“Chảy máu chất xám” kiểu mới

Trước đây, thế giới từng choáng váng về nạn “chảy máu chất xám” ở Nhật: các kỹ sư lành nghề bị các công ty của Đài Loan, Trung Quốc dùng chính sách hấp dẫn thu hút. Nhưng không chỉ ở Nhật, “chảy máu c

Từ quan điểm của một người Nhật nhìn về nước Nhật

Chuyện các kỹ sư người Nhật bị thu hút bởi các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, mới nghe thì thấy thật khó tin, khi mà mức lương trung bình của Nhật cao hơn Đài Loan, Trung Quốc rất nhiều. Nhưng ông Kojima Akira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đã nói về vấn đề này trên Báo Nikkei.

Báo NewYork Times từng bình luận rằng: "Kỹ sư là mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Nhật". Báo này nhấn mạnh: Những năm gần đây, mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Nhật Bản không phải là video game, cũng không phải là xe hơi thân thiện với môi trường mà chính là kỹ sư lành nghề. Ngành điện tử, niềm tự hào của Nhật, phải cắt giảm nhân công, tái cơ cấu để có thể sống sót trước xu hướng toàn cầu hóa và môi trường cạnh tranh khốc liệt. Hậu quả là tạo nên một nguy cơ: chảy máu chất xám.

Đúng là gần đây, chuyện kỹ sư Nhật chuyển sang làm việc cho công ty nước ngoài đã thu hút nhiều sự chú ý ở Nhật Bản, thậm chí có cả chương trình trên tivi về vấn đề này. Đơn cử một ví dụ: Một buổi giao lưu giữa các công ty Trung Quốc và các kỹ sư Nhật được tổ chức tại một thành phố ở Trung Quốc, thu hút đến vài trăm kỹ sư người Nhật tham gia. Tại đó, đã có những bản hợp đồng lao động với mức lương hằng năm lên đến hàng chục triệu Yên (10 triệu Yên tương đương với khoảng 85.000 USD) được ký kết.

Trong hoàn cảnh kinh tế Nhật Bản lâm vào sự trì trệ, cộng với sự khốc liệt của toàn cầu hóa, nhiều công ty của Nhật Bản đã đẩy mạnh tái cơ cấu, cắt giảm biên chế. Kết quả là nhiều kỹ sư bị mất việc, môi trường thuê tuyển nhân công cũng có nhiều thay đổi. Quan điểm người lao động "kết hôn" với công ty (cả đời gắn bó với công ty) cũng dần bị thay đổi, công ty không còn đảm bảo việc làm suốt đời cho người lao động. Ngày nay, ở lứa tuổi 40 vẫn "bị vỗ vai" (buộc cho thôi việc) là chuyện bình thường.

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, nhân tài cũng không tránh khỏi dòng chảy này. Các quốc gia đều có xu hướng chiêu dụ nhân tài của các nước khác. Ở những nơi như Silicon Valley (thung lũng Silicon) trên đất Mỹ, các chuyên gia công nghệ thông tin người Trung Quốc hay Ấn Độ được biết đến nhiều. Nhưng không chỉ có vậy, các công ty Mỹ còn mở các trung tâm nghiên cứu tại nước ngoài, thu hút nhân tài tại bản địa. Ví dụ như trong ngành công nghệ thông tin, kỹ sư người Ấn Độ được đặc biệt chú ý. Đã có hàng triệu kỹ sư Ấn Độ được thuê làm việc cho các chi nhánh của các công ty Mỹ tại bản địa. Không chỉ có Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng đang tích cực chiêu dụ nhân tài của Ấn Độ.

Chảy máu tại chỗ

Thế nhưng câu chuyện chảy máu chất xám chủ yếu với đối tượng là kỹ sư ở Nhật dường như đã trở nên lỗi mốt bởi những “tình tiết” mới trong sự chia rẽ kiểu mới của thế giới việc làm. Nguyên nhân là bởi sự tiến bộ của công nghệ thông tin.

Đầu tiên, sự gia tăng máy móc thông minh sẽ khiến nhiều công nhân có nguy cơ mất việc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả những người ở mức kỹ năng cao hơn, như kiểm toán, kỹ thuật viên siêu âm, nghiên cứu viên... các dạng công việc mà máy tính có thể cạnh tranh. Kỹ thuật công nghệ sẽ giúp bác sĩ hay giáo sư làm việc năng suất hơn và khiến những người khác trở nên thừa thãi.

Thứ hai, nhờ kỹ thuật số, các doanh nghiệp có thể biến ý tưởng thành các thương hiệu đem lại giá trị lợi nhuận khổng lồ chỉ với ít nhân công. Facebook đầu năm nay mua lại Oculus VR, một hãng sản xuất mắt kính đặc biệt chỉ có 75 nhân viên, với giá 2 tỉ đô la. Các công ty công nghệ khổng lồ của thế kỷ như Google và Facebook cũng có ít hơn 50.000 nhân viên. Sự dịch chuyển việc làm cũng diễn ra khá rõ ở các nền kinh tế mới nổi. Foxconn, từ lâu là biểu tượng kinh tế công xưởng của Trung Quốc, từng tuyển 1,5 triệu công nhân sản xuất hàng điện tử cho thị trường phương Tây. Nay, do giá nhân công tăng và giá sản xuất tự động giảm, Foxconn đang dần thay thế công nhân bằng robot. Tương lai của Trung Quốc sẽ giống như Alibaba - một công ty thương mại điện tử vừa làm bùng nổ thị trường chứng khoán New York chỉ với 20.000 nhân viên.

Cuộc chuyển giao kỹ thuật số dường như cũng đang ngấm ngầm can thiệp vào tiến trình phát triển theo lối cũ của các nước nghèo. Con đường từ xóa mù chữ để thoát ly đồng ruộng vào nhà máy khó khăn hơn nhiều. Ở Ấn Độ, theo chân Trung Quốc, lẽ ra cần nhiều các kỹ sư và người quản lý có kỹ năng để xây dựng các nhà máy và tuyển dụng hàng triệu công nhân sản xuất. Nhưng nay nhóm tinh hoa nước này đang kiếm lương cao từ dịch vụ công nghệ thông tin cho các nước giàu. Cách mạng kỹ thuật số đã khiến cách mạng công nghiệp không còn kinh tế nữa.

Làm gì để xóa khoảng cách?

Dĩ nhiên, không thể quên rằng, cách mạng kỹ thuật số làm cuộc sống hàng tỉ người tốt hơn mặc dù sự cách biệt ngày càng lớn giữa nhóm tinh hoa có kỹ năng và những công nhân bình thường là rất đáng lo ngại. Vậy phải làm gì để xóa bớt khoảng cách?

Câu trả lời không nằm ở các quy định hay thể chế. Nếu tăng lương tối thiểu, sẽ càng làm cho quá trình thay thế công nhân bằng máy móc diễn ra nhanh hơn. Nếu áp đặt thêm thuế, sẽ chỉ càng làm nhụt chí doanh nghiệp và không khuyến khích được kỹ năng và tài năng mà thời đại kỹ thuật số luôn cần đến. Điều tốt nhất mà các chính quyền cần làm là gia tăng năng suất và tạo cơ hội việc làm cho nhóm ít kỹ năng. Nghĩa là bỏ bớt những quy định không khuyến khích tuyển dụng, chính sách nhà ở hay đầu tư nhiều hơn vào giao thông, giúp nhiều người có thể đến làm việc ở các thành phố năng suất cao như Mumbai hay London.

Và phải tăng cường giáo dục. Trong tương lai, giáo dục không phải chỉ dành cho lớp trẻ, người lớn cũng cần học suốt cuộc đời để bắt kịp với thay đổi của kỹ thuật. Tại Mỹ, nước đã làm nên sức mạnh nền kinh tế của mình nhờ thặng dư từ sáng tạo và giáo dục, đang có nhiều chiến dịch khuyến khích càng nhiều trẻ con và học sinh tiếp xúc với kỹ thuật, máy tính, lập trình càng sớm càng tốt, đào tạo một lớp trẻ có khả năng suy luận sắc bén, nắm vững được các khái niệm tổng quát, các kỹ năng nhận thức và phân tích, diễn đạt... hơn là chỉ giải được toán theo công thức. Nghĩa là tập trung vào những kỹ năng khác hẳn những công việc mà máy móc có thể làm được.

Vào thế kỷ 19, phải mất gần 100 năm các chính quyền mới đầu tư vào giáo dục để công nhân có thể hưởng lợi từ cách mạng công nghiệp. Với cách mạng kỹ thuật số, cũng cần một chuyển động mạnh như thế, nhưng phải nhanh hơn rất nhiều. Nếu không, những cuộc “chảy máu chất xám” kiểu mới sẽ tiếp tục diễn ra, cho dù có vẻ đơn giản hơn kiểu của nước Nhật, song chứa đựng rất nhiều thiệt thòi cho các nước nghèo.