Với việc đang vận hành 16 khu công nghiệp có tổng diện tích đất hơn 6.500 ha, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) hiện đang là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp của Cao su Việt Nam đạt 73% và hiện còn khoảng 1.260 ha đất thương phẩm, sẵn sàng cho khai thác. Triển vọng mảng khu công nghiệp của Cao su Việt Nam hiện được nhiều tổ chức tài chính đánh giá ở mức tích cực và sẵn sàng tăng tốc trong những năm tới đây khi loạt khu công nghiệp mới đang dần được tháo gỡ pháp lý để đi vào triển khai.
Cụ thể, Khu công nghiệp Hiệp Thạnh (Tây Ninh) với diện tích 495 ha và vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2024. Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam chia sẻ, công ty sẽ bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng tại khu công nghiệp này từ năm 2026.
Đối với Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 (Bình Dương) với diện tích 345 ha, cuối tháng 6/2024, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt giá tính tiền sử dụng đất của dự án.
Cao su Việt Nam hiện có kế hoạch cho thuê 90 ha đất tại dự án này ngay trong năm nay. Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán MB, giá cho thuê tại dự án này là khoảng 125 - 130 USD/m2, đem về biên lợi nhuận gộp khoảng 60%. Mặc dù mức lợi nhuận gộp này thấp hơn so dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 1&2, nhưng vẫn là mức cao so với trung bình ngành.
Đối với khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng và Nam Đồng Phú mở rộng, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết, tập đoàn đang dồn lực hoàn thiện thủ tục pháp lý tại hai dự án trọng điểm này.
Trong đó, dự án Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng đã nhận được chỉ tiêu phân bổ đất của tỉnh Bình Phước trong năm 2024 - 2025. Đây là nội dung pháp lý cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với dự án Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng, dự án chưa đảm bảo vốn đầu tư tối thiểu để được giao dự án. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết sẽ huy động vốn từ các cổ đông của dự án ngay trong năm nay để đảm bảo nghĩa vụ tài chính.
Trong đó, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã cổ phiếu DPR) dự kiến góp khoảng 130 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã cổ phiếu NTC) dự kiến góp 112 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án Khu công nghiệp Rạch Bắp Giai đoạn 2 (360 ha, Bình Dương) và Khu công nghiệp Cộng Hoà Giai đoạn 2 (190 ha, Hải Dương) đang được Cao su Việt Nam nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ pháp lý.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, trong giai đoạn 2021 - 2030, nguồn cung đất khu công nghiệp phía Nam sẽ chủ yếu đến từ việc chuyển đổi đất cao su. Bởi thị trường phía Nam đang thiếu hụt nguồn cung đất, trong khi tỷ lệ lấp đầy ở mức cao. Việc chuyển đổi đất cao su có nhiều lợi thế về diện tích đất thửa lớn, giải phóng mặt bằng nhanh và chi phí thấp.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cao su Việt Nam, tập đoàn đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500 ha, hiện đang triển khai gần 11.000 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cao su Việt Nam dự kiến tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha.
Ngoài ra, Cao su Việt Nam cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để có điều kiện phát triển thêm 16.592 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, tập đoàn làm chủ đầu tư gồm 10.997 ha và các đơn vị khác đầu tư 5.615 ha.