Tổng quan về Chỉ dẫn địa lý
Định nghĩa về chỉ dẫn địa lý lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 2 của Hiệp ước Lisbon 1958 đã được sửa đổi năm 1967 và 1979, theo đó: “Chỉ dẫn địa lý là tên địa lý của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm, mà chất lượng và những đặc tính của nó dựa trên các điều kiện môi trường địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”.
Nhu cầu bảo hộ đối với các sản phẩm có chất lượng đặc thù của các quốc gia trên thế giới không ngừng tăng. Thương mại quốc tế phát triển khiến cho việc làm hàng nhái, hàng giả các sản phẩm nổi tiếng càng trở nên phổ biến. Điều này làm nảy sinh nhu cầu cần có những quy định cụ thể mang tính quốc tế nhằm bảo hộ đối tượng đặc biệt này.
Khái niệm chỉ dẫn địa lý được pháp điển hóa thông qua các vòng đàm phán đa phương trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới thông qua Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS).
Hiệp định TRIPS được coi là văn bản pháp lý về sở hữu trí tuệ toàn diện nhất với các quy định cụ thể về chỉ dẫn địa lý như sau: “Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên hoặc từ một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý này mang lại”.
Theo định nghĩa này thì một sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý là sản phẩm phải có ba điều kiện:
Thứ nhất, các chỉ dẫn này có thể là dấu hiệu bất kỳ (từ ngữ, hình ảnh) miễn là qua đó có thể chỉ ra được hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ bắt nguồn từ lãnh thổ của quốc gia nào hoặc thuộc khu vực địa phương nào của lãnh thổ quốc gia đó. Tuy nhiên dấu hiệu trên hàng hóa phải liên quan đến một quốc gia cụ thể hoặc một địa phương, khu vực của một quốc gia cụ thể đến mức qua dấu hiệu người tiêu dùng biết được hàng hóa bắt nguồn từ đâu.
Thứ hai, hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc từ quốc gia hoặc từ khu vực địa phương mà hàng hóa đó được xác định mang chỉ dẫn địa lý.
Thứ ba, hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý phải có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do quốc gia hay khu vực địa phương đã được chỉ dẫn là nơi hàng hóa bắt nguồn quy định.
Thuật ngữ “địa lý” được dùng ở đây với một nghĩa rộng, “địa lý” không chỉ với nghĩa phạm vi, khu vực hay một vùng của lãnh thổ, mà còn thể hiện yếu tố hành chính, kinh tế và văn hóa của vùng địa lý đó.
Điều đó có nghĩa “chỉ dẫn địa lý” theo cách hiểu của Hiệp định TRIPS không nhất thiết là một tên gọi. Chỉ dẫn địa lý còn có thể là những dấu hiệu, ký hiệu hoặc những từ ngữ khác với tên gọi địa lý, miễn là chúng thể hiện được mối liên hệ giữa sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ. Những dấu hiệu, ký hiệu hoặc những từ ngữ ấy tuy không là tên gọi địa lý của một khu vực hay một địa phương nhưng chúng lại có khả năng làm cho khách hàng gắn kết với đặc điểm riêng biệt của hàng hóa. Chẳng hạn như hình tháp Eiffel chỉ những sản phẩm có nguồn gốc từ Paris (Pháp), hay hình ảnh con Kangaroo chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ Australia.
Như vậy, chỉ dẫn địa lý có những quy định chặt chẽ hơn chỉ dẫn nguồn gốc nhưng không quá ràng buộc như tên gọi xuất xứ. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Mặc dù Việt Nam là thành viên của Công ước Paris 1883 từ năm 1949 nhưng cho đến năm 1995, những quy định đầu tiên về tên gọi xuất xứ mới được chính thức đưa vào Điều 786 Bộ luật Dân sự 1995, theo tinh thần của Công ước Paris như sau: “Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó”.
Năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời và đến năm 2009 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và bổ sung đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn hơn về chỉ dẫn địa lý và những đặc trưng của chỉ dẫn địa lý được đưa vào phần quy định về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý chứ không gộp trong định nghĩa như trong Nghị định 54/2000/NĐ-CP.
Năm 2019, luật Sở hữu trí tuệ tiếp tục được sửa đổi và bổ sung theo Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019 và Luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019 vẫn giữ nguyên định nghĩa về chỉ dẫn địa lý của các văn bản luật trước đây: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã định nghĩa lại và bổ sung khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm. Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đảo dấu hiệu pháp lý “nguồn gốc địa lý” lên trước “sản phẩm” có nguồn gốc địa lý đó. Theo đó, Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 nêu rõ “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể".
Theo đó, chỉ dẫn địa lý được hiểu là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Ví dụ: Gốm sứ Bát Tràng, nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch...
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng lần đầu bổ sung khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm (homonymous geographical indication) tại khoản 22a Điều 4 khi quy định rằng “Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau”.
Bên cạnh đó, Điều 88 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 quy định quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
Một số vấn đề liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý xuất hiện do nhu cầu của những người sản xuất muốn đánh dấu cho các sản phẩm của mình để nhằm phân biệt sản phẩm do họ sản xuất với sản phẩm đến từ những vùng khác. Càng ngày, các nhà sản xuất càng ý thức được vai trò quan trọng như một phương tiện xúc tiến thương mại, làm gia tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm, mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho người sử dụng chỉ dẫn địa lý, như tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khách hàng; sản phẩm bán chạy hơn và giá thành sản phẩm cũng cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại không được sản xuất ở khu vực địa lý đặc biệt đó. Người tiêu dùng cũng dựa vào những dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Có thể nói, được sử dụng những chỉ dẫn địa lý đã trở nên nổi tiếng là mong muốn của hầu hết các nhà sản xuất. Vì vậy, các chủ thể khác, vì mục đích lợi nhuận có thể sẵn sàng tìm mọi cách để lợi dụng danh tiếng, uy tín từ chỉ dẫn địa lý của người khác.
Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý bất hợp pháp không những có thể gây tổn hại đến uy tín và lợi ích của những người sản xuất ở khu vực địa lý đó mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua nhầm phải những hàng hóa không đúng nguồn gốc, làm mất lòng tin của công chúng vào những dấu hiệu vẫn giúp họ xác định nguồn gốc của sản phẩm. Uy tín sản phẩm càng cao thì nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý lại càng lớn. Đó là nhu cầu bảo vệ quyền được thông tin đúng sự thật của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa và nhu cầu bảo vệ thành quả đầu tư của những người sản xuất tại địa phương trong việc xây dựng uy tín cho sản phẩm.
Từ đó, một vấn đề đặt ra là nếu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền của con người sử dụng chỉ dẫn địa lý thì chưa đủ mà còn cần phải quy định các cơ chế hữu hiệu bao gồm những phương thức và biện pháp nhất định để có thể ngăn chặn và chống lại hành vi xâm phạm từ phía các chủ thể khác. Vì vậy, pháp luật các quốc gia bên cạnh việc quy định khung pháp lý trong việc xác lập và thực hiện quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý còn có những quy định bảo vệ chỉ dẫn địa lý chống lại hành vi xâm phạm và các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi này.
Thực tế, chỉ dẫn địa lý càng nổi tiếng càng có uy tín rộng rãi trên thị trường thì nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý càng lớn.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý được hiểu là: Nhà nước thông qua các quy định pháp luật quy định việc xác lập, công nhận và thực hiện quyền đối với chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể chống lại hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một nhu cầu tất yếu bởi khi pháp luật quy định quyền của người sản xuất kinh doanh đối với chỉ dẫn địa lý đồng thời, quyền đó cũng phải được pháp luật bảo vệ, những hành vi mang tính xâm phạm quyền từ các chủ thể khác phải được ngăn chặn một cách kịp thời, chính xác, đồng thời phải có chế tài để xử lý các hành vi này, vừa mang tính chất trừng phạt chủ thể vi phạm, vừa mang tính chất răn đe.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một quá trình dài và phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lớn. Nhà nước – chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là chủ thể thực hiện việc bảo hộ, thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan. Không chỉ đơn thuần là sử dụng các công cụ pháp luật nghiêm cấm và xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm cả việc tiến hành đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không còn chỉ bó hẹp trong pháp luật quốc gia mà nó trở thành vấn đề quốc tế được quy định trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương.
Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Các vấn đề liên quan đến điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý được quy định chi tiết tại các Điều 79, Điều 80 và Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022. Cụ thể:
Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định điều kiện chung bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý:
- Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
- Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.”
Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:
- Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;
- Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;
- Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;
- Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý như sau:
- Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.”.
Hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Bảo hộ chỉ dẫn bằng pháp luật riêng: Pháp là nước đầu tiên và điển hình trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng một luật riêng. Đây là nơi mà luật đầu tiên về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thông qua, trong đó quy định về một hình thức sở hữu công nghiệp đặc biệt đó là tên gọi xuất xứ hàng hóa. Nội dung bảo hộ một chỉ dẫn địa lý là chống việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý thương mại trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đó cho sản phẩm không đạt các chỉ tiêu pháp lý (không có nguồn gốc từ khu vực địa lý tương ứng không đạt các chỉ tiêu về sản phẩm hoặc các chỉ tiêu về quy trình sản xuất sản phẩm).
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng pháp luật về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: Nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận có thể dùng để bảo hộ từ những chỉ dẫn nguồn gốc đơn thuần đến chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ, kể cả những chỉ dẫn địa lý đã được xác lập các chỉ tiêu pháp lý. Cả hai hình thức bảo hộ này đặc biệt có ý nghĩa để các doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò của giới tư nhân. Tuy nhiên, cả hai hình thức bảo hộ này chỉ có hiệu quả trong một chừng mực nhất định vì chỉ có thể kiểm soát những người tự nguyện sử dụng các nhãn hiệu chứa chỉ dẫn địa lý mà không cấm những người không gia nhập tập thể và những người không chịu sự giám định, chứng nhận sản phẩm sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh: Chống cạnh tranh không lành mạnh có nội dung chống hành vi sử dụng các chỉ dẫn thương mại làm sai lệch nhận thức và thông tin về hàng hóa nhằm gây nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hóa, với điều kiện hành vi sử dụng đó gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh hoặc người tiêu dùng. Hình thức bảo hộ này chỉ nhằm vào việc bồi thường thiệt hại gây ra do việc sử dụng chỉ dẫn địa lý sai trái. Đối với hình thức bảo hộ không cần đăng ký này khi xảy ra xâm phạm quyền thì việc chứng minh sự đáp ứng các điều kiện để được hưởng sự bảo hộ thuộc nghĩa vụ của chủ thể quyền và thường gặp khó khăn, tốn kém.
Vai trò của chỉ dẫn địa lý
Đối với việc xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý là một công cụ hữu hiệu, đặc biệt với kinh doanh xuất khẩu. chỉ dẫn địa lý mang lại giá trị gia tăng, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường và phát triển một cách nhanh chóng, dễ dàng nhờ chất lượng và uy tín của sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý. Do những đặc tính riêng biệt của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mà chúng được nhận biết tốt hơn trên thị trường. Điều này khiến cho việc thực hiện chiến lược marketing hay các hoạt động xúc tiến thương mại trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. chỉ dẫn địa lý mạnh cũng giống như một thương hiệu mạnh luôn tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường để phát triển bền vững.
Chỉ dẫn địa lý có nhiều tác dụng kinh doanh mạnh mẽ giống như tác dụng của nhãn hiệu hàng hóa. Tầm cỡ của những đặc sản địa phương có thể được nâng lên trong con mắt người tiêu dùng khi một cộng đồng người địa phương và các thành viên của cộng đồng được hưởng độc quyền để sử dụng một chỉ dẫn địa lý riêng biệt. Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý có thể bổ sung cho sản phẩm khả năng marketing rất năng động, đặc biệt khi chất lượng làm nên sự nổi tiếng của một vùng được bảo hộ thực sự bằng kinh nghiệm của người sử dụng qua thời gian vì chỉ dẫn địa lý vốn dĩ thuộc sở hữu tập thể nên chúng là công cụ tuyệt vời đối với sự phát triển kinh tế khu vực và kinh tế dựa trên cộng đồng.
Chỉ dẫn địa lý còn giúp bảo vệ và giữ gìn các di sản truyền thống lâu đời về ẩm thực, đặc sản, nghề thủ công… Vì vậy, việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa của địa phương góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển công nghiệp du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái của vùng, thu hút lượng khách du lịch quan tâm tìm hiểu ngành nghề truyền thống, đồng thời góp phần phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ, đem lại nguồn lợi ích kinh tế cao cho cư dân địa phương thông qua các hoạt động xuất khẩu tại chỗ.
Như vậy, chỉ dẫn địa lý nằm trong nhóm đối tượng được bảo hộ thông qua sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý và cấp văn bằng bảo hộ là Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Bên cạnh đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật của các bộ ngành liên quan đặc biệt là các văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế…
Thực tiễn bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho nông sản tại Việt Nam
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng không chỉ như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Chỉ dẫn địa lý đang cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển xuất khẩu, thể hiện trên bốn phương diện: (1) chỉ dẫn địa lý bảo vệ nhà sản xuất chống lại nạn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng không để bị đánh lừa; (2) chỉ dẫn địa lý hỗ trợ việc xúc tiến thương mại và là một hộ chiếu cho xuất khẩu, bởi lẽ nó là cơ sở bảo đảm uy tín , sản phẩm đến từ gốc và có chất lượng được khẳng định bằng chính tên gọi của vùng lãnh thổ và được quốc tế công nhận; (3) chỉ dẫn địa lý là một công cụ để phát triển nông thôn và mở ra một cách sản xuất khác: Giữ gìn và hồi sinh năng lực các vùng nông thôn; tăng thêm giá trị của sản xuất theo phương pháp truyền thống; cho phép quảng bá di sản nông nghiệp của quốc gia đồng thời giữ được truyền thống văn hoá; bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học; (4) chỉ dẫn địa lý góp phần thực hiện sự công bằng kinh tế, bởi lẽ sự phong phú về các chỉ dẫn địa lý tiềm năng được phân bổ đều giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển. Mặt khác, chỉ dẫn địa lý được các quốc gia bảo hộ, với mức chi phí thấp đối với các nhà sản xuất.
Với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương. Chỉ trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã chú trọng phát triển thương hiệu của nông sản (thương hiệu cá nhân, thương hiệu cộng đồng) với mục đích bảo hộ và tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại dựa trên những lợi thế về điều kiện sản xuất.
Trong những năm gần đây, số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam gia tăng nhanh. Tính đến 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp trên 1,3 nghìn Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông thôn gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, trong đó có 70 chỉ dẫn địa lý (5,34%), 305 nhãn hiệu chứng nhận (23,3%) và 936 nhãn hiệu tập thể (71,36%). Đã có 1.096 sản phẩm nông sản (chiếm 83,6 %) và 215 sản phẩm nông thôn khác (chiếm 16,40%) được bảo hộ.
Đặc điểm của các sản phẩm được đăng ký bảo hộ là: đa số các sản phẩm được bảo hộ là sản phẩm tươi sống, nhiều sản phẩm được bảo hộ dưới dạng nguyên liệu: cà phê, hạt tiêu, hoa hồi, vỏ quế… Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của các địa phương, sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, gắn với cộng đồng ở khu vực nông thôn.
Thống kê trên phạm vi cả nước, đã có 41 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 61 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 51 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Đối với nông sản, vùng có số lượng nông sản được bảo hộ nhiều nhất tính đến tháng 10/2019 là Đồng bằng sông Cửu Long 284 sản phẩm (22,88%), tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc với 279 sản phẩm (22,48%), Đồng bằng sông Hồng 218 sản phẩm (17,57%), Duyên hải Miền Trung 116 sản phẩm (9,35%), Bắc trung Bộ 100 sản phẩm (8,05%), Đông Nam Bộ 64 sản phẩm (5,15%) và Tây Nguyên là khu vực có số lượng nông sản được bảo hộ thấp nhất với 55 sản phẩm (4,43%).
Nhiều thương hiệu của Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh thị trường và vươn tầm thế giới như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh Long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang, chè Tân Cương, hoa hồi Lạng Sơn,…
Tất cả những thành quả đó khẳng định việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ngày càng trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho nông sản đặc sản của Việt Nam.
Tuy vậy, thực tế là một nước nông nghiệp cộng thêm yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, Việt Nam có hàng nghìn nông sản đặc sản có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể. Trong số đó chỉ có chưa đến 10% sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đặc biệt việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại nước ngoài thì lại càng hiếm. Không phải doanh nghiệp, tổ chức, địa phương nào cũng nhận thức được tầm quan trọng và các lợi ích của việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này, khiến cho công tác đăng ký bảo hộ quyền chỉ dẫn địa lý phải đối mặt với nhiều thách thức. Thậm chí, sau khi đăng ký bảo hộ thì vẫn chưa có phương án khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của chỉ dẫn địa lý sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Một số tồn tại, hạn chế chủ yếu trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và thực hiện công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam là:
Thứ nhất, các quy định pháp lý của Việt Nam đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đã khá đầy đủ nhưng thủ tục đăng ký được đánh giá còn khá phức tạp, yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn cao… Do đó, quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đòi hỏi sự quyết tâm “theo đuổi” đến cùng của lãnh đạo địa phương. Chưa kể, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa đầy đủ về những yêu cầu khắt khe trong sản xuất khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thứ hai, có nhiều sản phẩm sau bảo hộ vẫn gặp khó khăn trong khai thác và phát triển thị trường. Nguyên nhân là do việc lựa chọn sản phẩm bảo hộ chưa phù hợp, sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu của thị trường tiêu thụ, chủ thể sản xuất có năng lực quản lý và tổ chức sản xuất yếu…
Thứ hai, hoạt động xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều vướng mắc. Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật mới chỉ quy định về điều kiện bảo hộ, chủ sở hữu, yêu cầu về hồ sơ (đơn đăng ký), trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ nhưng chưa quy định cụ thể nội dung và cách thức thẩm định hồ sơ. Do đó, hoạt động thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là thẩm định các nội dung: chất lượng đặc thù, khu vực địa lý, lịch sử - danh tiếng, quy trình kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, mối liên hệ giữa chất lượng đặc thù và khu vực địa lý.... Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có các quy định cụ thể để các ngành có chuyên môn phù hợp tham gia hợp lý vào quá trình thẩm định chỉ dẫn địa lý.
Theo nhiều nhận định của các chuyên gia, nếu không quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý thì nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị mất nhãn hiệu và điều đó cũng đồng nghĩa với việc mất thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, việc không đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp, địa phương có thể không lường trước được việc hàng hóa của mình có thể bị nước ngoài chiếm đoạt đăng ký trước, thậm chí có thể bị quy kết là hàng giả, hàng nhái. Những rủi ro này đều xuất phát từ việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Rất nhiều trường hợp chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam đã bị lấy mất âm thầm nhưng doanh nghiệp vẫn không phát hiện ra.
Vụ việc chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng điển hình khi nhãn hiệu cà phê này được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam từ năm 2005 đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm cà phê trên toàn lãnh thổ nước này. Mặc dù lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi lấy lại tên “Buôn Ma Thuột”. Tương tự rất nhiều trường hợp đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre…
Để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo vệ và phát huy loại tài sản trí tuệ này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ Nhà nước, đến chính quyền địa phương, tất cả các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến và các bên liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp tổng thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu; hỗ trợ về thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu nói riêng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung; giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm...
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ - bảo hộ chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác; phát triển tài sản sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ và xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ - bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang đặc trưng, ưu thế riêng của Việt Nam.
Bản thân doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất và người dân cần thiết phải liên tục cải tiến sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm giữ vững được thương hiệu. Các doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng, xây dựng thương hiệu phải gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình, các doanh nghiệp Việt phải chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Khi phát hiện quyền sở hữu trí tuệ của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ - bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ - bảo hộ chỉ dẫn địa lý mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Đó là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế, nên rất cần sự tích cực vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như sự chủ động từ phía các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất và người dân.