Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp
Những năm qua, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong cả nước được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên, qua đó ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn khá phổ biến, nhất là việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang diễn ra ở nhiều nơi. Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hình thức kinh doanh thực phẩm thông qua mạng xã hội facebook, zalo… được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm kinh doanh thông qua hình thức online này thường không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Thu Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, qua người quen giới thiệu, chị đặt thịt gà trên một trang facebook, người bán quảng cáo là sản phẩm nhà nuôi, tươi ngon, đảm bảo sạch, an toàn. Nhưng khi nhận thì hàng hóa đã xuất hiện mùi lạ.
Tương tự, chị Hoàng Trang ở Hoàng Mai, Hà Nội từng đặt mua nhụy hoa nghệ tây (saffron) trên mạng xã hội facebook, nhưng khi sử dụng với nước ấm, sản phẩm này phai màu rất nhanh, chuyển thành màu vàng đậm, gần như nước nghệ tươi. Khi vớt lên kiểm tra, sợi hoa mềm oặt, teo nhỏ, nát nhũn như bột khi bóp nhẹ.
Đấy là trên môi trường mạng xã hội, còn ở môi trường kinh doanh truyền thống, thời gian qua, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hưởng ứng Tháng Hàng động về an toàn thực phẩm năm 2022 (từ 15/4 đến 15/5) lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) nhiều tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực này và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Đơn cử, ngày 15/4, Đội số 3, Cục QLTT TP Cần Thơ phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP kiểm tra Hộ kinh doanh Minh Quân 320 tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều phát hiện cơ sở này đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có thông tin thể hiện trên bao bì, nhãn hàng hóa, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có thông tin về công bố thực phẩm, không có đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, đây là cơ sở doanh thực phẩm đông lạnh cung cấp cho nhiều quán ăn uống trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 225 kg thực phẩm đông lạnh gồm đuôi heo, vú heo, thịt bò vụn, cá hồi phile, đuôi bò, bắp bò, răng mực, bào ngư, râu bạch tuộc, sủi cảo, trân châu dừa dạng viên… tổng trị giá xác định theo giá niêm yết trên 17 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa và xử lý theo quy định pháp luật.
Chưa hết, ngày 8/4, Đội số 1, Cục QLTT Bạc Liêu phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh cám, gạo Nhỏ Hía tại số nhá 352/32 đường cao Văn lầu, phường 5, thành phố Bạc Liêu, do bà Dương Kim Hía làm chủ, chuyên kinh doanh mặt hàng cám, gạo các loại.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện bà Dương Kim Hía đang kinh doanh 25 bao gạo, mỗi bao 50kg, tổng cộng là 1.250 kg gạo, được giới thiệu là gạo thơm Thái. Tuy nhiên, qua kiểm thực tế chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cũng như nơi sản xuất của số gạo này. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Dương Kim Hía.
Trước đó không lâu, ngày 5/4, Đội số 5, Cục QLTT An Giang kiểm tra khám đồ vật (12 bao da rắn màu trắng) tại lề đường Lê Hồng Phong thuộc Trung tâm thương mại Phú Mỹ, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân phát hiện 600kg chả nấm nhãn hiệu Diễm Trang, địa chỉ: xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Trên nhãn hàng hóa không thể hiện khối lượng tịnh, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng 06 tháng không có người thừa nhận. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 29 triệu đồng. Đội số 5 đã lập biên bản tạm giữ tang vật để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ động ngăn chặn vi phạm
Hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5) cũng như để đảm bảo tốt công tác kiểm tra và xử lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn cả nước, ngày 4/4/2022, Tổng cục QLTT đã có công văn chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm vi phạm pháp luật.
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này, trong những ngày qua, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch đôn đốc các Đội QLTT triển khai thực hiện. Cụ thể, ngày 5/4/2022, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch, chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra về điều kiện kinh doanh; điều kiện chung về sản xuất, kinh doanh; điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, trang thiết bị dụng cụ; nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng nguyên liệu dùng để sản xuất thực phẩm; hồ sơ công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm; hóa đơn chứng từ, nhãn hàng hóa, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng...
Tương tự, Cục QLTT các tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn... cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022, tập trung vào các nội dung kiểm tra như việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết, hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, Tổng cục QLTT đề nghị, Cục QLTT các địa phương chủ động tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm vi phạm pháp luật.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ động cung cấp thông tin để cơ quan QLTT kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm. Chú trọng tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; công bố công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.