Thách thức từ biến động bên ngoài
Công nghiệp nước ta dễ bị tổn thương trước những biến động từ bên ngoài. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, lấy phát triển công nghiệp hỗ trợ làm trọng tâm để xây dựng nền sản xuất công nghiệp tự chủ.
Hiện số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới.
Ở một số ngành, lĩnh vực, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam được cải thiện.
Đối với ngành điện tử: Tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%…
Điều kiện cho công nghiệp tự chủ
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta còn khá non trẻ.
Sản xuất CNHT đòi hỏi thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ kỹ thuật. Chính vì vậy khi lựa chọn các ngành, các phân ngành để phát triển công nghiệp, cần dựa trên nền tảng những ngành công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp đang có thế mạnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ, theo các chuyên gia, Nhà nước cần bố trí nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 1 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước.
Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó.
Đồng thời, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, gồm các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Đây là những ngành có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Có thể nói, phát triển công nghiệp hỗ trợ là phương thức trọng tâm, cơ bản trong đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo hướng xây dựng một nền nền công nghiệp tự chủ, đủ sức ứng phó với những biến động địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng từ bên ngoài.