Tóm tắt:
Trước bối cảnh nền kinh tế hội nhập, cuộc cạnh tranh trong ngành Kiểm toán ngày càng trở lên khốc liệt đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với mỗi công ty kiểm toán. Một số công ty kiểm toán nội địa đã đưa mức giá xuống thấp với hi vọng cạnh tranh về mặt bằng giá phí và đi kèm với đó là sự thấp về chất lượng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp được kiểm toán, công ty kiểm toán mà cả ngành Kiểm toán Việt Nam nói chung. Trong khi ở những nền kinh tế phát triển, dịch vụ kiểm toán có bề dày lịch sử thì yếu tố cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán chính là chất lượng của cuộc kiểm toán chứ không phải yếu tố giá phí.
Từ khóa: Kiểm toán độc lập, báo cáo tài chính, giá phí, công ty kiểm toán, năng lực cạnh tranh, chất lượng kiểm toán…
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hình thành sau những năm 1990, ngành Kiểm toán Việt Nam còn khá non trẻ nhưng đang ngày càng trưởng thành hơn, chất lượng dịch vụ có những bước tiến đáng kể và được khách hàng tin tưởng... Theo thống kê của VACPA, Big 4 chiếm 55% doanh thu toàn thị trường, khoảng 20 công ty kiểm toán lớn của Việt Nam chiếm 30%, còn lại chỉ khoảng 15% thuộc về các công ty kiểm toán (CTKT) nhỏ. Thị trường kiểm toán của Việt Nam chỉ nổi lên AASC có doanh thu xếp sau Big 4 nhưng về giá trị tuyệt đối thì còn cách xa. Nguyên nhân gây khó khăn trở ngại cho các CTKT Việt Nam là do năng lực cạnh tranh hạn chế, trình độ nhân lực yếu, dịch vụ chưa đa dạng, khách hàng hạn hẹp… Đặc biệt, các CTKT chưa hợp tác chặt chẽ với nhau và còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Các CTKT kể cả nhóm Big 4 hoạt động tại Việt Nam cũng sẵn sàng hạ giá phí thấp. Một số công ty nội địa thấy vậy cũng đưa mức giá xuống thấp với hi vọng cạnh tranh về mặt bằng giá phí và đi kèm với đó là sự thấp về chất lượng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp được kiểm toán, CTKT mà cả ngành Kiểm toán Việt Nam nói chung. Trong khi ở những nền kinh tế phát triển, dịch vụ kiểm toán có bề dày lịch sử thì yếu tố cạnh tranh giữa các CTKT chính là chất lượng của cuộc kiểm toán chứ không phải yếu tố giá phí.
II. VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Ở các nước phát triển, kiểm toán là một trong số ít nghề được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp (professional). Các công ty kiểm toán có uy tín, bên cạnh việc chú trọng chất lượng của báo cáo kiểm toán, đều rất chú trọng đến việc làm gia tăng giá trị dịch vụ kiểm toán của mình và xem đó là điểm khác biệt cơ bản trong chất lượng và giá trị dịch vụ. Nhiều người ví kiểm toán độc lập của CTKT như bác sĩ trên cơ thể người với đầy đủ chức năng: phòng, khám, chẩn đoán và chữa bệnh cho doanh nghiệp. Các kiểm toán viên (KTV) tận tâm, có đạo đức nghề nghiệp, trình độ, được phân bổ đủ thời gian, chi phí, sẽ có khả năng giúp đỡ doanh nghiệp (DN) trong việc tìm, đánh giá và đưa ra các giải pháp phù hợp đối với việc cải thiện các điểm yếu trong hệ thống tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, quản lý hoạt động của DN thông qua các thư quản lý, nhằm giúp DN hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh.
Báo cáo kiểm toán có "chất lượng", phù hợp với tình hình thực tế của DN, đòi hỏi người KTV phải nắm chắc hoạt động thực tế của DN, các quy định, chuẩn mực và kinh nghiệm từ mô hình quản lý thực tế tối ưu của các đơn vị cùng ngành nghề. Quan trọng hơn, nó cần phải có được sự hợp tác, xây dựng niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, chia sẻ thông tin giữa những nhà quản lý DN và CTKT thông qua mối quan hệ đối tác bền vững một cách chuyên nghiệp. Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các công ty có uy tín, chất lượng, sẽ tạo được niềm tin của những người sử dụng như cổ đông, ngân hàng, đối tác, các cơ quan quản lý… Họ không những tin tưởng vào số liệu báo cáo tài chính mà còn tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo DN, qua đó giúp DN dễ dàng hơn, có lợi thế hơn trong việc tiếp cận thị trường vốn (vay, phát hành cổ phiếu, trái phiếu), đấu thầu, mua bán, sáp nhập. Đặc biệt, báo cáo kiểm toán có chất lượng là yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện các giao dịch với các đối tác nước ngoài, tiếp cận với các nguồn vốn, quảng bá hình ảnh, niêm yết ở nước ngoài - nơi đòi hỏi các báo cáo tài chính phải được lập theo các chuẩn mực kế toán quốc tế và kiểm toán cũng phải được thực hiện theo các chuẩn mực và chất lượng quốc tế. Đối với công ty, tập đoàn đa quốc gia, họ nhận định rằng lợi ích đem lại từ hoạt động kiểm toán độc lập này là hoàn toàn thực tế, có thể lượng hóa và lớn gấp trăm lần chi phí kiểm toán.
Trong khi đó, các DN Việt Nam lại coi nhẹ vai trò của kiểm toán độc lập. Đôi khi việc kiểm toán các báo cáo tài chính đối với họ chỉ đơn giản là một thủ tục cần phải làm. Chính vì điều đó họ luôn ưu tiên giá phí rẻ nhất và lựa chọn những CTKT chào mức phí thấp nhất. Điều này gây ra tiềm ẩn hậu quả cho nền kinh tế khi các CTKT đua nhau hạ giá phí để thu hút khách hàng, tìm kiếm lợi nhuận. Tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam để tính phí, Deloitte sẽ xem xét, quy mô DN (tập đoàn hay DN đơn lẻ), tính chất lĩnh vực hoạt động (sản xuất, dịch vụ, xây dựng...), phạm vi hoạt động (trên 1 tỉnh hay nhiều tỉnh), số lượng chứng từ, để từ đó xây dựng kế hoạch về số lượng KTV tham gia kiểm toán cũng như số giờ làm việc của KTV cho một cuộc kiểm toán. Ngoài ra, Công ty cũng xem xét đến yếu tố DN có sẵn sàng, nhanh chóng cung cấp thông tin; nhân viên bộ phận kế toán của DN có kinh nghiệm làm kế toán hay không. Mức phí cho một cuộc kiểm toán của các CTKT nước ngoài như Deloitte có sự chênh lệch rất lớn so với mức CTKT trong nước đưa ra, có khi tới cả chục lần. Theo số liệu VACPA cung cấp, các CTKT nước ngoài tại Việt Nam có mức phí bình quân khoảng 380 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán, trong khi, các CTKT trong nước chỉ chào phí khoảng 40 - 50 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mức phí kiểm toán trung bình mà các DN kiểm toán trong nước đang chào rất khó đảm bảo để CTKT thực hiện đủ các quy trình, thủ tục kiểm toán. Với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của các tập đoàn, DN lớn với nhiều công ty con, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau đòi hỏi KTV phải xử lý một khối lượng công việc lớn, tốn nhiều thời gian, công sức cũng như đòi hỏi KTV phải có trình độ chuyên môn cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là kiểm toán một DN đơn lẻ, có quy mô nhỏ thì sẽ bớt được quy trình, thủ tục kiểm toán. Chẳng hạn, khối lượng công việc kiểm toán ở một DN có doanh thu 50 tỷ đồng có ít hơn nhưng vẫn chiếm tới 80 - 90% so với công việc kiểm toán ở một DN có doanh thu 100 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu tính phí kiểm toán quá thấp, rất có thể, CTKT sẽ phải cắt xén quy trình, bỏ qua một số thủ tục tốn thời gian như kiểm kê hàng tồn kho hoặc thủ tục thay thế cho kiểm kê hàng tồn kho, trong giá trị của khoản mục này có thể chiếm tới 80 - 90% tổng tài sản của DN. Thậm chí, có trường hợp giảm đến 50% phí kiểm toán theo quy định và CTKT không trực tiếp kiểm toán mà chỉ lập báo cáo kiểm toán và ký đóng dấu trên cơ sở số liệu do bên ngoài cung cấp, dẫn đến phí kiểm toán thực nhận chỉ là 40% so với hợp đồng đã ký. Mặt khác, việc phát hành báo cáo kiểm toán nhưng không thông qua kiểm toán mà chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính của khách hàng (thỏa hiệp với khách hàng) khiến việc kiểm toán mất đi tính chính xác và trung thực. Khi đó, dịch vụ kiểm toán độc lập, dịch vụ "xác nhận niềm tin" sẽ không còn đảm bảo chất lượng, đảm bảo chữ tín với khách hàng cũng như công chúng đầu tư. Bên cạnh đó, cạnh tranh thông qua liên kết với một số cá nhân ở các tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc một số người có chức, có quyền để có được hợp đồng kiểm toán; đưa thông tin quảng cáo không trung thực về mình và các đối thủ cạnh tranh… cũng đang khiến thị trường dịch vụ kiểm toán thiếu lành mạnh.
Hơn nữa, việc giảm giá phí ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, chi phí trang trải cho các hoạt động của công ty khi tiền lương và chi phí hoạt động không thể giảm tại các CTKT. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho 3 CTKT lớn tại Việt Nam lỗ 96 tỷ. Hơn nữa các CTKT cũng bị trói buộc về trách nhiệm khi có sai phạm trong kiểm toán và theo quy định sẽ chịu mức phạt nhất định. Nhưng việc các CTKT rơi vào tình trạng lỗ như trên thì việc phạt hay không trở thành vô nghĩa.
Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đánh giá: “Cạnh tranh là giải pháp tốt nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, vì điều đó thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, hiện tại cạnh tranh bằng cách giảm giá phí dễ nhìn thấy hơn là nâng cao chất lượng dịch vụ. Dễ dàng nhận thấy, phí giảm không khuyến khích phát triển. Nhiều lần VACPA đã đề nghị với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính về các giải pháp nâng cao chất lượng, đồng thời tăng giá phí. VACPA cũng đã thực hiện nhiều giải pháp về đào tạo, tư vấn cho hội viên để nâng cao năng lực kiểm toán, thực hiện kiểm tra chất lượng, đối thoại với giám đốc các công ty, cùng bàn thảo các biện pháp giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, chất lượng báo cáo kiểm toán còn phụ thuộc vào khâu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Nhà nước, tổ chức nghề nghiệp và xã hội. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát tuy đã hình thành nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Thêm vào đó, việc xử lý của cơ quan Nhà nước và tổ chức nghề nghiệp cũng chưa mạnh tay và triệt để.
III. XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN GIÁ PHÍ VÀ THỰC HIỆN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Một là, đề nghị Bộ Tài chính và VACPA xây dựng khung giá thành dịch vụ kiểm toán và hướng dẫn để các công ty tham chiếu xây dựng cho công ty, làm cơ sở cho Bộ, Hội đối chiếu khi thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ. Việc xác định này phải dựa trên nguyên tắc
- Phải phù hợp và có tính phân loại đối với các dịch vụ khác nhau cung cấp cho khách hàng và tôn trọng cơ sở của sự thỏa thuận.
- Công khai, minh bạch.
- Định lượng cụ thể dựa trên cơ sở xác định các chi phí cho việc cung cấp dịch vụ một cách xác đáng, rõ ràng.
- Đảm bảo tính ổn định.
Đồng thời việc xác định này phải theo trình tự cụ thể như sau:
Bước 1: Cần phải thẩm định thương hiệu của từng công ty kiểm toán và có sự đánh giá phân loại giá trị DN. Có thể chia các công ty kiểm toán thành nhiều nhóm như sau:
- Các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
- Các công ty là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế.
- Các công ty kiểm toán khác.
Kết quả của việc thẩm định và định giá thương hiệu của các công ty kiểm toán sẽ là căn cứ quan trọng để xác lập khung giá phí đặc thù ở loại hình công ty đó.
Bước 2: Đánh giá các nguồn lực hiện có của các công ty kiểm toán
Các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tài chính, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần yêu cầu các công ty kiểm toán có các đánh giá và báo cáo minh bạch về nguồn lực hiện có của công ty mình nhằm phục vụ việc cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng.
Trên cơ sở báo cáo của các công ty kiểm toán, các cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá và thẩm định tính pháp lý, tính chính xác khi đối chiếu với các hồ sơ quản lý kết hợp với công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Bước 3: Tổ chức hiệp thương thảo luận về khung giá phí của từng dịch vụ trong toàn ngành. Trên cơ sở so sánh các đặc điểm về thương hiệu, trình độ đội ngũ tham gia việc cung cấp dịch vụ, khung giá phí được các công ty kiểm toán khác nhau xác lập trong thời gian gần đây, điều kiện về nguồn lực khác. Hiệp hội VACPA cùng các cơ quan có thẩm quyền hoạch định nhiều phương án giá phí khác nhau, tiến đến tổ chức các buổi hội thảo, hiệp thương giữa các công ty kiểm toán theo từng khu vực.
Mục đích của việc hiệp thương thảo luận là lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các công ty kiểm toán để thực thi việc điều chỉnh xác định một cách cơ bản khung giá phí cho các loại hình dịch vụ được cung cấp bởi công ty kiểm toán.
Bước 4: Đề xuất và ban hành một khung giá phí áp dụng thống nhất trong toàn ngành.
Hai là, do việc quản lý mức phí dịch vụ kiểm toán là khó khả thi nên đề nghị Bộ Tài chính, VACPA tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán thông qua việc tăng cường hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ hàng năm, xây dựng bộ chỉ số chất lượng chia theo nhóm lĩnh vực (như DN niêm yết, DN FDI, Kiểm toán xây dựng cơ bản...) để làm cơ sở đánh giá chất lượng. Các công ty kiểm toán có thể tham chiếu chỉ số chất lượng để tự quản lý chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
Ba là, các công ty tự xây dựng biểu giá phí của công ty, thực hiện việc đăng ký biểu giá phí với Bộ Tài chính, với VACPA, để quản lý và làm căn cứ xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. VACPA khuyến khích các công ty thông báo đến Hội các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và có tổ công tác chuyên trách thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các hành vi này.
Bốn là, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ sự phát triển của DN và giảm sự cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc hoàn thiện, sửa đổi một số văn bản pháp lý. Đề nghị VACPA có hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân viên các công ty để thu hẹp khoảng cách chất lượng nhân viên giữa các công ty, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ.
VACPA đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các đại diện công ty kiểm toán để tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, tham khảo thêm kinh nghiệm của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế để chọn lựa giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập của Việt Nam.
Năm là, nâng cao chất lượng kiểm toán với những giải pháp sau:
- Nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm cho KTV ngang tầm khu vực và thế giới: Xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức thi tuyển KTV với chất lượng cao, tổ chức đào tạo trong nước kết hợp với đào tạo ngoài nước, thực hiện liên kết đào tạo ở phạm vi khu vực và thế giới. Việc đào tạo KTV luôn phải đặt trong xu hướng hội nhập với yêu cầu chất lượng chuyên môn cao ngang tầm các nước khu vực và thế giới.
- Thực hiện KSCL hoạt động kiểm toán chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Kết quả kiểm soát phải được công khai.
- Nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp để các KTV có điều kiện và môi trường rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp.
- Thực hiện kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Kết quả kiểm soát phải được công khai.
- Nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp để các KTV có điều kiện và môi trường rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp.
- Trên cơ sở Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng kết hợp với hội nghề nghiệp về kiểm toán thực hiện công tác quản lý về điều kiện hành nghề, chất lượng hoạt động kiểm toán thông qua việc kiểm soát chất lượng hàng năm. Nhằm đánh giá đúng năng lực hoạt động của các DN kiểm toán, có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động kiểm toán, tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tạp chí Kiểm toán.
2. Luật Kiểm toán độc lập.
3. Phan Thanh Hải, Giải pháp nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của dịch vụ kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Phát triển kinh tế.
4. www.vacpa.org.vn
Ngày nhận bài: 5/01/2016
Ngày chấp nhận đăng bài: 25/01/2016
Thông tin tác giả:
Trần Thị Luận
Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Price competition among audit firms in Vietnam
Tran Thi Luan
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry
Abstract:
In the context of economic integration, the competition among audit firms in Vietnam is becoming increasingly fierce. This competition also leads to issues inculding ensuring the quality of audit with lower price. Some domestic audit firms have lower their audit price and fee to compete with other firms. However, in developed countries, audit firms usually compete with others by their quality of audit instead of audit price. The price competition is not only impact on audit firm but also Vietnams audit sector.
Keywords: Independent audit, financial statements, price and fee, audit firm, competitiveness, quality of audit.