Vùng ven biển như Thái Thuỵ chúng tôi ngày xưa bão rất nhiều. Lại là vùng đất bồi, nền đất yếu lại chua mặn, nên những cây cổ thụ hiếm lắm. Hồi ấy cảm giác của chúng tôi nhìn những cây to trong làng như thấy có linh hồn.
Các cụ già hay kể những câu chuyện ly kì xung quanh những cây ấy, mà các cụ lại nghe kể từ các cụ ngày trước nữa. Trẻ con nông thôn đi bộ vài cây số là thường. Cây đa lớn bên đường già đến nỗi thân cây mọt hõm một lỗ rất to người lớn chui vào vừa luôn là chỗ dừng chân. Thế nhưng nếu chỉ một mình cũng hơi sợ sợ.
Lũ học sinh lứa những năm 60, 70 thế kỉ trước như chúng tôi đói cái chữ nên thích đi học lắm dù cũng ham chơi như những đứa trẻ bất cứ thế hệ nào. Đi học chúng tôi còn có thế giới của thực vật mà các trường rất chú ý chứ không phải nhà to và tiện nghi dạy và học như bây giờ. Chứng kiến từng mùa bàng thay lá, từng mùa phượng trổ bông ở sân trường, chúng tôi lớn dần lên.
Khi vào trường cấp 2 chúng tôi thấy ngay một cây gạo già cạnh cổng trường. Nó lại là cây gạo gù mà bọn tôi mỗi lần học những tiết thể dục ở khoảnh sân cạnh đó luôn nhìn ngắm phần thân của nó vươn qua bụi dứa dại mọc cao.
Quê tôi nhiều gạo nhưng gạo vẫn quý lắm đối với những người chỉ có nghề nông. Cây có tên là gạo chắc cũng bởi là quý dù không phải để ăn. Sau này đi khỏi làng và qua văn học mới biết cây gạo còn có tên là cây bông gòn, hoa mộc miên. Đa với gạo như cái hồn của làng. Cây gạo quê tôi có thân gù nằm ngang như dáng rồng nằm. Đối diện bên kia đường của cây gạo là cổng nghĩa trang liệt sĩ. Phải chăng hồn cây gạo cũng thành kính trước anh linh của những anh hùng nên mới khiến cây nằm phủ phục như thế.
Hồi ấy có một anh học trên mấy lớp, tự nhiên nhập đồng nhảy qua bụi dứa cao rồi nhảy lên ngồi trên cây gạo. Anh ấy cứ xưng là bộ đội và còn nói quê quán phiên hiệu. Sau có một anh bộ đội dáng chỉ huy rất hiểu chuyện nói chuyện và đưa về nhà thế là lại tỉnh. Sau này anh ấy đi bộ đội và hy sinh ngày gần thống nhất
Giờ cây gạo đã rất già, người ta phải xây hai trụ đỡ cho cây giống như hai móng vuốt rồng bám xuống đất. Lạ là càng già cây gạo gù lại nở rất nhiều hoa. Người đi xa về mùa hoa gạo tháng 3 từ đầu làng đã thấy cây gạo đỏ rực chợt thấy ấm lòng cùng bao kí ức ùa về. Giờ nông thôn thay đổi quá nhiều rồi. Không còn những luỹ tre. Hàng cau cũng hiếm. Trầu cũng còn ít người ăn. Đa bây giờ cũng còn trồng nhưng người ta mang giống ở đâu về không còn giống cây đa dáng thân xù xì thuần quê Việt ngày xưa. Trẻ con vẫn thẫn thờ trước vẻ đẹp của cây gạo gù già, mà sao ở làng không thấy ai trồng những cây gạo non nữa cho vẻ đẹp mai sau.