TÓM TẮT:
Với xu thế phát triển mạnh mẽ về ngành công nghiệp nhựa hiện nay, công nghệ ép phun nhựa nhiệt dẻo đóng góp phần lớn số linh kiện nhựa cho các thiết bị máy móc, công cụ, vật dụng,… trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chất lượng linh kiện ép phun nhựa này phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong suốt các quá trình tạo sản phẩm nhựa. Trên cơ sở nguyên lý ép phun nhựa và nhiều năm thực nghiệm sản xuất trên các máy ép phun nhựa nhiệt dẻo của các hãng máy Nhật Bản như Toshiba, Mitsubishi, SJW và Sumitomo, bài viết tổng hợp các yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhựa nhiệt dẻo cũng như trình tự điều chỉnh lỗi sản phẩm trong quá trình sản xuất linh kiện nhựa từ công nghệ ép phun nhựa nhiệt dẻo.
Từ khóa: Công nghệ, ép phun nhựa, máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhựa nhiệt dẻo.
1. Đặt vấn đề
Mặc dù sự phát triển vượt bậc cả về chất lượng lẫn số lượng trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu.
Theo Quyết định số 9028/QĐ-BCT của Bộ Công Thương (08/10/2014) về Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa, chiếm tỷ lệ 70% (đến năm 2030) và xuất khẩu chiếm tỷ lệ 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Với mục tiêu này, Việt Nam tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng (kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử), lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng nhựa, ngành nhựa Việt Nam còn khá non trẻ so với các ngành công nghiệp khác nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình 15-18%/năm, chỉ đứng sau ngành viễn thông và dệt may (http://vpas.vn/gioi-thieu/tong-quan-nganh.html). Việc đáp ứng được chất lượng sản phẩm cũng như chi phí sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao như các linh kiện bên trong và bên ngoài của các máy móc thiết bị cho nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, viễn thông, công cụ, đồ dùng phục vụ cho gia đình, doanh nghiệp,… (linh kiện nhựa cho ô tô, máy bay, thiết bị y tế, điện thoại, ti vi, máy may, máy giặt, thiết bị truyền thông,…) là vấn đề cần được quan tâm.
Mặt khác, nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thế giới đối với các sản phẩm nhựa ngày càng tăng cao. Riêng thị trường nội địa Việt Nam với trên 96 triệu dân, trong đó gần 50% dân số trẻ là thị trường đầy tiềm năng cho việc cung ứng các sản phẩm từ nhựa.
Hiện nay, ngành Nhựa Việt Nam có số lượng doanh nghiệp đông đảo với gần 4.000 doanh nghiệp trong cả nước, đa số tập trung ở miền Nam. Hơn 80% doanh nghiệp nhựa trong nước là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (SMEs) cùng với trình độ công nghệ còn hạn chế, khoảng 85% thiết bị máy móc trong ngành nhựa phải nhập ngoại (http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tiem-nang-va-xu-huong-phat-trien-nganh-nhua-viet-nam-310736.html, 2019).
Có nhiều công nghệ sản xuất sản phẩm nhựa nhiệt dẻo hiện nay như đùn nhựa, đùn thổi nhựa, thổi nhựa, ép phun nhựa,... để sản xuất chế tạo ra các linh kiện nhựa. Trong đó, ép phun nhựa dẻo là công nghệ được sử dụng phổ biến cho việc sản xuất các linh kiện nhựa cho các máy móc thiết bị, phương tiện,… chiếm đại đa số. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ ép phun tạo ra sản phẩm nhựa dẻo đạt chất lượng cao phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố ảnh hưởng từ quá trình sản xuất sản phẩm của công nghệ này.
Sản phẩm của công nghệ ép phun nhựa nhiệt dẻo ngày nay thường được sử dụng làm linh kiện cấu thành lắp ráp bên ngoài các thiết bị của hầu hết các lĩnh vực khác nhau như ô tô, máy bay, các thiết bị gia đình, các thiết bị công nghiệp, y tế,... Bên cạnh đó, sản phẩm nhựa nhiệt dẻo còn làm linh kiện cấu thành của các bộ phận cơ học máy móc thiết bị nhỏ như các chi tiết máy bánh răng, thanh truyền, chi tiết máy,…
2. Quy trình ép phun sản phẩm nhựa nhiệt dẻo và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ép phun
Nhựa nhiệt dẻo là loại nguyên liệu sẽ bị hóa lỏng khi nung nóng đến nhiệt độ nóng chảy của nó. Quá trình này có thể thực hiện được nhiều lần nên nhựa nhiệt dẻo có khả năng tái sinh cao. Một số nhựa nhiệt dẻo phổ biến như Polyethylene (PE) và các dẫn xuất (HDPE, LDPE, LLDPE), Polypropylence (PP), Polystyren (PS), Polyvinyl Clorua (PVC), Acrylonitrin Butadien Styren (ABS), Poly Metyl Metacrylat (PMMA),…
So với các loại nguyên liệu kim loại, gỗ, thủy tinh, da,… sản phẩm được làm từ nguyên liệu nhựa nhiệt dẻo có một số tính chất ưu điểm vượt trội hơn hẳn:
Khả năng chống ăn mòn do tác động của oxy hóa của môi trường và khả năng chống thấm nước của nguyên liệu nhựa tốt hơn so với gỗ.
Dễ tạo hình và sản xuất hàng loạt cũng như tiết giảm được chi phí sản xuất vì nhiệt độ nóng chảy của nguyên liệu nhựa thấp hơn so với nguyên liệu kim loại hay thủy tinh.
Nguyên liệu nhựa nhiệt dẻo có khả năng tái sinh tốt và tính đa dạng cao hơn so với các loại nguyên vật liệu kim loại, gỗ, thủy tinh,…
2.1. Quy trình tạo sản phẩm ép phun nhựa nhiệt dẻo
Quy trình ép phun nhựa nhiệt dẻo được thể hiện qua các công đoạn sau:
Hình 1: Quy trình ép phun nhựa nhiệt dẻo
Theo quy trình tạo sản phẩm nhựa nhiệt dẻo, nguyên liệu nhựa (1) được cấp và sấy thoát ẩm (2) (tùy thuộc vào loại nhựa) thông qua các phễu sấy cấp liệu (hopper dryer), phễu này thường được gắn trực tiếp trên máy ép phun nhựa (injection
machine). Nhựa được cấp vào nòng máy (barrel) từ phễu cấp liệu thông qua trục vít tải nhựa (screw) của máy ép phun nhựa để gia nhiệt nung chảy lỏng nguyên liệu (3) và phun nhựa lỏng vào lòng khuôn (4). làm nguội khuôn (5) trên máy ép thông qua các hệ thống giải nhiệt để tạo thành sản phẩm nhựa hoàn tất (6).
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình ép nhựa
So với các công nghệ như đùn thổi hoặc công nghệ thổi phun tạo sản phẩm nhựa nhiệt dẻo, linh kiện sản phẩm được tạo ra từ các công nghệ này thường không đòi hỏi chất lượng quá cao. Tuy nhiên, linh kiện nhựa được tạo ra từ công nghệ ép phun nhựa nhiệt dẻo lại đòi hỏi chất lượng cao hơn rất nhiều, nó được đánh giá cả về bề mặt ngoại quan lẫn kích thước kỹ thuật rất khắt khe.
Linh kiện ép phun nhựa nhiệt dẻo có khả năng xuất hiện nhiều loại khuyết tật cả bề mặt bên ngoài lẫn bên trong bề dày thành của chi tiết sản phẩm. Ảnh hưởng của nó có thể tạo ra các lỗi ngoại quan xuất hiện trên bề mặt bên ngoài như cong vênh, khiếm khuyết, dư thừa, xấu bề mặt, trầy xước,… đến các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến sức bền, an toàn, hiệu suất sử dụng, chức năng của linh kiện (nứt bể, bọng khí),... Các lỗi này được tạo ra bởi các yếu tố liên quan đến thông số quá trình ép phun, loại nguyên vật liệu sử dụng, kết cấu thiết kế của khuôn hoặc kết hợp của một phần các yếu tố trên. Nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng linh kiện sản phẩm nhựa từ công nghệ ép phun này.
Qua nhiều thực nghiệm sản xuất sản phẩm của quá trình ép phun nhựa nhiệt dẻo trên nhiều chủng loại máy ép phun nhựa thủy lực và máy điện của các hãng máy Toshiba, Mitshubishi, SJW và Sumitomo, chất lượng của sản phẩm được đánh giá qua các công đoạn tạo sản phẩm của nó. Các yếu tố chính ảnh hưởng của quá trình này bao gồm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách lắp đặt khuôn và thiết lập các hành trình trên máy ép, các thông số máy của quá trình ép phun, thoát sản phẩm, làm mát khuôn, kết cấu khuôn cũng như bảo dưỡng khuôn.
2.2.1. Chuẩn bị nguyên vật liệu
Sấy nguyên liệu là công việc làm khô (không còn độ ẩm) hạt nhựa, trước khi đưa vào nòng của máy ép. Có một số nhựa loại nhựa ít hút ẩm như PP, PE,... thì có thể không cần sấy trước khi sử dụng. Các loại nguyên liệu có độ hút ẩm cao cần được sấy để thoát hơi ẩm của hạt nhựa trước khi thực hiện quá trình làm nóng chảy nhựa để ép phun. Nguyên liệu còn tồn hơi ẩm sẽ ảnh hưởng đến các lỗi ngoại quan của bề mặt sản phẩm. Nguyên liệu nhựa đưa vào nòng máy được qua 3 vùng: Vùng cấp liệu cho trục vít để tải, vùng chuyển hóa từ hạt nguyên liệu hạt rắn sang lỏng, vùng định lượng nhựa lỏng để ép phun đủ vào lòng khuôn. Khi hơi ẩm tồn tại trong nguyên liệu nhựa, nó bị nóng và tạo thành bóng khí lẫn trong nhựa lỏng. Bóng khí này sẽ vỡ tung khi nhựa lỏng được phun vào lòng khuôn tạo thành các lỗi bong tia, có màu ánh bạc (silver) trên bề mặt sản phẩm. Tùy theo điều kiện môi trường ở từng vị trí địa lý hay khu vực lưu trữ hạt nhựa thì độ ẩm trong nguyên liệu nhựa sẽ khác nhau.
2.2.2. Thông số quá trình ép phun nhựa
Để hình thành được linh kiện sản phẩm của công nghệ ép phun có chất lượng tốt, nhiều tác động chính đến quá trình tạo sản phẩm trên máy ép là nhiệt độ phun, tốc độ phun, áp suất phun và các vị trí hành trình của chúng.
a. Nhiệt độ nung nhựa:
Trong giai đoạn nung chảy nguyên liệu, nhiệt độ nung chảy nhựa sẽ được thiết lập cho nòng tải nhựa suốt từ miệng phễu cấp nguyên liệu vào nòng đến miệng phun nhựa lỏng vào lòng khuôn. Thông thường, nòng nung nhựa được chia làm 3 vùng: Vùng cấp liệu, vùng chuyển hóa từ rắn sang lỏng và vùng định lượng để phun vào khuôn và thường được phân thành 4 đến 5 đoạn. Tùy thuộc vào nhiệt độ nóng chảy của mỗi loại nguyên liệu nhựa theo thông số kỹ thuật sẽ thiết lập nhiệt độ phù hợp cho từng đoạn nhằm tránh hiện tượng nhựa bị cháy vì nhiệt quá cao hoặc không thể phun được vì nhiệt độ cài đặt quá thấp. Một số sản phẩm được thiết kế có điện trở bên trong khuôn (hot runner) để dòng nhựa phun được dễ dàng hoặc loại bỏ phần rãnh dẫn nhựa hay cuốn phun nhằm giảm lượng nguyên liệu tiêu thụ. Mặc dù nhiệt độ được cài đặt phân cho từng vùng trên nòng nhựa, chúng vẫn có sự ảnh hưởng truyền nhiệt qua lại giữa các vùng.
Ở giai đoạn phun nhựa, nhiệt độ của nhựa lỏng thay đổi trong suốt quá trình từ miệng phun của nòng máy ép cho đến điểm cuối cùng của lòng khuôn do quá trình truyền nhiệt giữa nhựa lỏng và khuôn. Một phần mất nhiệt do trở lực dòng chảy nhựa trong khuôn bởi kết cấu có các vách ngăn, ngõ ngách, góc chuyển hướng của khuôn. Yếu tố nhiệt độ tác động lớn đến khả năng phun nhựa vào khuôn cũng như chu kỳ tạo sản phẩm. Điều này, tạo các lỗi bề mặt ngoại quan của sản phẩm nhựa như vết không điền đầy, vết bóng, vết mờ, vết hàn trên bề mặt, vết dòng nhựa chảy, màu sắc của sản phẩm,… Hơn nữa, nó cũng ảnh hưởng đến kích thước của sản phẩm.
b. Tốc độ phun nhựa:
Tốc độ phun nhựa quyết định đến khả năng điền đầy nhựa lỏng vào lòng khuôn. Tốc độ khuôn ảnh hưởng rất lớn đến lỗi bề mặt vùng xung quanh cổng phun, vùng giao nhau giữa các dòng nhựa chảy, các khe hở lòng khuôn nhỏ, các vùng cuối cùng của dòng nhựa chảy đến của lòng khuôn. Bề mặt ngoại quan phụ thuộc nhiều vào tốc độ phun nhựa như tạo vết quầng, vết phun tia tại vùng gần cổng phun, bọt khí, sản phẩm bị biến màu, sản phẩm bị co rút, cong vênh, nổi bóng hoặc mờ bề mặt,…
Các vùng tập trung bọt khí thường xảy ra ở nơi điền đầy nhựa cuối cùng của lòng khuôn hoặc nơi dòng chảy bị thay đổi đột ngột hay bị gờ cản, dễ tạo khuyết tật của sản phẩm nhựa tại các điểm này. Vì vậy, khuôn thiết kế cần được bố trí vị trí, kích thước khe hở thoát khí, vị trí cổng phun phù hợp. Mặt khác, tốc độ phun quá cao cũng làm cho khí dồn và thoát không kịp cũng gây ra hiện tượng sản phẩm bị khuyết tật do không khí chiếm chỗ. Hơn nữa, sản phẩm sẽ bị biến dạng khác nhau tại các vùng khác nhau của lòng khuôn. Do vậy, cần thiết lập các tốc độ phun riêng biệt phù hợp cho từng vùng khác nhau của sản phẩm. Khi phun với tốc độ cao, sản phẩm sẽ bị lỗi ba-via nếu lực ép khuôn của máy ép nhựa không đủ lớn, nhựa qua cổng phun sẽ dễ xuất hiện hiện tượng phun tia, tạo dòng chảy rối làm cho bề mặt sản phẩm gần cổng phun xấu. Tuy nhiên, với sản phẩm có thành mỏng, nhiệt độ nhựa sẽ bị nguội nhanh do truyền nhiệt qua bề mặt lòng khuôn, dễ xảy ra hiện tượng sản phẩm bị khuyết tật do không điền đầy, cần phải phun tốc độ cao.
c. Áp suất phun nhựa:
Áp suất phun là thông số rất quan trọng trong quá trình ép phun nhựa. Sự ổn định kích thước và cơ tính của sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thông số này. Việc xác định áp suất khuôn hợp lý giúp kiểm soát được sự ổn định chất lượng sản phẩm cũng như hoạt động tạo sản phẩm. Áp suất phun bao gồm áp suất nén và áp suất duy trì (giữ áp). Áp suất nén là áp suất tăng lên trong khuôn sau khi lòng khuôn được điền đầy nhựa, ảnh hưởng đến tổng lượng nguyên liệu nhựa được ép vào trong khuôn. Lượng nhựa được nén vào trong khuôn sẽ bù vào sự co ngót trong quá trình làm nguội sản phẩm trong lòng khuôn. Khối lượng sản phẩm phụ thuộc vào áp suất nén. Áp suất duy trì là áp suất trong giai đoạn giữ áp sau khi áp suất nén đạt cực đại với một khoảng thời gian được gọi là thời gian duy trì áp. Thời gian duy trì áp này tính từ lúc áp suất nén đạt cực đại đến khi cổng phun đông đặc.
Tương tự như vận tốc phun nhựa, áp suất phun nhựa cũng bị tổn thất một phần do sự trở lực của các gờ vấu, vách cong, rãnh dẫn nhựa trong lòng khuôn và ma sát với lòng khuôn, nhựa lỏng chảy truyền nhiệt cho lòng khuôn làm giảm tốc độ của dòng nhựa chảy. Do vậy, dòng chảy nhựa đến các các vùng trên sản phẩm sẽ co ngót không đều làm ảnh hưởng đến kích thước của sản phẩm sau khi ép ra.
d. Các vị trí phân giai đoạn trong quá trình ép phun:
Để sản phẩm ép phun đạt chất lượng tốt, trong quá trình ép phun một chu kỳ sản phẩm thường chia ra nhiều giai đoạn về áp suất phun, tốc độ phun và thời gian phun để quản lý. Chẳng hạn:
Giai đoạn rãnh dẫn: Dùng tốc độ phun thấp, áp suất phun trung bình.
Giai đoạn ép phun tạo sản phẩm: Sử dụng tốc độ phun cao, áp suất phun trung bình, làm cho khuôn đầy đến 90% và ổn định kích thước sản phẩm.
Giai đoạn điền đầy khuôn: Sử dụng tốc độ phun trung bình, áp suất phun cao, tạo vẻ đẹp cho ngoại quan sản phẩm.
Giai đoạn cuối cùng: Sử dụng áp suất duy trì nhằm tránh hiện tượng co ngót sản phẩm.
Ngoài ra, các yếu tố về vị trí hành trình, tốc độ và thời gian trễ trong các hoạt động đóng mở khuôn, ty đẩy thoát sản phẩm, tay lấy sản phẩm… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm trong quá trình ép phun nhựa nhiệt dẻo.
e. Nhiệt độ khuôn:
Tùy theo thông số kỹ thuật của mỗi loại nguyên liệu nhựa nên nhiệt độ khuôn trong quá trình ép phun có sự khác nhau. Nhiệt độ khuôn được thiết lập và duy trì ở một mức độ phù hợp cho nhựa được điền đầy và làm nguội sản phẩm sau khi phun để hoàn thành sự kết tinh sản phẩm, đồng thời đảm bảo được sự đồng nhất của kích thước sản phẩm. Nhiệt độ khuôn không đủ nóng khiến cho sản phẩm bị làm lạnh sớm ngay trong khuôn dẫn đến tình trạng khuôn không điền đầy, hiện tượng kết tinh kém làm cho tính chịu nhiệt của sản phẩm bị hạ thấp hoặc biến hình. Nhiệt độ khuôn không đủ mát làm cho sản phẩm không kịp nguội khiến sản phẩm bị co ngót hoặc biến dạng cong vênh.
2.2.3. Thiết kế khuôn:
Kết cấu thiết kế khuôn, tính toán độ co ngót của nguyên liệu nhựa sử dụng, độ chính xác kích thước khi chế tạo cũng như vật liệu chế tạo khuôn ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của vận hành khuôn. Vì thế, nó cũng ảnh hưởng lớn đến lỗi ngoại quan và kích thước sản phẩm khi ép phun.
3. Cách khắc phục lỗi sản phẩm ép phun nhựa nhiệt dẻo
Thông qua các công đoạn của quá trình ép phun nhựa nhiệt dẻo (Hình 1) và các yếu tố liên quan như độ phức tạp sản phẩm cũng như kết cấu thiết kế của khuôn, việc kiểm tra và điều chỉnh khắc phục lỗi sản phẩm ép phun nhựa nhiệt dẻo cần được thực hiện theo trình tự ưu tiên đã được tổng hợp theo Bảng 1.
Bảng 1. Trình tự các hành động khắc phục lỗi sản phẩm ép phun nhựa nhiệt dẻo
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế lỗi sản phẩm phát sinh trong quá trình vận hành khuôn cũng như sự tối ưu hóa cơ cấu hoạt động của khuôn, các nhà làm khuôn thường sử dụng các phần mềm hỗ trợ chuyên dùng SolidWorks Flow Simulation, CAE (Computer-Aided Engineering), Autodesk Moldflow, Sigmasoft, Moldex3D,… để mô phỏng hoạt động của kết cấu khuôn, mô phỏng dòng chảy nguyên liệu ép phun và các lỗi tiềm ẩn của sản phẩm trước khi thực hiện chế tạo khuôn nhằm tối ưu hóa việc thiết kế khuôn ngay từ đầu.
4. Kết luận
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ngoại quan của sản phẩm ép phun nhựa nhiệt dẻo từ khuôn mẫu được thiết kế để ép phun, các thông số vận hành máy ép phun và kể cả các hành động phụ trợ liên quan khác như vật liệu nhiễm bẩn, tỷ lệ nhựa tái sinh sử dụng, vệ sinh khuôn,… Việc thực hiện khắc phục lỗi sản phẩm theo trình tự được tổng hợp (Bảng 1) nhằm giảm thiểu thời gian cải tiến lỗi cũng như giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm cho chất lượng linh kiện sản phẩm nhựa trong quá trình ép phun nhựa nhiệt dẻo. Bên cạnh đó, tối ưu hóa trong thiết kế và chế tạo khuôn mẫu thông qua các phần mềm mô phỏng hỗ trợ để dự đoán các yếu tố tác động đến nhằm giảm thiểu thời gian thiết kế khuôn, rút ngắn được thời gian cũng như chi phí trong việc chế tạo khuôn mẫu và thử nghiệm khuôn đưa vào vận hành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Tạ Việt Phương (2019), Báo cáo ngành Nhựa - Tháng 8/2019, Bloomberg - FPTS <GO>.
- Diego A. M. & André L. N. (2019). Simulation of an Injection Process Using =a CAE Tool: Assessment of Operational Conditions of Mold Design on the Process Efficiency. Material Research, 22(2): e20180564. https://doi.org/10.1590/1980-5373-mr-2018-0564.
- Ivan M., et. al., (2012). A CAD/CAE - Intergrate Injection Mold Design System for Plastic Products. Int J Adv Manuf Technol, 63, 595-607.
- Manmit S., et. al. (2015). Injection Molding Methods Design, Optimization, Simulation of Plastic Toy Building Block by Flow Analysis. International Journal of Mechanical Engineering & Technology (IAEME), 6(6), 33-42.
- Pankaj B. & Avinash N.T. (2016). Productivity Improvement by Root Causes Analysis in Manufacturing Industry. International Journal for Scientific Research & Development (IJSRD), 4(4), 36-42.
- Rizwan M.K. & Gaurav A. (2016). Plastic Injection Molding Process and Its Aspects for Quality: A Review. European Journal of Advances in Engineering and Technology, 3(4): 66-70.
- Vyacheslav L., et. al. (2018). Defects of casting plastic products: Causes, recurrence, synthesis and ways of elimination. International Journal of Modern Engineering Research (IJMER), 8(2), 1-11.
- Zhou Ye. (2018). Resesearch of Design and Optimization for Injection Mold. Advances in Computer Science Research (ACSR), 83, 341-344.
FACTORS AFFECTING THE QUALITY
OF THERMOPLASTIC INJECTION MOLDING PRODUCTS
• Ph.D TRAN DINH AN
Nguyen Tat Thanh University
ABSTRACT:
With the strong development of the plastic industry, thermoplastic injection technology makes the majority of plastic components from machinery equipment, tools to furnitures in many fields. However, the quality of these plastic injection molding components depends on many factors during the production process. Based on the principles of plastic injection molding and the author’s years of experience in using thermoplastic injection machines of Japanese brands such as Toshiba, Mitsubishi, SJW and Sumitomo, this paper summarizes the core factors that affect quality of thermoplastic products and the process to address defective products during the production of plastic components wiith the thermoplastic injection molding technology.
Keywords: Technology, plastic injection molding, machinery, raw materials, thermoplastic.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 9 năm 2020]