Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn tăng tốc
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho ngành Dầu khí Việt Nam sau thời gian dài vắng bóng các dự án lớn. Với tổng mức đầu tư lên tới 12 tỷ USD, đây cũng là dự án lớn nhất lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam.
Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn bao gồm (1) dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), (2) dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và (3) 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.810MW (theo Quy hoạch Điện VIII).
Tính đến tháng 8/2024, chuỗi Dự án Lô B - Ô Môn đã vào giai đoạn triển khai tổng thể, đồng bộ các Gói thầu EPCI 1, Gói thầu EPCI 2, Thu nổ địa chấn 3D hoàn thành khoảng 71% khối lượng công việc. Tiếp đó, vào ngày 18/09 vừa qua, dự án Lô B - Ô Môn đã chính thức khởi công xây dựng.
Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn IV với 18 gói thầu, có tổng mức đầu tư hơn 29.900 tỷ đồng (tương đương 1,22 tỷ USD). Trong đó, các gói thầu quan trọng được tổ chức đấu thầu ngay trong quý 3 này.
Chứng khoán Dầu khí nhận định đây là loạt tín hiệu quan trọng cho thấy chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn đang được các bên quyết tâm triển khai nhằm đảm bảo đưa dòng khí đầu tiên vào khai thác đúng như kế hoạch vào năm 2026. Trong đó, tiến độ triển khai toàn chuỗi dự án hiện phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai các nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và IV, nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng khí, động bộ với tiến độ dòng khí đầu tiên.
Bên cạnh đó, những diễn biến tích cực này của dự án Lô B - Ô Môn sẽ đem lại động lực mới với các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên từ dự án Lô B.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) hưởng lợi lớn
Hiện nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và công ty con là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đều tham gia cả 3 gói thầu đầu tiên là EPCI 1, EPCI 2, EPCI 3 với giá trị trúng thầu đem về cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là hơn 1,2 tỷ USD.
Cụ thể, đối với gói thầu EPCI 1, PTSC M&C và McDermott (Hoa Kỳ) sẽ cùng nhau thực hiện nhưng công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ là nhà thầu thi công chính, đảm nhận việc xây lắp 1 giàn CPP, giàn nhà ở và tháp đuốc. Theo Chứng khoán Dầu khí, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 500 triệu USD từ gói thầu này.
Trong khi đó, PTSC M&C sẽ thực hiện gói thầu EPCI 2, bao gồm các cấu kiện chính: 04 giàn thu gom/ giàn đầu giếng (Hub platforms/ Wellhead Platforms) có tổng khối lượng gần 15.000 tấn; 3 đường ống nội mỏ 20 inch, 1 đường ống 8-inch với tổng chiều dài gần 50 km. Giá trị gói thầu sẽ rơi vào khoảng 400 triệu USD.
Vào ngày 18-19/09 vừa qua, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) - đơn vị vận hành phân khúc thượng nguồn của dự án Lô B đã tổ chức lễ cắt thép cho phần thượng tầng của giàn HUB/giàn đầu giếng (WHP) và phần chân đế của giàn HUB/WHP.
Điều này đồng nghĩa với việc 2 gói thầu EPCI 1 và EPCI 2 thuộc khâu thượng nguồn được triển khai mà không cần chờ quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho toàn bộ dự án, theo Chứng khoán Dầu khí.
Đối với gói thầu EPCI 3, liên danh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - Lilama 18 đã bắt đầu thực hiện một phần dự án sau khi hợp đồng này được ký kết vào cuối năm 2023. Theo đó, hợp đồng này bao gồm việc xây dựng 01 đường ống dẫn khí trên bờ với giá trị hợp đồng đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là 257 triệu USD.
Chứng khoán Dầu khí nhận định Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng sẽ hưởng lợi giai đoạn sau khi dự án tiếp tục mở rộng phát triển khi đây là đơn vị duy nhất ở Việt Nam có thể cung cấp các tàu dịch vụ dầu khí và các dịch vụ vận hành & bảo dưỡng (O&M) cho kho nổi chứa dầu. Dự kiến, đây sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng khác cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong suốt vòng đời của dự án.
Ngoài ra, dự án đang được thúc đẩy triển khai với nhiều tín hiệu tích cực và điều này dự kiến mang lại một khối lượng công việc khổng lồ cho các doanh nghiệp khác trong ngành như: Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD), Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVB), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GAS), Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (mã cổ phiếu PVC).