Tại Phiên họp thứ 37 diễn ra vào ngày 24/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank, mã cổ phiếu VCB - sàn HoSE) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Vietcombank đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước với số tiền 20.695 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật 69/2014/QH13 quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, với mức vốn Nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn.
Việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại (sau thuế, sau trích lập các quỹ và sau khi đã chi trả tiền mặt) lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 421/TTr-CP ngày 11/9/2024 báo cáo Quốc hội về nội dung này.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank là rất cấp thiết vì việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng này từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 phù hợp với chủ trương được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho Ngân hàng Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á; khẳng định vai trò "sếu đầu đàn" trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
“Đây là điều kiện cần thiết để Ngân hàng Vietcombank có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí việc đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung cụ thể đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết nghị. Trong đó nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank.
Trong một diễn biến có liên quan, Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank vừa cho biết ngân hàng này vẫn đang xúc tiến triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ mặc dù tờ trình về vấn đề này bất ngờ được rút khỏi nội dung thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 hồi cuối tháng 8/2024.
"Ngân hàng Vietcombank vẫn đang phối hợp chặt chẽ với tư vấn quốc tế để triển khai kế hoạch này. Với tiến độ hiện tại, chúng tôi kỳ vọng có thể hoàn thành kế hoạch phát hành riêng lẻ trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường diễn biến thuận lợi", ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.