Cao su Đà Nẵng (DRC) sẽ không hưởng lợi từ việc lốp xe Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá?

Mỹ vừa ban hành quyết định sơ bộ về vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với lốp TBR của các doanh nghiệp Thái Lan - đối thủ chính của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC).
Cao su Đà Nẵng
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Cao su Đà Nẵng.

Vào ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ về hành vi bán phá giá lốp xe tải và xe buýt (TBR) từ Thái Lan. Thái Lan là quốc gia xuất khẩu lốp TBR lớn nhất vào thị trường Mỹ, chiếm 28% tổng lượng nhập khẩu trong năm 2022, tiếp theo là Việt Nam với mức thị phần khoảng 12%.

DOC hiện xác định mức thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải từ Thái Lan là 2,35%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức cáo buộc là 47,81% do Liên đoàn lao động quốc tế của ngành thép Mỹ (United Steelworkers, USW) đưa ra trước đó.

Quyết định cuối cùng về vấn đề trên thường được DOC đưa ra sau 75 ngày kể từ ngày có quyết định chính thức. Tuy nhiên, một số bên có liên quan đã có kiến nghị đến DOC đề nghị hoãn ngày công bố quyết định cuối cùng để điều tra kỹ hơn và nhận định với mức thuế chống bán phá giá thấp như hiện nay khó có thể ngăn lốp xe tải Thái Lan thâm nhập thị trường Mỹ.

DOC đã chấp thuận kiến nghị trên và quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được công bố sau 135 ngày. Do đó, phán quyết cuối cùng về vụ việc trên có thể sẽ được ban hành vào khoảng tháng 10/2024.

Trước đó, nhiều tổ chức tài chính kỳ vọng, trong kịch bản lốp xe Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, sản phẩm lốp TBR của Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh và có khả năng gia tăng thị phần. Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi và sản lượng tiêu thụ TBR sẽ tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của SSI Research, nếu mức thuế chống bán phá giá của DOC đối với lốp xe Thái Lan trong phán quyết cuối cùng vẫn ở mức thấp như hiện nay, thì lợi ích nhận được đối với Cao su Đà Nẵng sẽ “không quá rõ rệt”.

Thị trường Mỹ hiện đang chiếm 14% tổng doanh thu của Cao su Đà Nẵng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, sau Brazil.

Cao su Đà Nẵng
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Cao su Đà Nẵng (DRC): Sẽ nâng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Brazil" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, SSI Research cũng nhận định nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì cũng sẽ chưa có tác động tích cực ngay lập tức đến kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng do các sản phẩm lốp TBR xuất khẩu của công ty vào thị trường này hiện không chịu bất kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nào.

Trong dài hạn, nếu có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp Cao su Đà Nẵng giảm bớt rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, vì Cao su Đà Nẵng có thể sử dụng dữ liệu chi phí sản xuất của công ty thay vì sử dụng dữ liệu từ nước thứ ba làm cơ sở đánh giá.

Trong khi đó, lốp xe du lịch (PCR) có xuất xứ Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá ở mức 22,27% và thuế chống trợ cấp ở mức 6,46%.

Cao su Đà Nẵng đã tung ra thị trường dòng sản phẩm lốp PCR vào Q2/2023, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ. Nếu Cao su Đà Nẵng giới thiệu lốp loại PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai và nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì có thể giúp Cao su Đà Nẵng tránh được vị bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp nếu có trong tương lai, SSI Research đánh giá.

Duy Quang