trợ của 30 nghị sĩ Mỹ hầu hết là những nhân vật vai vế tại Quốc hội như Dick Lugar (Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại), Max Baucus (Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính), John McCain, John Kerry, Chuck Hagel, Lisa Murkowski, Gordon Smith và Thomas Carper. Con số các nghị sĩ bảo trợ dự luật này dự báo sẽ còn tăng nữa.

Sau khi dự luật dành Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam được trình lên Quốc hội Mỹ, các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ đã ra thông cáo báo chí hoan nghênh sự kiện này.

Các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ khẳng định: việc Quốc hội Mỹ sớm thông qua PNTR cho Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các công ty của Mỹ được tiếp cận rộng rãi thị trường đang phát triển tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước. Dự luật PNTR được trình lên Thượng viện và Hạ viện có tầm quan trọng to lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ mong muốn cùng phối hợp với các nghị sĩ Quốc hội Mỹ để giành được sự ủng hộ của cả 2 đảng: Dân chủ và Cộng hòa trong việc thông qua dự luật này nhằm đảm bảo cho các công ty Mỹ có thể khai thác những lợi thế khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.

  • Tags: