Chủ động phòng vệ thương mại để doanh nghiệp hội nhập hiệu quả

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia và thực thi nhiều FTA lớn, các biện pháp phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nền kinh tế có thể hội nhập hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực tới các ngành hàng, doanh nghiệp và ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần quan trọng đảm bảo thương mại công bằng và ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần quan trọng đảm bảo thương mại công bằng và ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước

Với 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã được ký kết, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ hơn 50 nước đối tác FTA. Điều này biến Việt Nam trở thành một thị trường sôi động và hấp dẫn trong con mắt các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 

Các FTA thế hệ mới dự đoán sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng cho các giai đoạn tiếp theo. 

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10 cho biết, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng năm 2023 đã vượt mốc 550 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường có FTA ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, dù đang tận dụng hiệu quả các FTA và khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng Việt Nam cũng đối diện không ít áp lực, thách thức từ hàng nhập khẩu lên thị trường nội địa. Các FTA một mặt mở rộng thị trường, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về những rào cản thương mại, trong đó nổi bật nhất là rào cản phòng vệ thương mại. Đa số quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến biện pháp tự vệ nội khối (chỉ áp dụng trong phạm vi các nước tham gia hiệp định) và yêu cầu minh bạch hóa khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cụ thể, sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, bên cạnh việc có nhiều lợi thế khi ta có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu thì chúng ta cũng phải mở cửa cho các nước thành viên bằng việc cắt giảm sâu thuế nhập khẩu. Điều đó dẫn đến nhiều ngành hàng của Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hoá nhập khẩu. Đây là hệ quả tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nền kinh tế có thể hội nhập hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực tới các ngành hàng, doanh nghiệp. Đây là các biện pháp được WTO cho phép và đã được các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn áp dụng thường xuyên, phổ biến trong thương mại quốc tế.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 27 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hoá nhập khẩu, bao gồm 16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 22 vụ việc.

Các mặt hàng mà Việt Nam điều tra đa dạng như các sản phẩm sắt thép, kính nổi, kim loại thuộc lĩnh vực hàng công nghiệp, các sản phẩm thuộc lĩnh vực hoá chất, sơ sợi, hàng tiêu dùng và cả sản phẩm liên quan tới nông nghiệp (các mặt hàng quan trọng với người nông dân).

Thống kê cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm khoảng 9,5% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2022) và công ăn việc làm của hàng triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ngành hàng nhạy cảm như nông nghiệp, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời với sản phẩm đường đã góp phần bảo vệ lợi ích của hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng mía trên khắp cả nước.

Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, theo thống kê, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước. 

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA, đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Thy Thảo