CHẤT GANG THÉP HAY LINH HỒN CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU MỎ VÀ LUYỆN KIM

Có một ngôi nhà lớn, bằng sinh khí và trí tuệ của mình đã tập hợp, gắn bó cho hàng trăm người con. Có một con thuyền đã chèo chống qua bao sóng gió của vận mệnh đất nước, để giờ đây đang vững vàng lướ

Ba mươi tám năm về trước, năm 1967, Viện Luyện kim màu được Chính Phủ thành lập, trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, đến năm 1996, đổi tên thành Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim. Hiện nay, trụ sở chính của Viện đặt tại 30B Đoàn thị Điểm, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội, do TS. Nguyễn Anh làm Viện trưởng. Với một quy mô rộng lớn, Viện có ba cơ sở là: Phân viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim đặt tại km16 đường Hà Nội quận 9, TP HCM; Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Mỏ và Luyện kim đặt tại phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên; Trung tâm thực nghiệm Tam Hiệp xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Đây là Viện khoa học, công nghệ chuyên ngành mỏ, luyện kim của Việt Nam, có chức năng nghiên cứu, triển khai, lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế đề án công nghệ và thiết bị, đào tạo cán bộ, cung cấp dịch vụ khoa học - kinh tế, chuyển giao công nghệ, chế tạo thiết bị và sản xuất một số sản phẩm đặc trưng của ngành. Với bề dày lịch sử của mình, Viện đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước. Nhờ những cống hiến đó, Viện đã được Nhà nước ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba, năm 1982; Huân chương Lao động hạng nhì, năm 1987; hai lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất ở các năm 1997 và 2002.

Ngôi nhà lớn này có gần 300 người con là kĩ sư, thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều kĩ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ và công nhân lành nghề. Có thể nói, đó là một lượng tri thức trẻ lớn được kết tụ và chung đúc tạo nên sức mạnh riêng có của Viện. Sức mạnh ấy thể hiện ở trên 200 đề tài nghiên cứu KHCN đã được Viện thực hiện thành công, nhiều công trình thiết kế và chìa khoá trao tay (từ khâu nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị, lắp đặt, đào tạo công nhân và đưa công trình vào sản xuất). Sự đóng góp của Viện vào việc xây dựng và vận hành sản xuất của các xí nghiệp: Mỏ - luyện thiếc, Mỏ - tuyển graphit, Mỏ - tuyển inmenhit, Mỏ - tuyển chì kẽm, Mỏ - luyện antimon, Mỏ tuyển apatit, Mỏ - luyện vàng... là rất rõ  ràng và đáng kể. Đặc biệt, trong khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Viện đã ứng dụng thành công công nghệ luyện thiếc trong lò điện hồ quang, đã góp phần đưa sản lượng thiếc kim loại toàn quốc tăng vọt gấp 5 lần (từ mức 500 tấn/năm lên 3000 tấn/năm), để xuất khẩu. Riêng trong năm vừa qua, Viện đã thực hiện 27 đề tài nghiên cứu thuộc chương trình Nhà nước và cấp Bộ. Trong đó, hai đề tài nhánh thuộc cấp Nhà nước đạt loại xuất sắc, đó là: "Nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất xỉ titan" và "Nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất một số loại Fero, Fe, Re, Mg trung bình có chứa titan và Fero silic có chứa đất hiếm" - đề tài này đã được nhận giải thưởng sáng tạo VIFOTEC năm 2004, hiện đã triển khai vào sản xuất. Không dừng lại ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Viện đã đẩy mạnh chế tạo các mặt hàng thiết bị cơ khí chuyên ngành cung cấp cho một số địa phương ở phạm vi toàn quốc như các công ty Khoáng sản Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Cao Bằng... Các thiết bị chủ yếu gồm: vít xoắn các loại 4, 5, 7 vòng kép, máy tuyển từ, máy tuyển điện, lò sấy quay, các phụ tùng và chuyển giao công nghệ. Nhóm phóng viên chúng tôi được giới thiệu tận mắt những thiết bị do Viện tự nghiên cứu chế tạo như: lò hồ quang 250kVA cho thử nghiệm xỉ titan, thiết bị tuyển từ hai tầng, hệ thống tuyển vít đứng, lọc bụi tĩnh điện, thiết bị tuyển điện... Bên cạnh đó, Viện vẫn duy trì, gia công nấu đúc kim loại, chế biến khoáng sản và các dịch vụ khác.

Khi được hỏi về công tác đào tạo, TS. Nguyễn Văn Chiến - Phó Viện trưởng cho biết: "Viện là nơi rèn luyện nhiều cán bộ khoa học đã kinh qua thực tiễn nghiên cứu và sản xuất, đã tạo ra một đội ngũ chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm. Trong thời điểm này, hơn lúc nào hết, Viện ý thức được tầm quan trọng của việc đẩy nhanh công tác nghiên cứu, nâng cao trình độ cán bộ khoa học trẻ bằng các hoạt động như: cử cán bộ đi học sau đại học, học tại chức, ngoại ngữ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, tham quan thực tập trong và ngoài nước. Đặc biệt, công tác chăm lo đời sống, đoàn kết nội bộ luôn được Viện quan tâm nên đã tạo nên sức mạnh nội lực để vượt qua những khó khăn trước mắt và hứa hẹn một sự phát triển lâu dài".

Có thể nói, Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng một nguồn trí tuệ Việt Nam, là nơi các công trình khoa học nảy mầm và được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Điều này khiến cho Viện không chỉ là đất dụng võ của các nhà khoa học, mà còn là thị trường để  trao đổi, ứng dụng các đề tài của mình vào thực tế. Bằng đôi chân gang thép, bằng ý chí và nghị lực đã qua nung luyện, Viện nghiên cứu Mỏ và Luyện kim đang đi trên một chặng đường mới thênh thang, cùng hành trình đất nước hướng về một chân trời xán lạn.

  • Tags: