Chất lượng tổng hợp của sản phẩm và hàng hóa công nghiệp (CLTHSPCN) bao gồm các tính chất tạo ra giá trị sử dụng, nói lên mức độ công dụng mà sản phẩm công nghiệp thỏa mãn nhu cầu nhất định nào đó trong những điều kiện xác định của sản xuất, sử dụng và tiêu dùng hàng hóa công nghiệp thể hiện thông qua các chỉ tiêu với độ tin cậy của chúng, bao gồm:
(1) Chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật chuyên ngành và phức hợp, (2) Chỉ tiêu chất lượng ergonomie (quan hệ sản phẩm và con người sử dụng và môi trường); (3) Chỉ tiêu chất lượng thẩm mỹ công nghiệp; (4) Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi công nghệ chế tạo; (5) Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi các vật liệu tạo ra sản phẩm; (6) Chỉ tiêu chất lượng kinh tế; (7) Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi tính chất xã hội của sản phẩm.
Đối với một sản phẩm cụ thể, các chỉ tiêu kỹ thuật, ergonemie, mỹ thuật công nghiệp, vật liệu là các yếu tố trực tiếp tạo thành tính công dụng của sản phẩm.
Một số vấn đề về chỉ tiêu chất lượng mỹ thuật công nghiệp
Thiết kế mỹ thuật công nghiệp (MTCN) được hiểu là ngành thiết kế tạo mẫu, tạo dáng, mảng, đường nét,mầu sắc cho sản phẩm công nghiệp, tạo vẻ đẹp cho sản phẩm, môi trường sống hay thế giới đồ vật, gồm: Thiết kế đồ họa (Graphics design), Thiết kế thời trang (Fashion design), Tạo dáng công nghiệp (Industrial design), Thiết kế nội thất (Interior design), Thiết kế kiến trúc (Architectural Design), Thiết kế tương tác (Interative Design)…
Như vậy thiết kế MTCN cần cho từ việc thiết kế cả một khu công nghiệp, từng cơ sở công nghiệp, đến từng sản phẩm, bao bì cho nó... Người ta tạo dáng bằng mô hình có khi bằng đất sét, thạch cao… hoặc dùng chương trình phần mềm đồ họa 3D…
Khi nền sản xuất và sự phát triển của xã hội đạt đến trình độ nào đó thì người ta còn mong muốn mỗi sản phẩm công nghiệp còn là một tác phẩm nghệ thuật nữa. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đó các nhà thiết kế cần có các am hiểu về nghệ thuật như hội họa, nặn tượng, âm nhạc... cũng như các quy luật cảm xúc thẩm mỹ.
Ngày nay khi nói về CLTHSP công nghiệp người ta bắt buộc phải chú ý đến chất lượng thẩm mỹ công nghiệp. Trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, người ta ngày càng nghiêm khắc với thái độ thờ ơ hoặc bỏ qua, coi nhẹ chỉ tiêu này. Thực tế chỉ ra rằng có nhiều sản phẩm bị xã hội loại trừ do chất lượng mỹ thuật công nghiệp (CLMTCN) không còn phù hợp, trong khi đó nhiều loại sản phẩm được tiêu thụ nhanh trên thị trường do CLMTCN cao, trong sự so sánh cùng tính năng kỹ thuật với các sản phẩm khác cùng chủng loại.
Trong thiết kế MTCN, người ta cũng áp dụng nhiều thành tựu khoa học và nhiều ngành khác nhau. Đặc biệt, người ta lưu ý ứng dụng tỷ lệ kích thước theo tỷ lệ vàng. Tỷ lệ vàng có thể được thể hiện rõ hơn bằng hình học bằng việc sử dụng dãy số Fibonacci hay bằng lượng giác và giới hạn. Cách dễ nhất để hiểu được hình ảnh của nó là bằng việc chia một đường thằng làm 2 phần a và b theo tỷ lệ (a+b)/a= a/b=1.61803398874989484820
Thiết kế MTCN cũng sử dụng các số và dãy số ưu tiên (xem TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 142:2009 SỐ ƯU TIÊN VÀ DÃY SỐ ƯU TIÊN-Preferred numbers and series of preferred numbers). Đó là các con số và dãy số mà toán học đã chỉ ra về sự hợp lý về kích thước về tỷ lệ kích thước, chính xác về mặt toán học, có tác dụng thẩm mỹ, và ứng dụng vạn năng, bậc phân cấp theo cấp số nhân là quà tặng của thiên nhiên vũ trụ cho chúng ta.
Vì chúng ta cảm giác theo định luật của VEDER PHECHNER: Độ cảm xúc tỷ lệ với logarit của độ kích thích, nghĩa là độ cảm xúc tăng theo cấp số cộng khi độ kích thích tăng theo cấp số nhân; và ứng dụng khoa học phỏng sinh học (Bionics/Biomimetics), là ngành khoa học công nghệ chuyên nghiên cứu các hình dáng, tỷ lệ kích thước, chức năng, mầu sắc,đặc điểm và hiện tượng… của sinh vật trong tự nhiên và mô phỏng các khả năng đặc biệt đó cùng vẻ đẹp để thiết kế, chế tạo các hệ thống kỹ thuật và công nghệ hiện đại, hữu ích nhằm cải tiến hoạt động và đáp ứng nhu cầu của con người về thẩm mỹ và sự hợp lý, hiệu suất cao…
Khi thiết kế MTCN người ta chú ý quan hệ của sản phẩm trong tổ hợp của nó, với mục đích làm nổi bật cá biệt hoặc thỏa mãn hài hòa tức là đảm bảo tính đồng bộ của môi trường vật phẩm.
Nội dung của CLMTCN và quan hệ với các chỉ tiêu chất lượng khác
Điều này không phải lúc nào cũng được trả lời đầy đủ và dễ dàng, vì một trong các lí do là cảm xúc thẩm mĩ của mỗi người một khác, đó là do quan niệm và trình độ am hiểu mỹ thuật có khác nhau, đôi khi nặng về chủ quan, chứ chưa nói đến thiếu quan tâm đến chỉ tiêu này. Điều này thường xảy ra trong một nền sản xuất nhỏ, lạc hâu, nhu cầu lớn hơn khả năng cung cấp.
Những yếu tố của thẩm mỹ như hình dáng, kích thước và tỷ lệ kích thước, màu sắc, phối hợp màu sắc, các mảng, đường nét, các hình thức trang trí đều gắn liền với các chỉ tiêu chất lượng khác,vì vậy hiệu quả thẩm mỹ là khách quan và thiết kế mỹ thuật công nghiệp không thể tự do bằng mỹ thuật nghệ thuật được.
Các vấn đề của CLMTCN không những chỉ liên quan đến thị giác mà còn cả đến thính giác, xúc giác, cơ giác vận động nữa- tạo cảm nhận thẩm mỹ.
CLMTCN bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu chất lượng, cũng như có khi khống chế chúng. Không đảm bảo được quan hệ này sẽ cho ta cảm giác CLMTCN giả tạo, vì hợp lí là một trong các tính chất của thẩm mỹ.
Chỉ tiêu CLMTCN liên quan chặt chẽ với các chỉ tiêu khác. Ví dụ hình dáng các phương tiện giao thông vận tải có tốc độ cao phải phù hợp với các tính toán thủy khí động học, kết quả đó thường cho hình dáng đẹp về mặt thẩm mỹ công nghiệp,
Trong quan hệ với chỉ tiêu công thái học-ergonomie (chỉ tiêu phù hợp, an toàn cho con người và môi trường) có quan hệ chặt chẽ, chất lượng thẩm mỹ công nghiệp cần xử lý ví dụ, màu sắc, phối hợp mầu sắc, kích thước và tỷ lệ kích thước...
Một trong các yêu cầu của ergonomie là sản phẩm được chế tạo gây ra được cảm giác dễ chịu, thoải mái khi sử dụng chống mệt, mỏi, nhầm lẫn... Các ngưỡng cảm giác dễ chịu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giới tính, lứa tuổi, loại công việc.....
Do đó, cần tránh thiết kế tùy tiện, cảm tính, ví dụ, khi thiết kế bảng điều khiển chỉ dẫn cần tránh các kiểu chữ, số khó đọc, màu sắc gây lóa mắt (như chữ đỏ trên nền xanh thẫm), phối hợp mầu sắc khó nhận dạng như chữ đen trên nền thẫm,… Như vậy còn hạn chế các tai nạn lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu mới và công nghệ mới trong thiết kế sẽ tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ mới. Thí dụ thủy tinh, nhựa composite chịu nhiệt chịu lực dùng trong chế tạo đồ dung chế biến thực phẩm, trong các công trình xây dựng, công nghệ mới trong sơn, phủ, mạ, nhuộm mầu, dập chìm, nổi, khắc chữ hình bằng tia lazer, công nghệ vật liệu giả da, lông cũng rất đẹp và không giết hại thú quý hiếm… Công nghệ mới như in 3D cũng tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ mới. Ngoài ra, chỉ tiêu CLMTCN cũng thiết kế tạo ra môi trường lao động đẹp, vệ sinh sạch sẽ,…
Khi nền văn minh xã hội được nâng cao, người ta chỉ mua và dùng các sản phẩm đẹp, phù hợp và an toàn cho con người và môi trường, đó là một yếu tố mạnh trong cạnh tranh trên thị trường.