Những bài học thiết thực
Trước một thực tế là rất nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài nhưng gần như không mang thương hiệu của một doanh nghiệp, địa phương nào. Từ con cá tra cho tới quả vải thiều, từ hạt gạo cho tới quả thanh long... đều dưới tên gọi “sản phẩm của Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại) nhận định: “Chúng ta rất khó có được ngay các thương hiệu lớn tầm quốc gia như Nokia hay Samsung..., nên bước đầu phải gắn kết các địa phương, vùng miền với thương hiệu quốc gia. Đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý quốc tế để khẳng định thương hiệu, giá trị hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc là bài học chung cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông nghiệp. Từ chỗ là sản phẩm nhỏ lẻ, phân tán tại địa phương, vì lợi nhuận, đã không ít hộ pha chế thêm các loại các phụ gia tạo ra sản phẩm kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng. Chưa kể việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường khu vực hay khó khăn về nguồn nguyên liệu, quá trình vận hành, sản xuất... dẫn đến giá trị sản phẩm thấp, không có chỗ đứng trên thị trường.
Nhưng từ sau khi xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đến nay, nước mắm Phú Quốc đã trở thành sản phẩm đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu, thông qua việc xây dựng, thí điểm các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ vận hành, các quy trình sản xuất, chế biến; mở các khóa đào tạo, tập huấn các kiến thức về chỉ dẫn địa lý, tập trung giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Trước đây, khi chưa xây dựng thương hiệu, gạo Điện Biên chỉ tồn tại, phổ biến tại địa phương và các tỉnh vùng Tây Bắc. Mặc dù chất lượng gạo tốt, mẫu mã đẹp nhưng giá trị sản phẩm luôn thấp, luôn bị lẫn với các sản phẩm gạo khác. Từ khi xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, giá trị của sản phẩm gạo Điện Biên tăng 50% so với thời điểm năm 2009. Hiện nay, cánh đồng Mường Thanh có trên 95% diện tích được gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/ha, với sản lượng khoảng 25 nghìn tấn gạo hàng hóa mỗi năm, trong đó chủ yếu là gạo chất lượng cao cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo tạo điều kiện mở rộng và tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường quốc tế.
Công cụ đặc thù
Trong nền kinh tế hội nhập thế giới, việc bảo hộ, đăng ký chỉ dẫn địa lý quốc tế đòi hỏi chúng ta cần có sự chuẩn bị, thích ứng đầy đủ và phù hợp nhằm phát huy những lợi thế, hạn chế những khó khăn, chủ động tham gia tích cực và hiệu quả vào thị trường, xây dựng sự bền vững trong sản xuất và thương mại nông sản
Ông Lưu Đức Thanh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, EU đồng ý bảo hộ 39/41 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đề xuất. Việc các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện giúp người dân, các địa phương, các hiệp hội làng nghề cũng như nhà sản xuất tiếp cận với các quy định tại EVFTA dễ dàng hơn”.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường, mức độ cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Sản phẩm Việt Nam phải cạnh tranh ngay cả trên sân nhà đối với sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải trở thành một công cụ đặc thù, khác biệt trên thị trường nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý và thương mại, ông Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, để phát huy được hiệu quả của chỉ dẫn địa lý trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần phải tập trung vào việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, khai thác chỉ dẫn để phát triển thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, cần tập trung tổ chức sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đưa sản phẩm ra thị trường để người tiêu dùng có thể tiếp cận đối với chỉ dẫn địa lý...
Việc đăng ký chỉ dẫn quốc tế, không những giúp các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt tránh được những gian lận thương mại; đảm bảo các sản phẩm có tính chất đặc thù của địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia; tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các FTA, ông Thanh nhận định.