Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch đã thể hiện lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng tiềm
tàng đối với ngành công nghiệp thực phẩm Đan Mạch từ việc Nga cấm và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng
nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm.
Điều này có thể khiến thu nhập từ xuất khẩu nông sản của Đan Mạch bị giảm. Hội trên cũng cho biết
sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ để triển khai những bước đi tiếp theo. Theo số liệu thống kê của
Đan Mạch, xuất khẩu của nước này sang Nga trong năm 2013 đạt 2,14 tỷ USD, trong đó ngành nông
nghiệp chiếm 41%.
Trong khi đó, Hy Lạp không chỉ lo ngại hoạt động xuất khẩu rau quả sang Nga bị ảnh hưởng, mà cả
nguy cơ thiếu phụ tùng cho các hệ thống vũ khí của Nga mà quân đội Hy Lạp đang sử dụng, cũng như
việc cung cấp dầu mỏ.
Chiều 6/8, Bộ Phát triển nông thôn và Lương thực Hy Lạp đã họp khẩn với sự tham gia của quan chức
Bộ Ngoại giao để thảo luận vấn đề này.
Ngày 7/8, tại Bộ Ngoại giao nước này cũng diễn ra cuộc họp với sự tham dự của các hiệp hội xuất
khẩu và ngành nghề để tìm kiếm giải pháp đối phó với tác động trực tiếp từ những lệnh cấm của Nga,
trong đó ưu tiên sẽ sử dụng con đường ngoại giao.
Về phía Hà Lan, trong một tuyên bố ngày 6/8, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp và Làm vườn Albert Yan
Maat cũng bày tỏ quan ngại rằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối
với nền kinh tế của Amsterdam.
Ông nhấn mạnh Hà Lan là nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn thứ hai thế giới và Nga là một
đối tác rất quan trọng của Amsterdam. Vì vậy, ông cho rằng không thể coi thường những hậu quả có
thể xảy ra từ các lệnh cấm trên của Moskva, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ
sản phẩm, mà còn tác động đến giá cả ở thị trường châu Âu.
Theo số liệu thống kê của Hà Lan, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ nông nghiệp của
Amsterdam trong năm 2013 đạt 78 tỷ euro, trong đó xuất khẩu vào Nga là 1,5 tỷ euro.
Trước đó, ngày 6/8, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh "Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng
rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga". Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính quyền trung ương thực
thi những biện pháp liên quan, theo đó trong thời gian một năm kể từ ngày sắc lệnh trên có hiệu
lực, phải cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực
thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các pháp nhân và thể
nhân của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này.
Chính phủ Nga được giao nhiệm vụ soạn thảo danh sách các mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương
thực thực phẩm nằm trong danh sách cấm hoặc hạn chế nhập khẩu trên.
EU là đối tác thương mại hàng đầu của Nga với kim ngạch xuất khẩu lương thực của EU vào Nga trong
năm 2013 đạt 7,4 tỷ USD. Xuất khẩu lương thực của các nước còn lại, tham gia áp đặt hoặc ủng hộ các
lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, hiện ở mức khiêm tốn hơn, trong đó Mỹ với 713 triệu USD, Canada - 398
triệu USD, Australia - 241 triệu USD và Nhật Bản - 6,7 triệu USD./.