Theo thống kê từ các nhà mạng, trong số những SIM di động được bán ra thị trường hiện nay, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua kênh chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều SIM di động không chính chủ nhất.
Trên thị trường hiện đang xuất hiện tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thuê bao. Một số đại lý cung cấp SIM đã thuê người dân đăng ký với mức phí thấp, sau đó mang những SIM di động này bán ra thị trường. Điều này lý giải cho việc khi nhà mạng xác minh SIM thì thông tin đăng ký khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng SIM di động đó lại không phải chính chủ.
Để xử lý dứt điểm tình trạng SIM không chính chủ, SIM rác, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết các nhà mạng cam kết sẽ dừng bán SIM di động qua đại lý từ ngày 10/09 tới đây.
Quy định này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả bởi thời gian qua, dù hàng loạt quy định đã được đưa ra và áp dụng nhưng hoạt động kinh doanh buôn bán SIM không chính chủ, SIM rác vẫn diễn ra trên thị trường.
Như vậy, kể từ ngày 10/9, người dân chỉ có thể mua SIM di động qua hai kênh là tại các cửa hàng của các nhà mạng và các chuỗi cửa hàng điện thoại uy tín.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết thêm, hiện nay khoảng 85% thuê bao mới thuộc về các nhà mạng lớn: MobiFone, VinaPhone, Viettel. Những doanh nghiệp này đều đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát trực tiếp thông tin thuê bao.
Các nhà mạng còn lại: Vietnamobile, Wintel, iTel... chiếm khoảng 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ hàng tháng. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.