Chính sách phải hướng đến phát triển thị trường cơ khí

Đó là chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí vào ngày 11/4 vừa qua. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục rà s

Năng lực vượt trội

Trong 10 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 186/2002/QĐ-TTg (Quyết định 186) phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn 2020, bức tranh ngành công nghiệp nền tảng này có những chuyển biến nhanh chóng về giá trị sản xuất ngành/giá trị toàn ngành Công nghiệp, về khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước, về xuất khẩu… Đi cùng với đó, năng lực sản xuất của các ngành sản xuất thiết bị toàn bộ, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất xe gắn máy, chế tạo thiết bị các ngành xi măng, vật liệu xây dựng, y tế, nhiệt điện… có bước tiến bộ vượt bậc.

Hiện trong nước đã sản xuất được các thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện; chế tạo được dây chuyền cán thép công suất đến 30.000 tấn/năm; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất đến 800.000 tấn/năm.

Có 3 sản phẩm được coi là biểu tượng của sự đổi mới cơ khí nước ta là thiết bị cơ khí thủy công cho Thủy điện Sơn La, giàn khoan tự nâng 90 mét của PV Shipyard (được kiểm định quốc tế chứng nhận) và máy biến áp 500 kV của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được máy biến áp loại lớn này, đồng thời làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào nước ta phải giảm giá từ 20-30%, góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế.

Chưa làm chủ tổng thầu

Những thành tựu nói trên bắt nguồn từ cú hích Quyết định 186 và hàng loạt các văn bản triển khai thực hiện Quyết định này như Quyết định 112/2003/QĐ-TTg; Quyết định 10/2009/QĐ-TTg, Chỉ thị 494/2010/CT-TTg, Quyết định 1791/2012/QĐ-TTg…

Trong quá trình triển khai hệ thống các văn bản thực hiện Quyết định 186, đã hình thành 3 ngành hàng mới là đóng tàu biển; chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn (thủy công, cầu trục, tháp, bồn, bể…); lắp ráp ô tô chở khách và xe tải nhẹ. Các văn bản nói trên cũng tạo ra một dung lượng thị trường khá lớn giúp các doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực… vươn lên nhận tổng thầu EPC một số công trình có giá trị gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu thì vẫn còn một khoảng cách đáng kể.

Tính đến nay, so với nhu cầu, ngành Cơ khí mới đáp ứng được 32,58%. Nhưng đáng quan tâm hơn, trong khi dòng sản phẩm cơ khí lắp ráp, hàng kết cấu thép, thiết bị nâng hạ... được đầu tư nhiều thì khu vực chế tạo máy ít được đầu tư (10 năm qua chưa xây dựng thêm được một nhà máy chế tạo máy nào) dẫn đến cơ khí nước ta phát triển lệch. Trên phạm vi cả nước, vẫn chỉ có Cơ khí Hà Nội và Cơ khí Cẩm Phả được đầu tư đúng nghĩa là cơ sở chế tạo máy. Đây là lý do dẫn đến các doanh nghiệp trong nước ngày càng phụ thuộc vào máy móc thiết bị nhập khẩu. Trong 4 năm gần đây, từ 2010 đến 2013, mỗi năm chúng ta nhập khẩu trên 20 tỷ USD sản phẩm cơ khí, trong đó 90% là máy móc, thiết bị. Thêm nữa, phần lớn các nhà máy nhiệt điện, dự án hóa chất, lọc hóa dầu đều do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, phần chế tạo cơ khí trong nước mới đạt khoảng 10%; đối với nhóm máy công cụ, máy động lực, máy xây dựng, trong nước mới đáp ứng 40% nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu 60-70% của Chiến lược phát triển Cơ khí đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí, các đại biểu đều cho rằng, cơ chế chính sách đã ban hành tương đối hoàn thiện, đủ để nâng đỡ và phát triển ngành Cơ khí nước ta; năng lực các doanh nghiệp cơ khí nước ta cũng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nội địa hóa, vậy thì tại sao trong thời gian qua tổng thầu EPC cho các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện, xi măng, hóa chất, tuyển quặng lại hầu hết rơi vào tay nhà thầu nước ngoài?

Xác định lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên

Trên thực tế, cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ song tính thực thi còn hạn chế, nhất là về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Hai văn bản hết sức quan trọng có khả năng tạo cơ hội đổi mới năng lực, quản trị và công nghệ cho doanh nghiệp cơ khí nước ta là Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm đến năm 2015 và Quyết định 1791/2012/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thiết kế chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2015. Nội dung chủ yếu của 2 Quyết định này bao gồm các chính sách ưu đãi cao nhất về tín dụng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu phát triển cho 11 chủng loại sản phẩm cơ khí trọng điểm và 8 nhóm dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, và cho phép nhận chuyển giao công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện từ nguồn vốn ngân sách. Các doanh nghiệp cơ khí lớn như Lilama, Trường Hải, Sông Thu, Thiết bị Điện Đông Anh... đều cho rằng, nếu thực hiện tốt các Quyết định này, doanh nghiệp trong nước sẽ được tập dượt kỹ càng từ nghiên cứu, thiết kế cho đến chế tạo, lắp đặt, quản lý vận hành, hội tụ đủ các yếu tố để vươn lên làm tổng thầu EPC thông qua đấu thầu công khai. Thế nhưng, tính đến nay, mặc dù Thủ tướng đã chấp thuận 11 dự án được hưởng chính sách theo Quyết định số 10 với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nhưng chỉ có 3 dự án được Ngân hàng Phát triển ký hợp đồng tín dụng trị giá 374 tỷ đồng, bằng khoảng 3%. Đáng buồn hơn cũng mới chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng, bằng khoảng 16% giá trị hợp đồng đã ký. Đối với Quyết định 1791, chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 đã không thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ về “chỉ định thầu một cách có điều kiện và có thời hạn”.

Chính vì vậy, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các văn bản pháp lý đã ban hành. Đồng thời, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm việc rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch của ngành Cơ khí đến năm 2025 tầm nhìn 2035, trong đó xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy phục vụ phát triển nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy sản, các thiết bị cho vận tải... Lưu ý việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch phải đặt trong điều kiện thực tế cụ thể của kinh tế thị trường và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.