Nhiều năm sau chiến tranh chống Mỹ trong khi hầu hết diện tích đất trống, đồi núi trọc trên các địa bàn lân cận đã được phủ xanh bằng những rừng cao su, bời lời ngút ngát thì nơi đỉnh Sạc Ly, chỉ có duy nhất thứ cỏ lông chồn, cỏ tranh, cỏ Mỹ đua nhau mọc khi mùa mưa về; còn khi mùa khô đến cả dãy đồi úa vàng, khô quạch, nếu ai sơ ý thì chỉ một mẩu tàn thuốc lá cũng gây cháy bùng phát dữ dội, hầu như không ai dám đặt chân đến vùng đất này vì sợ vấp phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cũng như chất độc hóa học.
Quên mình cho sự hồi sinh của Sạc Ly
Từ trung tâm thành phố Kon Tum đi dọc theo đường 14, tới ngã ba Tân Cảnh, đi khoảng 10 km đã nhìn thấy thấp thoáng đỉnh núi Sạc Ly, ngập tràn ở đây là màu xanh ngút ngàn của những vạt rừng thông ba lá vươn mình trong nắng, gió đại ngàn. Đây cũng là rừng thông trồng được đánh giá rộng nhất Việt Nam, thuộc dự án trồng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum giai đoạn 2000-2010 được Tổng công ty Giấy Việt Nam ủy quyền cho Công ty NLG Miền Nam (Công ty con của Tổng công ty Giấy Việt Nam) thực hiện trên địa bàn 43 xã thuộc 7 huyện Tỉnh Kon Tum. Mục tiêu của dự án là cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy bột giấy Kon Tum, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển nông – công nghiệp cho một vùng đất biên cương đầy khó khăn, vất vả.
Những ngày đầu của cây thông ba lá trên đỉnh Sạc Ly.Là một trong những cán bộ có mặt từ những ngày đầu xây dựng dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại dãy Sạc Ly, ông Tống Hữu Chân, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty NLG Miền Nam chia sẻ, những ngày đầu triển khai, dự án có vô vàn khó khăn bởi dân sinh khu vực này khi đó rất thưa thớt, đa số là đồng bào dân tộc ít người dân trí thấp, cơ sở hạ tầng vật chất đều hết sức yếu kém thậm chí nhiều khu vực chưa có… Ông Chân cho biết, khi đó đường xa, khu vực trồng rừng lại cao và dốc nên việc trồng rừng rất khó khăn và nguy hiểm, đi lại, vận chuyển cây giống, vật tư hết sức vất vả, phải thuê nhân công, chủ yếu là đồng bào dân tộc gùi bộ, dùng trâu, bò, ngựa vận chuyển đến khu vực trồng rừng, đấy là chưa kể đến nguy hiểm luôn rình rập như sốt rét, mưa lũ đầu nguồn, bom mìn và chất độc hóa học còn sót lại từ chiến tranh.
Công việc cuốc đất, lật cỏ, ươm trồng cây thông để gieo nên màu xanh, tạo sự hồi sinh ở Sạc Ly đã gặp muôn vàn chông gai nhưng công việc quản lý và bảo vệ được thành quả nhất là ở những năm đầu khi cây thông còn nhỏ, còn lẩn khuất đâu đó giữa mênh mông, bạt ngàn cỏ dại cũng chẳng ít gian nan, đặc biệt là công tác chống lại giặc lửa. Vào mùa hanh khô bên cạnh các giải pháp phòng cháy như làm đường băng cản lửa, chòi canh lửa, bể chứa nước, Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam luôn đảm bảo lực lượng thường trực 24/24, sẵn sàng dập tắt các điểm cháy. Do đặc thù khí hậu của khu vực mưa bão nhiều, gây hư hỏng nặng đường công vụ và hệ thống cầu ngầm trong mùa mưa, càng khó khăn hơn cho các phương tiện, phục vụ công tác tuần tra, canh trực, nhất là khi có báo động cháy rừng xảy ra.
Và sự hồi sinh kỳ diệu của mảnh đất chết.Ông Nguyễn Bắc Lam Cán bộ tại Ban trồng rừng của công ty cho biết khi mùa mưa, công tác tuần tra canh gác cũng gặp vô vàn khó khăn do đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số gần khu rừng trồng còn lạc hậu, người dân đã từng ồ ạt kéo nhau vào rừng chặt phá, lấn chiếm đất (ngày càng diễn biễn phức tạp, gia tăng về số vụ, thậm chí bất chấp pháp luật, ngang nhiên chặt phá, lấn chiếm, chống người thi hành công vụ...). Thế mới biết, để được sự hồi sinh, màu xanh nơi mảnh “đất chết” SạcLy ấy là biết bao hi sinh, vất vả của những cán bộ, công nhân Công ty NLG Miền Nam, bằng mồ hôi, nước mắt và tinh thần lao động quên mình.
Cây thông ba lá đã không phụ tấm lòng người công nhân và bén duyên với vùng đất đầy nắng gió Kon Tum để tạo nên thành quả của ngày hôm nay là gần 9.000 ha rừng phát triển tốt, năng suất tương đối cao (theo đánh giá của Viện quy hoạch rừng Đông Bắc Bộ năng suất trung bình có trữ lượng đạt khoảng 200 m3/ha/15 năm). Ngoài giá trị kinh tế, có thể nói rừng thông ba lá xanh tươi trên dãy Sạcly cũng góp phần nào đó làm dịu đi ánh mắt nhìn và tạo nên những cơn gió mát lành cho người dân và khách bộ hành qua đây. Có được thành quả ngày hôm nay, ngoài nổ lực phấn đấu, hy sinh của cán bộ, công nhân viên Công ty nguyên liệu giấy miền Nam còn phải kể đến sự hỗ trợ hết mình của lãnh đạo các cấp và bà con nhân dân tỉnh Kon Tum, của các chiến sỹ bộ đội Sư 10 thuộc Quân đoàn 3 trong suốt thời kỳ trồng, bảo vệ chống cháy rừng, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Đầu tư Phát triển.
Hiệu quả môi trường, xã hội hiện hữu
Rừng do Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam trồng và quản lý là rừng đầu nguồn, có ý nghĩa vô cùng quan trong trong việc duy trì hệ sinh thái và tạo nguồn sinh thủy. Hiện nay, hàng năm Công ty nhận được trung bình khoảng 2,6 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường. Năm 2016 Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam cho biết đã khoanh nuôi, tái sinh phục hồi rừng tự nhiên đối với 485,97 ha. Kết quả, theo đánh giá chuyên môn ảnh hưởng tốt đến môi trường xung quanh và dần tạo được tư tưởng tiến bộ trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật lâm sinh mà rừng trồng của Công ty ngày càng phát triển tạo điều kiện tốt cho các động thực vật, trú ngụ sinh sống, phát triển, bảo vệ được các loài sinh vật sẵn có tại địa phương, góp phần bảo tồn tốt đa dạng sinh học, ngăn chặn sự xâm thực của các loại cây nhập nội, an toàn cho hệ sinh thái phát triển rừng bền vững, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (Forest Stewardship Council).
Cây thông được đánh giá phát triển tốt tại vùng dự án.Trong kế hoạch quản lý rừng giai đoạn 2016 – 2024, Công ty NLG Miền Nam cho biết cùng với việc quản lý tốt gần 9 nghìn ha rừng, và khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng tự nhiên 485,97 ha, hàng năm công ty tiến hành trồng bổ xung thêm từ 30 đến 50 ha rừng nhằm, tăng độ che phủ của rừng lên trên 90% (là nhân tố tác động tích cực ngăn cản bụi, cát, giảm nồng độ một số khí ô nhiễm do hoạt động công nghiệp… giảm hiệu ứng nhà kính, làm sạch đẹp cảnh quan môi trường); Tạo sự cân bằng sinh thái, bảo vệ, cải tạo đất, làm tăng độ mùn, độ phì tầng đất mặt, thiết thực chống xói mòn, chống hao tổn độ dày tầng đất mặt, giữ được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người…Cụ thể, Công ty hạn chế việc sử dụng phân NPK và tiến tới ưu tiên sử dụng phân vi sinh gieo ươm cây con và trồng rừng (để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường); Sử dụng biện pháp tổng hợp (IPM) để quản lý sâu bệnh hại cây rừng (Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục của tổ chức FSC cho phép và khi thật cần thiết mới sử dụng ). Việc xử lý thực bì cũng như khai thác đều được triển khai theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường (cụ thể: xử lý thực bì hạn chế xói mòn…; khai thác theo quy trình giảm thiểu tác động (RIL), sau khi khai thác xong sẽ trồng lại rừng ngay…).Công ty đồng thời tuyên truyền vận động Trưởng Phu, Già làng, Trưởng bản, và người dân ký và thực hiện Cam kết bảo vệ rừng, vận động trồng rừng liên kết …Ngoài việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho 156 CBCNV, hàng năm, Công ty giải quyết được hơn 700 -1000 lượt lao động nhàn rỗi tại địa phương góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trong khu vực.
(Còn nữa)