Bộ Giao thông Vận tải vừa có phản hồi liên quan đến đề nghị ban hành quy định điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ôtô cá nhân theo hướng "nới lỏng" thêm thời gian, để vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và giảm bớt khó khăn về kinh phí, thuận tiện cho người dân.
Theo đó, trong năm 2023, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh thời hạn đăng kiểm đối với xe ôtô cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ phương tiện trong công tác đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan, trong đó đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 22/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT nêu trên đã quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới chưa qua sử dụng; điều chỉnh chu kỳ kiểm định tăng thêm 6 tháng đối với nhóm phương tiện ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe ôtô cá nhân) so với quy định chu kỳ kiểm định trước đây.
Việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định được xác định dựa trên các nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm của các tổ chức đăng kiểm quốc tế, đánh giá quá trình khai thác và một số yếu tố cơ bản về tuổi của xe, tần suất sử dụng, môi trường hoạt động…
Cụ thể, tuổi của xe gồm các thành phần linh kiện, cụm linh kiện, các hệ thống như: hệ thống treo, hệ thống lái, hệ thống phanh… sẽ hao mòn và hư hỏng theo thời gian. Đặc biệt là các chi tiết từ cao su như lốp xe, gioăng đệm cao su, dầu bôi trơn, linh kiện điện tử là những chi tiết bị lão hóa theo thời gian kể cả khi không sử dụng.
Tần suất sử dụng xe tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động, độ tin cậy của linh kiện, cụm linh kiện, các hệ thống như: hệ thống treo, hệ thống lái, hệ thống phanh và khung xe. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi xe sử dụng tần suất cao các bộ phận sẽ bị hao mòn, lão hóa nhanh hơn khi ít sử dụng.
Môi trường hoạt động của xe tác động trực tiếp đến tuổi thọ của linh kiện, cụm linh kiện, các hệ thống như: hệ thống treo, hệ thống lái, hệ thống phanh, khung xe. Khi ôtô hoạt động trong môi trường bụi bẩn, đất đá, độ ẩm cao và đường xấu, độ muối cao thì các linh kiện, cụm linh kiện, các hệ thống như: hệ thống treo, hệ thống lái, hệ thống phanh, khung xe hư hỏng nhanh hơn khi hoạt động trong môi trường khô ráo và sạch sẽ.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Bộ sẽ giao các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu các yếu tố có liên quan (tuổi của xe, tần suất sử dụng, môi trường hoạt động…) phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tham khảo các quy định quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Hiện nay, chu kỳ kiểm định xe cơ giới được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định về chu kỳ kiểm định xe cơ giới. Theo đó, căn cứ vào phụ lục 05 Thông tư 02/2023/TT-BGTBT, thời hạn đăng kiểm ôtô được quy định kể từ ngày 22/3/2023 như sau:
Mức phạt khi quá hạn đăng kiểm xe ô tô
Mức xử phạt ô tô quá hạn đăng kiểm được quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung từ khoản 5 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Theo đó
Điều khiển xe quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng sẽ bị phạt hành chính 3.000.000 - 4.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Trường hợp điều khiển ô tô quá hạn đăng kiểm từ 1 tháng trở lên sẽ bị phạt 4.000.000 - 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Ngoài ra, phương tiện quá hạn kiểm định từ 1 tháng trở lên có thể bị tạm giữ khi tham gia giao thông trước khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.