Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP

Bình ổn giá và kiểm soát thị trường là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011. Qua đó, Hà Tĩnh đã thu được một số kết

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 15,56% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó lương thực thực phẩm tăng 25,89%, hàng phi lương thực thực phẩm tăng 9,79% và hàng ăn uống, dịch vụ tăng 26,11%. Việc thị trường giá cả tăng mạnh là do tỷ giá ngoại tệ biến động bất thường; lãi suất tín dụng, giá xăng dầu, điện, than tăng lên ….Từ đó, kéo theo chi phí đầu vào, đẩy giá cả hàng hóa dịch vụ tăng theo. Sự biến động này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng .

Thực hiện Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Hà Tĩnh cũng đã ban hành nhiều quyết định, chương trình hành động với các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá trên địa bàn Hà Tĩnh. Trước hết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về công tác bình ổn giá và tránh hiện tượng đổ xô mua hàng, găm hàng, đẩy giá cả tăng đột biến. Mặt khác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân.

Ngoài việc hỗ trợ về giống, vật tư giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, Tỉnh còn hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp với mức cao nhất, vì vậy hàng hóa bình ổn được các doanh nghiệp triển khai khắp cả Tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức bán hàng lưu động tại một số huyện thị trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, riêng Siêu thị Coop Mart đã triển khai bán hàng lưu động hơn 12 chuyến hàng hóa tại các huyện Vũ Quang, Lộc Hà, Hương Khê, Can Lộc, Nghi Xuân. Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về với bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để họ có cơ hội dụng hàng Việt chất lượng đảm bảo, được hỗ trợ về giá hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian qua được các ngành chức năng tập trung tăng cường. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý gần 200 trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá, đồng thời xử lý tịch thu nhiều vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu như thuốc lá, nước giải khát, hoa quả, gạo. Đặc biệt Chi cục đã xử lý hơn 33 vụ về kinh doanh hàng giả, hàng quá hạn sử dụng và vi phạm về nhãn mác hàng hóa. Ông Trần Hữu Hạnh– Phó Chi cục trưởng cho rằng, việc tăng cường công tác kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh được nhiều vi phạm trong việc thực hiện niêm yết giá, kê khai, đăng ký giá của các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần bình ổn thị trường giá cả, tạo điều kiện SX - KD phát triển.

Nhìn chung những giải pháp trên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc bình ổn giá và kiểm soát thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay giá cả các mặt hàng thuộc yếu tố đầu vào liên tục tăng, lãi vay ngân hàng vẫn đứng ở mức cao; các tư thương còn ngại đăng ký, niêm yết và bán theo giá niêm yết gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh tăng giá hàng hóa dịch vụ không hợp lý gây bất ổn thị trường như nhà hàng, nhà trọ cho thuê, giá vận chuyển hàng khách đường dài. Ngoài ra, hoạt động buôn lậu sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi rất khó kiểm soát do lực lượng chức năng quá mỏng; việc đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng tái định cư chưa được thường xuyên vì vậy hàng ngoại vẫn chiếm một thị phần không nhỏ trong đời sống người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh thì thời gian từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục chú trọng giải pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Theo đó, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường nội địa. Đặc biệt, kiểm tra chặt chẽ, chính xác chi phí đầu vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ để ngăn chặn việc tự ý tăng giá, đảm bảo chất lượng hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn thị trường. Ngoài ra, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình bình ổn giá để được hỗ trợ lãi suất vay vốn dự trữ hàng hóa, giống, phân bón trong những tháng tới. Mặt khác, chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức nhiều chuyến hàng về nông thôn và bán hàng khuyến mại, giảm giá tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và những vùng khó khăn khác nhằm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu cho bà con nông dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống dân sinh trên địa bàn.