Đầu tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 214/QĐ-TTg về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - Giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh. Dự án này có quy mô 495,17 ha và do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE).
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 227/QĐ-TTg để điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025. Qua đó, mở ra triển vọng tích cực đối với việc triển khai Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (Cao su Việt Nam sở hữu 45% vốn). Dự án này được kỳ vọng sẽ sớm nhận quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư ngay trong năm nay, triển khai đầu tư và bắt đầu kinh doanh kể từ cuối năm 2025.
Trong năm ngoái, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 với quy mô 345 ha tại tỉnh Bình Dương, do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã cổ phiếu NTC, Cao su Việt Nam chi phối 20,42% vốn), đã bắt đầu được bàn giao đất.
Sau nhiều năm quỹ đất sạch mới không được bổ sung, các bước tiến pháp lý trên được xem như “cơn mưa giải hạn”, tạo ra động lực tăng trưởng trong ngắn và dài hạn trong mảng bất động sản khu công nghiệp của Cao su Việt Nam.
Theo báo cáo mới đây của hãng chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), sau khi nhận quyết định giao đất Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 đang chờ thẩm định tiền sử dụng đất. Trong quý 4/2023, khu công nghiệp này đã ký thêm loạt biên bản ghi nhớ (MoU) cho thuê đất với tổng diện tích lên đến 35 ha và giá cho thuê trung bình 140 USD/m2. Qua đó, nâng tổng diện tích đất cho thuê đã ký MoU lên mức 85 ha.
Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Dương và có vị trí “đắc địa” khi gần cụm cảng Xà lan và ICD Thạch Phước, cách cảng Cát Lái chỉ 32 km và Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 30 km. Với lợi thế kết nối tốt với cơ sở hạ tầng giao thông, KBSV kỳ vọng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 sẽ sớm đạt tỷ lệ lấp đầy cao.
Theo ước tính sơ bộ của Nam Tân Uyên, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ đồng/năm đến 2027 - 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến bắt đầu từ năm nay.
Đối với Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - Giai đoạn 1, dự án này nằm ngay cạnh đường Quốc lộ 22B, chỉ mất 15 phút để kết nối đến Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài - cửa khẩu đường bộ lớn nhất phía Nam, và mất 75 phút để di chuyển về TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, khu công nghiệp trên còn dễ dàng kết nối Khu công nghiệp Phước Đông (quy mô 2.838 ha) hiện hữu trong vòng 10 phút. Khu công nghiệp Phước Đông hiện là khu phức hợp công nghiệp, đô thị, thương mại lớn nhất Tây Ninh.
Những lợi thế trên được kỳ vọng sẽ giúp Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - Giai đoạn 1 dễ dàng thu hút nhiều khách hàng ngay khi bắt đầu nhận ký MoU cho thuê đất. Hiện KBSV đánh giá Cao su Việt Nam có thể tiến hành cho thuê đất tại khu công nghiệp này từ năm 2025.
Theo kế hoạch, công ty mẹ - Cao su Việt Nam dự kiến sẽ chi 1.146 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển trong năm nay, phần lớn là để đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - Giai đoạn 1.
Về định hướng trung và dài hạn, Cao su Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hiện doanh nghiệp này đang đang tích cực hoàn thiện hồ sơ pháp lý của loạt dự án khu công nghiệp.
Trong đó, Khu công nghiệp Rạch Bắp - Giai đoạn 2 với quy mô 360 ha tại tỉnh Bình Dương (Cao su Việt Nam sở hữu 93% vốn) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với Khu công nghiệp Minh Hưng 3 mở rộng với quy mô 577 ha tại tỉnh Bình Phước (Cao su Việt Nam sở hữu 55% vốn), Cao su Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo tiền khả thi và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.