Làm gì để có sản phẩm và công nghệ thân thiện môi trường ở Việt Nam?

Từ ngày 17-20/3/2009, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ - Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Công thương: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp; Vụ khoa học Công nghệ; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi

TS Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên Môi trường - Bộ TN&MT: Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường

          Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề môi trường như ô nhiễm nước, không khí đô thị, chất thải rắn, chất thải nguy hại và nhất là vấn đề biến đổi khí hậu đang là nóng bỏng trên toàn cầu. Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, cùng với việc xoá bỏ hàng rào thuế quan, tự do hoá thương mại, một hàng rào kỹ thuật về môi trường được dựng lên, và như vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường. Hiện nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích của nhãn sinh thái và SXSH còn hạn chế, mới chỉ khoảng 200/400.000 doanh nghiệp áp dụng SXSH. Trong số đó lại chủ yếu là các doanh nghiệp lớn tham gia áp dụng, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nhân tố gây tác động xấu nhất đến môi trường) lại hầu như đứng ngoài cuộc. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư cho SXSH, việc tiếp cận các nguồn tài chính lại gặp nhiều thủ tục phiền hà, rắc rối, nên càng khó hơn cho các doanh nghiệp. Nhà nước đang thiếu một cơ chế chính sách khuyến khích công bằng và thoả đáng trong việc áp dụng công nghệ sạch và sản phẩm thân thiện môi trường. Nguồn nhân lực về SXSH còn rất mỏng, mới chỉ có khoảng 150 người được đào tạo chuyên sâu, và chỉ khoảng 20% trong số đó đạt trình độ chuyên gia trong lĩnh vực này.

 

TS Phan Đăng Tuất - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương: Các doanh nghiệp môi trường cần được ưu tiên khuyến khích phát triển

        Đã đến lúc chúng ta phải xem lại chính sách mời gọi các nhà đầu tư, không chỉ trải thảm đỏ, mà cần phải quan tâm tới vấn đề chọn lọc các nhà đầu tư đảm bảo các yếu tố an toàn, thân thiện môi trường. Các nhà quản lý cần phải đưa ra những chính sách hợp lý, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, của cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ. 

     Hiện tại, các chính sách liên quan đến công nghiệp môi trường vẫn còn nặng bao cấp chưa làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp (sử dụng kinh phí từ ngân sách, dẫn đến sự ỷ lại và xả thải lớn hơn). Các chính sách khoa học công nghệ hình như chưa theo kịp hoặc là không theo kịp với tình hình phát triển công nghiệp hiện nay nên dẫn đến chính sách ban hành không phù hợp, không mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ phát triển công nghiệp hướng tới bền vững môi trường.

     Vai trò của cộng đồng vừa là lực lượng, vừa là nguồn lực quan trọng trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường. Đơn cử, tại các làng nghề, mối quan hệ dòng họ sẽ là nhân tố quan trọng hơn những định chế bắt buộc khác. Vì vậy, vai trò của cộng đồng địa phương phải được đánh giá cao trong vấn đề bảo vệ môi trường.

      Chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bản thân là một chính sách đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp. Do sự phân bố thiếu hợp lý, cùng lúc phát triển công nghiệp cả trong và ngoài quy hoạch, nên nhiều địa phương đang trở thành khu dãn dân. Một số khu vực làng nghề, do phát triển tự phát, quy mô tăng lên nhanh chóng đang làm phá vỡ không gian môi trường ở nông thôn.

      Với chính sách bảo vệ môi trường, việc cấp thiết chúng ta cần phải làm ngay là phòng ngừa từ phía doanh nghiệp, tạo ra năng lực cần thiết để tự kiểm soát và giải quyết bảo vệ môi trường ở cấp doanh nghiệp, phòng ngừa ngay trong quá trình xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngành. Để thỏa mãn nhu cầu hoạt động bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp môi trường cần được ưu tiên khuyến khích phát triển. Tôi muốn nhấn mạnh một điều nữa, Việt Nam cần thực hiện phong trào tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, tạo ra một cơ cấu công nghiệp bền vững trên cơ sở cân đối đầu ra của công nghiệp. Làm được điều này Việt Nam sẽ thu được giá trị kinh tế cao và đóng góp giảm thiểu chất thải trong công nghiệp, hướng tới nền công nghiệp phát triển bền vững thân thiện với môi trường.

 

Bà Huỳnh Thu - Giám đốc đại diện Tập đoàn Dầu khí Macron và Công ty CP Xử lý chất thải DCR- TASMANIA tại Việt Nam: Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ lựa chọn được một công nghệ thích hợp nhất, ưu việt nhất.

     Việt Nam là đất nước đang phát triển, nên vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu các công nghệ xử lý tiên tiến. Mặt khác, chúng ta chưa xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường ngay từ trong cá nhân doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Tôi cũng đã tham gia dự nhiều hội thảo về bảo vệ môi trường tại Việt Nam, nhưng hình như sau các cuộc hội họp đó, chúng ta nói nhiều hơn làm.

      Ngay tại Triển lãm, Tập đoàn chúng tôi đang giới thiệu với các bạn về công nghệ DCR (xử lý bằng các phản ứng hoá học). Đây là một giải pháp tiên tiến trong công nghệ xử lý sự cố tràn dầu, rác thải, chất thải hữu cơ, vô cơ, các loại đất bị nhiễm chì, a xít và cặn dầu thô. Tính ưu việt, vượt trội về giá thành, hiệu quả xử lý của công nghệ này đã được thị trường các châu lục trên thế giới tin dùng và ứng dụng hơn 20 năm nay, đặc biệt là các nước Mỹ, Đức và Úc. Hiện đang có 80 nước trên thế giới do TASMANIA độc quyền sử dụng công nghệ DCR. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ lựa chọn được một công nghệ thích hợp nhất, ưu việt nhất

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương: Việt Nam muốn phát triển ngành NCMT, cần thực thi đồng bộ các giải pháp.

       Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, đồng bộ, các chế tài xử phạt không nghiêm minh, nên vấn đề phát triển một ngành công nghiệp sản xuất sạch hơn (SXSH) đã gặp nhiều khó khăn.

       Thiết nghĩ, Việt Nam rất cần những chính sách khuyến khích thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường (CNMT) phát triển. Khái niệm về CNMT ở Việt Nam còn mới lạ đối với nhiều người. Thực chất của CNMT là một ngành công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung. Nó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường đáp ứng nhu cầu phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường của nền kinh tế. Định hướng phát triển ngành CNMT tại Việt Nam đang vướng phải nhiều trở ngại, khó khăn. Các doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Hệ thống khung pháp lý chưa hoàn thiện, cộng thêm đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường còn yếu và thiếu, do đó việc sáng chế, cung cấp các thiết bị, công nghệ và dịch vụ trong lĩnh vực này còn hạn chế, nên không đủ thuyết phục, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động phát triển ngành. Muốn phát triển được ngành CNMT, thì việc đầu tiên Nhà nước cần làm là phải xây dựng và cưỡng chế thực thi các đạo luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ ngành công nghiệp môi trường.

      Nói tóm lại, quan điểm của chúng tôi là Việt Nam muốn phát triển ngành CNMT tốt thì rất cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, kịp thời hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ công nghệ, thiết bị và đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

 

Ông Daniel Gregarek, Trưởng phòng Kinh tế - Viện Công nghệ Kỹ thuật và Quản lý môi trường, Trường Đại học Witten Đức: Việt Nam đang thiếu sự liên kết đồng bộ để giải quyết chung một vấn đề.

       Khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề môi trường là, nhận thức, thông tin, nguồn vốn, nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, họ đang thiếu áp lực và động cơ bên ngoài để khuyến khích phát triển. Qua làm việc với Việt Nam, cụ thể là triển khai Dự án khuyến khích các DNNVV ở Việt Nam đầu tư vào công nghệ môi trường, tôi nhận thấy một điều, đất nước các bạn đang thiếu sự liên kết đồng bộ để giải quyết chung một vấn đề. Ví dụ, hiện các DNNVV Việt Nam khi tiếp nhận dự án, họ chỉ một mình giải quyết vấn đề cho riêng họ. Tôi nghĩ tại Việt Nam, nên có một tổ chức nào đó đứng ra liên kết lại, thì vấn đề môi trường mới được giải quyết. Ở Châu Âu cũng vậy, họ có Liên minh EU để làm việc này. Cách đây 40 năm, nước Đức tưởng chừng như vấn đề ô nhiễm môi trường không thể giải quyết được, thế nhưng khi có sự liên kết cùng thực hiện, thì cho tới nay, nước Đức lại là một quốc gia dẫn đầu về sản phẩm môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam, khi đầu tư ứng dụng vào công nghệ môi trường, ngoài việc xử lý ô nhiễm nên hướng tới việc tái sử dụng sản phẩm môi trường để tránh lãng phí, mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội và nhân rộng thị trường xanh phát triển.