Vận tải hoá chất dẫn dắt tăng trưởng
Kết thúc quý 1/2024, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 2.536 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 231 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 27% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, mảng vận tải hoá chất là động lực dấn dắt tăng trưởng doanh thu của PV Trans, khi chiếm tới 36% tổng doanh thu quý 1/2024, tương đương gần 913 tỷ đồng.
Con số trên tăng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp biên lợi nhuận mảng này của PV Trans trong quý 1/2024 cải thiện mạnh lên mức 25%, so với mức 21% của cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại 20 trên 52 tàu của doanh nghiệp này đang phục vụ phân khúc vận tải hóa chất, bao gồm 3 loại tàu chính: 13.000 DWT, 20.000 DWT và tàu MR (40.000 - 50.000 DWT). Trong đó, có 5 tàu mới được đưa vào sử dụng trong nửa cuối năm 2023, gồm 2 tàu 20.000 DWT đưa vào sử dụng từ quý 3/2023 và 3 tàu MR đưa vào sử dụng từ quý 4/2023.
Đa số các tàu của PV Trans ký hợp đồng định hạn (TC) với thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Theo các hợp đồng TC, chi phí nhiên liệu do khách thuê chịu nên biến động giá nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của PV Trans.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, việc mở rộng đội tàu của PV Trans đang dần cho thấy việc doanh nghiệp này xoay trục từ mảng chở xăng dầu thành phẩm sang mảng hoá chất. Trong số 12 tàu mới được bổ sung trong năm 2023 thì có đến 6 tàu là tàu hoá chất. Trong năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục có thêm 3 - 4 tàu dầu hoá chất gia nhập đội tàu của PV Trans.
Đại diện PV Trans cho biết, thị trường vận tải hoá chất có giá cước ổn định, thị trường ít biến động mạnh và biên lợi nhuận gộp tốt hơn đáng kể so với mảng xăng dầu thành phẩm; trong khi đó, nhu cầu nhiều và cung tàu trong khu vực còn khá ít.
Chiến lược của PV Trans trong những năm tới là dần thu hẹp đội tàu chở xăng dầu thành phẩm và đẩy mạnh sang các tàu chở hoá chất với mục tiêu sở hữu khoảng 37 tàu hoá chất vào năm 2025, tương đương khoảng 30% cơ cấu đội tàu.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, trong giai đoạn 2024 - 2025, triển vọng thị trường vận tải dầu thành phẩm vẫn ở mức tích cực; trong khi đó, thị trường vận tải hoá chất có tiềm năng bứt phá khi nhu cầu hoá chất tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, dự kiến hồi phục mạnh mẽ.
Lợi nhuận cốt lõi năm nay có thể tăng 40%
Đối với mảng vận tải dầu thô, sản lượng vận chuyển nội địa trong quý 1/2024 đã giảm xuống khoảng 3 chuyến do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng (từ 15/3 - 1/5). Tuy nhiên, giá thuê tàu trong quý đã tăng 10%, giúp doanh thu vận tải dầu thô của PV Trans vẫn tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 406 tỷ đồng, đóng góp 16% tổng doanh thu.
Biên lợi nhuận gộp mảng vận tải dầu thô của PV Trans trong quý 1/2024 cũng tăng lên mức 23%, so với mức 16% trong quý 1/2023. Hiện PV Trans đang có 3 tàu Aframax (80.000 - 120.000 DWT); trong đó, 01 tàu chạy tuyến quốc tế (Apollo) và 02 tàu chuyên trách vận tải dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Đối với phân khúc vận tải khí LPG, 14 tàu trong 19 tàu chuyên dụng của PV Trans đang phục vụ các đối tác nội địa; 05 tàu còn lại chạy tuyến quốc tế, trong đó, có 02 tàu VLGC (tàu cỡ lớn).
Tuy nhiên, 60% lợi nhuận gộp mảng này của PV Trans đến từ các tuyến vận tải quốc tế. Trong quý 1/2024, doanh thu từ vận tải khí của PV Trans đã giảm 11%, chủ yếu do doanh thu nội địa (vận chuyển sản phầm đầu ra cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) suy giảm đáng kể.
Nhưng nhờ giá thuê tàu định hạn quốc tế tăng nhẹ 5%, giúp biên lợi nhuận gộp mảng này của PV Trans vẫn tăng lên 21% trong quý 1/2024, so với mức 16% của quý 1/2023.
Mảng hàng rời của PV Trans bắt đầu ghi nhận sự hồi phục từ quý 4/2023 nhờ nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng (quặng sắt, thép, cát) đến Trung Quốc và than cho các nhà máy điện tại Việt Nam tăng. Tuy nhiên giá thuê tàu trong quý 4/2023 lại giảm 19%, còn khoảng 9.600 USD/chuyến, không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến việc PV Trans lỗ gộp 8% tại mảng này.
Trong quý 1/2024, giá thuê tàu hàng rời (handy size) đã tăng 12% so với quý 4/2023 và tăng 3% so với quý 1/2023, đạt gần 11.000 USD/chuyến. Đồng thời, sản lượng tăng thêm 7 - 10 chuyến.
Những yếu tố này giúp doanh thu mảng hàng rời của PV Trans trong quý 1/2024 tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cũng đạt 2%, so với mức lỗ gộp 34% trong quý 1/2023.
Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng tổng doanh thu năm nay của PV Trans có thể tăng 4% so với năm 2023, đạt 9.931 tỷ đồng; và lợi nhuận sau thuế tăng tới 11%, đạt 1.075 tỷ đồng.
Nếu loại bỏ khoản thu nhập từ thanh lý 2 tàu trong năm 2023 (200 tỷ đồng) thì lợi nhuận sau thuế cốt lõi năm nay của PV Trans có thể tăng trưởng 40%, theo Chứng khoán Rồng Việt.