Dù cuối năm có bận bịu như thế nào, người Hà Nội vẫn dành cho mình khoảng thời gian tĩnh lại để cảm nhận dư vị thật đặc biệt của Tết đến xuân về tại chợ hoa phố cổ. Đi chợ hoa Hàng Lược không hẳn là để mua hoa, mà còn để ngắm nghía, thưởng vẻ đẹp của hoa ngày Tết và quan trọng hơn là tìm lại không khí của Tết Hà Nội xưa.
Dạo một vòng chợ hoa Hàng Lược sẽ thấy sự phong phú, đa dạng của cây và hoa ở đây. Để sắm một cành đào chơi Tết bạn bỏ ra từ 150.000đ - 200.000đ cho một cành đào nhỏ, từ 600.000đ - 700.000đ cho cành đào phai to và tiền triệu cho những cành đào hoặc cây đào đẹp, thế độc lạ; từ 800.000đ- 900.000đ cho cây mai đỏ kép, 500.000đ - 600.000đ cho mai đỏ đơn…
Không chỉ phong phú đào, quất, chợ còn có cả mai trắng, mai vàng và phổ biết là hoa lan đủ chủng loại, hoa đỗ quyên, thuỷ tiên, hồng, cúc, ly, lay ơn, violet, tulip, trạng nguyên, hải đường, tường vi, bưởi hồ lô, phật thủ… Tùy túi tiền và sở thích mà bạn có thể chọn cho mình loại hoa phù hợp để bày trong dịp Tết.
Chợ hoa Hàng Lược là phiên chợ hoa duy nhất mở một lần trong năm bắt đầu từ 23 tháng Chạp để người dân sắm sửa cho lễ tiễn ông Công, ông Táo và kết thúc vào chiều 30 Tết. Những ngày này chợ hoa tấp nập người đi mua sắm, dạo chơi, không khí xuân rộn ràng khắp nơi.
Tình cờ tôi gặp ông Nguyễn Văn Ngọc (quận Long Biên) là người Hà Nội gốc, nay đã 82 tuổi đang thong thả dạo chợ hoa phố cổ. Đây là thói quen của ông vào mỗi dịp cuối năm. Ông kể cho tôi nghe, nhà ông trước ở Hàng Khoai, nên ông được đi chợ hoa Hàng Lược từ ngày còn bé, đó cũng là thú vui, là sự háo hức tuổi thơ và cho đến giờ là thói quen không thể thay đổi.
Chợ hoa Hàng Lược có từ những năm đầu thế kỷ 20 và trong ký ức của ông ngày trước, chợ không phong phú như bây giờ, chủ yếu là bán đào, quất, hoa thược dược, cúc, lay ơn… Chợ hoa phố cổ ngày ấy không có sự hối hả, tấp nập như bây giờ mà mọi người vừa thong dong du xuân ngắm cảnh, vừa để chọn hoa chơi vào những ngày Tết. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội để cảm nhận hương vị đặc trưng của ngày Tết.
Cũng chính nét đẹp văn hoá ấy đã thu hút những du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, đến với Thủ đô Hà Nội. Lần thứ hai ăn Tết ở Việt Nam tại quê hương của bạn gái, Christoph Jank (35 tuổi) người CHLB Đức chia sẻ niềm vui khi dạo chơi chợ hoa phố cổ. Anh thích thú cảm nhận dư vị đặc biệt của Tết Việt Nam tại chợ hoa Hàng Lược nhiều màu sắc, là sự tấp nập, đông vui của người dân đi mua sắm, là không khí ấm áp gia đình mỗi khi Tết đến sum vầy. Mặc dù đã đi nhiều nơi, đón Tết ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước châu Á, Đông Nam Á có nền văn hóa gần như tương đồng với Việt Nam nhưng anh Jank vẫn ấn tượng về con người và đất nước nơi đây, đặc biệt là sự thân thiện, hiếu khách, là không khí gia đình ấm áp.
Đến chợ hoa Hàng Lược bạn không chỉ tìm thấy cho mình hoa tươi cắm Tết mà có thể chọn hoa lụa chơi ngày Tết. Đây cũng là xu hướng những năm gần đây đối với những ai muốn có bình hoa để được lâu hơn.
Chị Vũ Minh Thương (Bạch Mai) đang lựa chọn cho mình một số loại hoa lụa để cắm trong dịp Tết. Chị cho biết, chị mua cả hoa tươi lẫn hoa lụa, chị muốn tự chọn hoa lụa vì vừa cắm theo ý mình lại rẻ hơn so với mua hoa được cắm sẵn, hoa lụa lại để được lâu dài.
Ngày nay chợ hoa Hàng Lược không chỉ bán hoa mà còn buôn bán nhiều mặt hàng trang trí Tết như câu đối, đèn lồng, đồ cúng lễ, đồ phong thuỷ… và đặc biệt là đồ cổ, giả cổ cũng được bày bán ở đây.
Để cảm nhận không khí Tết thanh tao, cổ truyền của người Hà Nội chỉ có thể tìm đến chợ hoa Hàng Lược, nơi người xem không nhất thiết phải mua hoa và người bán không vì thế trở nên khó chịu mà tất cả đều là sự thân thiện, vui tươi cùng thưởng thức cái đẹp, chúc cho nhau một năm mới an lành.
Một số hình ảnh tại chợ hoa Hàng Lược Xuân Mậu Tuất 2018:
Kiều Liên