Chủ động được nguồn cung cao su đầu vào, mục tiêu doanh thu tăng 15%
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, độ phụ của sản phẩm thương hiệu Cao su Đà Năng trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đã tăng lên. Đồng thời, công ty đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều dòng sản phẩm mới như lốp LTR, PCR… tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng.
Đặc biệt, công ty đã thay thế hoàn toàn cao su thiên nhiên nhập khẩu bằng nguồn cao su trong nước để sản xuất lốp ô tô Radial, vừa góp phần chủ động kế hoạch sản xuất vừa tiết giảm đáng kể giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty đã triển khai thành công việc đầu tư mỏ rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial, nâng công suất lên mức 1 triệu lốp/năm.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng cũng chia sẻ thị trường tiêu thụ đang diễn biến phức tạp trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung. Đối với kênh xuất khẩu, chi phí vận chuyển quốc tế tăng vọt và thiếu container rỗng đang tác động đến kế hoạch bán hàng. Đồng nội tệ của nhiều nước mất giá mạnh so với đồng USD khiến giá bán săm lốp của công ty tại thị trường bản địa tăng cao.
Tại thị trường nội địa, việc doanh nghiệp vận tải khó tiếp cận các khoản vay cũng như bị cấm chuyên chở quá tải đã khiến nhiều khách hàng chuyển qua sử dụng những loại săm lốp giá rẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp giảm mạnh sản lượng xe lắp ráp làm cho tiêu thụ sản phẩm Cao su Đà Nẵng tại phân khúc này trong năm 2023 giảm tới 80% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, nhờ hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đầu tư, sản phẩm của các doanh nghiệp FDI hiện có giá bán rất cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nói.
Do đó, Hội đồng Quản trị Cao su Đà Nẵng đã trình kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.151 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 7%, đạt 285 tỷ đồng.
Hưởng lợi từ tỷ giá tăng, đảm bảo sản lượng xuất khẩu sang Brazil
Tại Đại hội, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi của cổ đông.
Đối với vấn đề tác động của tỷ giá đến kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết, kênh xuất khẩu hiện đóng góp tới 65 - 70% tổng doanh thu. Trong khi đó, nguyên vật liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 35% tỷ trọng chi phí nên công ty đang xuất siêu. Do đó, tỷ giá tăng mạnh thời gian gần đây có hiệu quả cao trong hoạt động sản - xuất kinh doanh của công ty.
Về vấn đề giá cao su thiên nhiên tăng mạnh thời gian gần đây, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết Việt nam là nước có sản lượng cao su đứng thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, công ty luôn chuẩn bị hàng năm cho vấn đề này. Công ty cũng đã kiểm soát được việc này và phản ánh vào kế hoạch kinh doanh doanh, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng nói.
Chia sẻ về triển vọng tiêu thụ sản phẩm tại Mỹ và Brazil - hai thị trường xuất khẩu chủ chốt của công ty, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết nếu đáp ứng được nhu cầu của riêng thị trường Mỹ thì sản lượng tiêu thụ của công ty sẽ tăng gấp 2,3 lần so với hiện nay.
Đối với thị trường Brazil, mặc dù nước này đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lốp nhập khẩu kể từ năm 2023 làm giá thành sản phẩm khi nhập khẩu vào Brazil tăng cao, sản phẩm của Cao su Đà Nẵng vì thế cũng khó cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, với chất lượng sản phẩm đã được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao, sản lượng xuất khẩu của công ty sang Brazil vẫn được duy trì, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng nói.
Đối với thị trường trong nước, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng nhận định nhu cầu tiêu thụ sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ cao hơn so với năm ngoái; đồng thời, việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành nghề, trong đó có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm săm lốp, từ đó có cơ hội tăng trưởng sản phẩm tiêu thụ của Cao su Đà Nẵng.
Về vấn đề cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm FDI, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết những năm gần đây Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên ủng hộ sản phẩm sản xuất trong nước như chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Theo đó, năm nay, công ty đã có tín hiệu thị trường đầu ra đối với các đơn vị lắp ráp rất tốt như Tập đoàn Trường Hải (THACO).
Trả lời câu hỏi về tiến độ triển khai dự án Nhà máy sản xuất lốp Radial giai đoạn 3, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết, các máy móc thiết bị của dự án được lắp đặt đến đâu thì đưa vào sử dụng đến đó. Năm 2024 kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ lốp Radial là 900.000 lốp nhưng khi dự án đi vào hoàn thành thì công suất có thể lên đến 1.200.000 lốp/năm. Đây sẽ là tiền đề để cho tăng trưởng của công ty.
Ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cũng tiết lộ, dự án Radial đến quý 4/2024 mới quyết toán, tuy nhiên dự án đầu tư đến đâu sản xuất đến đó, hiện nay công suất đã vượt 80.000 lốp/tháng nên việc dự án hoàn thành vào quý 4/2024 là điều chắc chắn hoàn thành.